Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm và chuyển giao công nghệ với Hàn Quốc

Sáng ngày 3/10, Sở KHCN TP.HCM phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố (SHTP) tổ chức buổi tọa đàm 'Mô hình khung hợp tác thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Việt - Hàn'.

Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của đại diện nhiều trường, viện, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa công nghệ trên địa bàn, cũng như đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp và Sở KHĐT Thành phố.

Tọa đàm cũng là dịp để đại diện các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, hiến kế và cùng thảo luận với đại diện Sở KHCN TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố xoay quanh chủ đề "làm thế nào để cùng nhau tạo ra những sự hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm KHCN cũng như chuyển giao công nghệ giữa trường, viện, doanh nghiệp với đối tác tiềm năng".

Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho rằng, trong nhiều năm trở lại đây, Thành phố luôn trăn trở về công tác thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.

"Dù Thành phố là địa phương đầu về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhưng thực tế cho thấy vai trò của KHCN, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ vẫn chưa đạt như kỳ vọng", Phó Giám đốc Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, "có thể thấy rằng vai trò của trường, viện và doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, đó chính là chìa khóa dẫn đến thành công cho các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp". 

Mở đầu tọa đàm, PGS.TS Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) trình bày nội dung về kinh nghiệm xây dựng các vườn ươm, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao tại Hàn Quốc, các cơ chế chính sách tại Hàn Quốc nhằm giúp các trường, viện, doanh nghiệp và cá nhân phát huy sự sáng tạo, chuyển giao công nghệ để thương mại hóa.

Thực tế là giữa trường, viện và doanh nghiệp vẫn có "khoảng cách" khá xa nhau về sự hợp tác. Nếu như các trường, viện chỉ tập trung vào đào tạo, nhưng nếu muốn phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác để thương mại hóa các sản phẩm, ý tưởng nghiên cứu khoa học lại bị vướng vài quy định liên quan đến chính sách; trong khi đó, giới doanh nghiệp thường nghĩ đến mục tiêu ngắn hạn, tập trung nguồn lực cho các hoạt động trước mắt thay vì đầu tư dài hạn cho nghiên cứu khoa học, thị trường.

Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng

"Chúng ta cần nghiên cứu các bài học, kinh nghiệm từ Nhật, Hàn Quốc", tiến sỹ Lê Hoài Quốc nhận định, "hơn bao giờ hết, chúng ta cần hoàn thiện một hệ thống đổi mới sáng tạo thực chất và đi vào chiều sâu".

Ngoài ra, tiến sỹ Quốc cũng khuyến nghị, các đơn vị, cá nhân khởi  nghiệp và trường viện, doanh nghiệp khi thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố chuỗi Giá trị gia tăng của dự án, sản phẩm tương ứng".

Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến đến từ Đại học Bách khoa TP.HCM đã chia sẻ về những thực tế hợp tác thành công giữa Đại học Bách Khoa với một số trường, viện và tổ chức khoa học Hàn Quốc.

Theo tiến sỹ Tiến, Hàn Quốc từng là "lò" của nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, và nhiều thành tựu KHCN tại Hàn Quốc có sự đóng góp chất xám Việt Nam.

Ở phần trao đổi, đại diện doanh nghiệp KHCN Thuận Thiên cho rằng, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KHCN như Thuận Thiên đặc biệt rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về vấn đề kết nối khách hàng, cũng như sự hỗ trợ mặt bằng, chính sách thuê đất ở Khu Công nghệ cao để xây dựng nhà xưởng sao cho thuận tiện, gần với nhóm khách hàng tiềm năng.

"Điển hình với Thuận Thiên, chuyên về xử lý chất thải rắn, hiện là đối tác cho 1 vendor cấp 1 của Samsung Việt Nam, nhưng cơ sở xa khiến chi phí logistics tăng, đó là chưa nói đến khó khăn về bảo quản nguyên liệu", đại diện công ty Thuận Thiên nói.

Đồng tình với quan điểm này, một đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ khác công ty viễn thông Khánh Hội khẳng định, khó khăn mà mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải rõ ràng là tài chính. Tuy nhiên, sự hỗ trợ mà những đơn vị như Khánh Hội cần từ các cơ quan quản lý Nhà nước là làm thế nào để tạo ra các hoạt động kết nối cho doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm, giải pháp thành phẩm.

"Đó mới thực sự là kích cầu", đại diện công ty Khánh Hội bày tỏ, "chúng tôi hiện đã có giải pháp, sản phẩm thiết bị hoàn chỉnh về giám sát, định vị GPS dành cho phương tiện vận tải, và đã thương mại hóa nhiều năm này. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu Sở KHCN cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố giúp chúng tôi tiếp cận với các đề án của Thành phố, Sở ngành liên quan".

Chia sẻ quan điểm "doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay" với đại diện công ty Khánh Hội, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng, trong nhiều năm trở lại đây, Sở KHCN TP.HCM luôn có các hoạt động hỗ trợ hoàn thiện và thương mại hóa các đề tài nghiên cứu khoa học mà Sở KHCN hỗ trợ, ngoài ra còn có các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thường niên như SpeedUp, cuộc thi Đổi mới sáng tạo & khởi nghiệp thường niên.

Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cũng cho biết thêm rằng, mỗi năm, Sở KHCN TP.HCM cấp ngân sách hơn 200 tỷ đồng cho các trường, viện nghiên cứu khoa học, và đó là con số rất lớn so với các tỉnh thành lân cận (trung bình 20-30 tỷ đồng).

Tại tọa đàm, ông Jason RIM - chuyên gia hiện công tác tại SHTP đã trình bày nội dung về Khung hợp tác phát triển công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc mà SHTP đang xây dựng.
PCWorld

TP.HCM đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm và chuyển giao công nghệ với Hàn Quốc


      © 2021 FAP
        2,884,907       144