Phần lớn tăng trưởng lượng người dùng Facebook hiện nay chủ yếu đến từ châu Á, trong khi 185 triệu người dùng tại Mỹ và Canada vẫn duy trì và không thay đổi đáng kể việc dùng các mạng xã hội kể từ quý I năm nay.
Theo tờ Washington Post, tính riêng ở Mỹ, hiện cứ 4 người thì có 1 người đã xóa bỏ tài khoản Facebook sau những lùm xùm về rò rỉ dữ liệu cá nhân, lan truyền nội dung độc hại hay nghi vấn về sự can thiệp vào việc bầu cử của mạng xã hội này. Có vẻ như Facebook đang bị chính người dùng ở Mỹ "quay lưng" và chối bỏ nó.
Đây là kết quả nghiên cứu được Trung tâm nghiên cứu Pew đưa ra ngày 26/9 vừa qua, cùng thời điểm bà Sheryl Sandberg - COO của Facebook, đang phải trả lời các câu hỏi trước Quốc hội Mỹ về việc công ty này chống lại sự can thiệp của các thế lực nước ngoài như thế nào trong những trường hợp giống như cuộc bầu cử năm 2016.
|
Có vẻ như lượng người dùng từ bỏ Facebook ngày càng tăng, nhất là những người dùng trẻ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Cuộc khảo sát được Pew thực hiện từ 29/5 đến 11/6 với khảo sát trên 4.594 người, kết quả cho thấy, 74% người Mỹ trưởng thành sử dụng Facebook đã thay đổi cài đặt chế độ riêng tư, tạm dừng dùng ứng dụng hoặc xóa ứng dụng hoàn toàn. Và Pew thống kê được: cứ 4 người Mỹ thì có 1 người đã xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại.
Bên cạnh đó, không chỉ 74% lượng người dùng thắt chặt chế độ riêng tư, có tới 42% số người dùng đã dừng sử dụng Facebook vài tuần hoặc lâu hơn. Những hành động này có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi.
Với kết quả này, có vẻ như công cuộc "di cư khỏi Facebook" trong giới trẻ là có thật, và cuộc di cư đó đang mở rộng đến cả những người dùng lớn tuổi hơn.
Làn sóng xóa bỏ Facebook có vẻ diễn ra theo tính chất thế hệ: 44% người dùng trong độ tuổi từ 18 đến 29 nói với Pew rằng họ đã xóa ứng dụng Facebook, 20% người ở độ tuổi 50–64 làm như vậy. Đối với người dùng trên 65, con số đó giảm xuống còn 12%. Ít nhất, hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ đã điều chỉnh cài đặt bảo mật trong 12 tháng qua, Facebook đã thực hiện các bước bảo mật để người dùng dễ dàng thao tác hơn.
Liên quan đến vụ viêc, trong một tuyên bố với Washington Post, Facebook cho biết người sử dụng quản lý thông tin thông qua công cụ điều khiển quyền riêng tư mỗi ngày.
“Trong những tháng gần đây chúng tôi đã làm cho chính sách quyền riêng tư rõ ràng hơn, cài đặt quyền riêng tư dễ dàng tìm kiếm hơn và giới thiệu những công cụ tốt hơn cho mọi người tiếp cận, tải và xóa thông tin của họ. Chúng tôi cũng chạy các chiến dịch giáo dục trên và ngoài Facebook để giúp mọi người trên thế giới hiểu rõ hơn cách quản lý thông tin trên Facebook." - trích tuyên bố của Facebook.
Mặc dù kết quả khảo sát của Pew cho thấy một số lượng lớn người Mỹ đang từ bỏ mạng xã hội này hoặc điều chỉnh lại quy mô sử dụng của họ, trong khi Facebook vẫn ghi nhận số người hoạt động hàng ngày ổn định trong những báo cáo thu nhập gần nhất của công ty. Nhưng theo các nhà phân tích, Facebook vẫn có thể phải đối mặt với thách thức trong việc thu hút người dùng mới trong những thị trường đã trưởng thành như Mỹ và châu Âu, bởi phần lớn tăng trưởng người dùng Facebook hiện tại đều đến từ châu Á, trong khi 185 triệu người dùng tại Mỹ và Canada vẫn duy trì và không thay đổi đáng kể việc dùng các mạng xã hội - trong đó có Facebook, kể từ quý I 2018.
Đánh giá về cuộc khảo sát, bà Debra Aho Williamson - nhà phân tích tại eMarketer, cho rằng "cuộc khảo sát tương ứng với thực tế", khi bê bối rò rỉ dữ liệu cá nhân của Facebook nổ ra cùng một loạt lo ngại về tình trạng tin tức giả, can thiệp bầu cử và tác động tiêu cực của mạng xã hội này.
“Điều đó cho thấy người dùng giờ đã nhận thức cao độ về quyền riêng tư và cách các công ty truyền thông xã hội sử dụng dữ liệu của họ. Họ đã mệt mỏi với suy nghĩ rằng mình không có được quyền kiểm soát nhiều như mình tưởng” – bà nói.
Và, “Có một bộ phận đang cảm thấy không chắc chắn mạng xã hội có tích cực và hữu ích cho thời gian của họ hay không.”- bà Williamson nhận định.
Bà Williamson cũng lưu ý rằng, các nghiên cứu không chứng minh được cho giả thuyết Facebook đang mất người dùng vì cũng có thể những người đã xóa ứng dụng lại quay trở lại sau đó, bởi khảo sát là một "thang đo" tốt, cho thấy mọi người đang cảm thấy như thế nào, nhưng đến khi kết thúc thật sự khó nói họ đã từ bỏ hoàn toàn hay chưa. Việc "Nghỉ ngơi một chút có thể khiến bạn cảm thấy như đang bỏ lỡ gì đó vậy” - bà cho biết.