Công nghệ - Sản phẩm

Cách các công ty công nghệ thao túng người dùng

Lâu nay, trong rất nhiều trường hợp, người dùng các thiết bị công nghệ một phần do thiếu hiểu biết (hoặc không có đủ thông tin), vẫn vô tình "lọt vào tầm ngắm" của các công ty công nghệ, để họ dẫn dụ và "dắt" bạn đi theo hướng có lợi cho họ.

Trang công nghệ HowtoGeek vừa vạch trần các thủ đoạn trên và gọi chúng là các "giản đồ tối" - nghĩa là những thiết kế đen tối, nhằm cố tình dẫn dụ bạn làm những gì các công ty muốn. Nó có thể xuất hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như việc MoviePass không cho người dùng hủy tài khoản, hay việc các bộ/chương trình cài đặt thường đưa vào máy bạn các phần mềm rác bằng cách giả định và hướng bạn liên tục click vào ô có chữ "Next" mà không suy nghĩ nhiều về hậu quả xảy ra.
Theo HowtoGeek, đối với những người rành về máy tính, việc tinh chỉnh mọi thứ để cho thiết bị của họ hoạt động theo đúng cách mình muốn luôn đối nghịch với các thiết lập mặc định. Nhưng, các "giản đồ tối" của các hãng luôn "cố ý làm mọi thứ trở nên khó khăn hơn", vì vậy, rất đáng để chúng ta tìm hiểu kỹ về cách hoạt động của nó. 
Dưới đây là một vài ví dụ về "giản đồ tối", được trang công nghệ HowtoGeek chỉ ra:
"Mánh" Confirm Shaming (tức sự xấu hổ khi xác nhận), với ngụ ý bạn là kẻ tồi tệ nếu xác nhận chúng. Confirm Shaming là một xu hướng mới xuất hiện gần đây, nhưng nó thực sự đã gây ra rất nhiều phiền nhiễu. Các nhà thiết kế web muốn bạn phải làm gì đó, như đăng ký (subscribe) một tờ báo chẳng hạn, và họ sẽ tạo ra các nút bấm/chọn để có thể khiến bạn cảm thấy mình là một người tồi tệ nếu không làm theo. 
Nếu bạn muốn unsubscribe (bỏ theo dõi), nghĩa là bạn sẽ phải click vào một đường link với ngụ ý rằng, "bạn không quan tâm đến con mèo của mình" (trong ảnh).
Trong ví dụ này, nếu bạn muốn unsubscribe (bỏ theo dõi), nghĩa là bạn sẽ phải click vào một đường link với ngụ ý rằng, "bạn không quan tâm đến con mèo của mình" (trong ảnh). Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, dòng chữ để bạn bỏ theo dõi đó rất khó nhìn, nó được thiết kế là một dòng văn bản chữ nhỏ màu xám nhạt, rất dễ bị lẫn trên nền trắng màn hình nếu ta không chú ý.
Đây hoàn toàn là một điều cố ý. Các popup như vậy hoàn toàn có khả năng dụ dỗ bạn phải điền tiếp vào đó email của mình, ngay cả khi bạn thấy khó chịu về nó và họ đã đạt được mục đích: thu thập thông tin về bạn. Và cách làm này đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhất là với hàng triệu ứng dụng trên mạng. Chung quy là các nhà sản xuất ngoài việc cung cấp cho người dùng những tính năng cần có, họ vẫn luôn có những "lời ngụ ý" đi kèm, nhằm thao túng bạn và hướng cho bạn làm những điều mà mình không muốn.
Một ví dụ khác, đó là chiêu trò "Bait and Switch". Đôi khi bạn click vào một nút bấm với dự định làm một điều gì đó, nhưng sau đó bạn lại nhận ra rằng: mình vừa làm điều ngược lại. Đó chính là trò "Bait and Switch" kinh điển (thả mồi và thay đổi), một kiểu lừa tựa như "treo đầu dê, bán thịt chó" vậy.
Một ví dụ khác, đó là chiêu trò "Bait and Switch".
Microsoft vẫn thường dùng chiêu trò này khi họ muốn người dùng đẩy mạnh việc nâng cấp các chương trình Windows, như lên Windows 10 chẳng hạn. Lúc đó họ sẽ đưa ra 2 nút bấm: Upgrade Now (nâng cấp ngay) hoặc Upgrade Tonight (nâng cấp tối nay).
Nhưng nếu bạn không muốn nâng cấp lên Windows 10 và tiếp tục giữ lại phiên bản cũ thì sao? Bạn sẽ phải ấn vào nút nào? - Chẳng có nút nào cả. Thế là rất nhiều người cuối cùng đã vô tình phải/bị cài đặt Windows 10 theo cách này. Điều đó thật đáng sợ, nhưng nó còn có thể tồi tệ hơn nữa, bởi ngay cả khi bạn đóng cửa sổ cập nhật, lời nhắc bạn cài đặt (nâng cấp) cũng hiện ra. Và dù không hề muốn nâng cấp, có thể họ đã quá quen phiên bản cũ, không thích thay đổi, nhưng vì phiền toái, cuối cùng cũng phải cài đặt Windows 10 theo cách này.
Hay như việc MoviePass không cho người dùng hủy tài khoản của mình cũng là một ví dụ điển hình về "giản đồ tối" trong thời gian gần đây. Ở đây, mọi người nghĩ rằng họ đã xóa tài khoản của mình, nhưng sau đó lại phát hiện ra rằng, thực ra mình đã vô tình đăng ký lại.
Hoặc cách "Giả định mọi người sẽ không đọc". Đây cũng là một trong những loại "giản đồ tối" khi các hãng công nghệ luôn đưa ra những điều khoản dài lê thê. Tuy nhiên, chúng đều có một điểm chung là các nhà cung cấp dịch vụ đều "giả định rằng mọi người sẽ không đọc", vì các điều khoản dài đằng đẵng và dù đọc thì một phần do khó hiểu (tối nghĩa), phần do muốn mau chóng đăng ký dịch vụ cho xong nên hầu hết mọi người đều hành động theo bản năng. Và quả thật, họ sẽ ấn vào nút nào hiện ra rõ ràng nhất để tiếp tục việc mình đang làm và đó chính là điều các công ty ma mãnh đã tận dụng.
Tuy nhiên, các ví dụ nêu trên vẫn chưa phải xấu xa nhất nếu đem so với những gì các công ty khác đã thực hiện trong nhiều năm qua. Ví dụ, việc đóng gói cả các phần mềm rác đi kèm trong các bộ cài đặt.
Đây là điều người dùng Windows hẳn không xa lạ gì, và người dùng Mac cũng không được buông tha. Những gã thiết kế phần mềm cho rằng, bạn sẽ click vào nút Next liên tục mà không nhìn xem điều gì đang hiện ra trên màn hình, từ đó chấp thuận cài đặt cả những phần mềm mà thông thường không ai muốn. Khả năng may mắn nhất là bạn sẽ chỉ có một vài phần mềm rác (không mong muốn) bị vô tình cài vào máy, nhưng sẽ tồi tệ hơn nếu bạn có thể vô ý đưa cả các spyware (phần mềm gián điệp) vào trong máy tính của mình mà không hề hay biết.
Cách làm này đã được các hãng công nghệ thực hiện từ những năm 1990. Tác giả blog "The Old New Thing" của Microsoft là Raymond Chen đã chỉ ra rằng, một bộ cài đặt có thể ẩn giấu các lựa chọn cài đặt khác, bên dưới những điều không được kiểm soát, vì vậy bạn sẽ phải cuộn xuống dưới để xem xét cẩn thận mỗi khi cài đặt một phần mềm bất kỳ.
Cứ như vậy, mọi thứ - cả tốt đẹp lẫn "rác rưởi" vẫn đã và đang diễn ra, luôn đen xen và hòa vào nhau lẫn lộn. Và bằng nhiều cách thức, nhiều "giản đồ tối" khác vẫn tiếp tục xuất hiện. Nhưng có lẽ giờ đây bạn đã có chút khái niệm về những "giản đồ tối" này. Và bất kỳ thiết kế nào - cố gắng nhắc nhở bạn làm điều gì đó mà mình không nhất thiết muốn, hoặc làm cho việc lựa chọn các quyết định của bạn trở nên khó khăn hơn, đều đang sử dụng "giản đồ tối". 
Hãy cẩn thận nhé! 
PCWorld

Cách các công ty công nghệ thao túng người dùng


      © 2021 FAP
        3,392,151       535