Từ tháng 7/2018, người dân TP.HCM có thể xem hướng dẫn phân loại chất thải rắn và phản ánh thông tin về lĩnh vực tài nguyên môi trường bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa công bố ứng dụng “Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn” dành cho smartphone. Đây là một trong những giải pháp nằm trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường, phát triển TP.HCM bền vững đang được lãnh đạo thành phố hướng tới.
Với ứng dụng trên, người dân có thể xem hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn dạng văn bản kèm hình ảnh hoặc qua video. Người dùng có thể tìm kiếm với từ khóa "Phân loại chất thải rắn tại nguồn" để cài đặt phần mềm qua cửa hàng trực tuyến Google Play Store cho thiết bị chạy hệ điều hành Android, hoặc trên App Store cho thiết bị iOS của Apple.
Khi khởi chạy, ứng dụng sẽ tự động hiển thị đoạn video clip cung cấp thông tin về cơ sở pháp lý thực hiện phân loại rác, thực trạng quản lý rác thải tại địa phương, quy định xử phạt hành vi không phân loại rác, lộ trình triển khai phân loại rác trên địa bàn TP.HCM, mục tiêu của việc thực hiện phân loại rác, ý nghĩa của việc phân loại rác, cách thức phân loại rác, quy trình tổ chức thu gom vận chuyển và xử lý chất rải sau phân loại.
Bên cạnh video nói trên, ứng dụng còn cung cấp thông tin về các nhóm chất thải gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái chế và các loại chất thải khác. Trong mỗi nhóm chất thải, ứng dụng hướng dẫn quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý bằng văn bản kèm hình ảnh khá trực quan và đẹp mắt. Ứng dụng còn cung cấp loại nhãn nhận biết và danh mục chất thải trong mỗi nhóm chất thải.
Không chỉ vậy, ứng dụng còn có mục "Gửi phản hồi" có chức năng tiếp nhận ý kiến, phản ánh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đây là nơi tiếp nhận các thông tin phản ánh và ý kiến của người dân. Để gửi ý kiến hay phản ánh, bạn chỉ việc gõ vào khung Nội dung rồi nhấn Gửi là ứng dụng sẽ ngay tức thì chuyển thông tin đến Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP.HCM cho biết, đây là bước khởi đầu trong "câu chuyện" ứng dụng CNTT vào việc quản lý, giám sát lĩnh vực tài nguyên môi trường tại thành phố. Ngành Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân tiếp cận và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Ứng dụng này ra đời là một trong những giải pháp giúp cho người dân tiếp cận với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thuận tiện nhất. Ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định trong thời gian tới, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM sẽ từng bước ghi nhận, tiếp thu đóng góp từ người sử dụng phần mềm. Qua đó, bộ phận quản lý, vận hành sẽ có những điều chỉnh hợp lý, thiết thực.
Nhật Bản được đánh giá là nước thực hiện thành công chương trình phân loại rác tại nguồn, đồng thời cũng là nơi có chất lượng và công nghệ tái chế rác thải thuộc hàng hiện đại nhất thế giới. Chính phủ Nhật Bản phải mất 10 - 20 năm để người dân nhận thức và hợp tác về tách nguồn rác thải. Thời gian đầu thực hiện gặp không ít khó khăn. Chính quyền địa phương phải thường xuyên bám sát địa bàn trong thời gian dài để hướng dẫn người dân phân tách rác thải trong gia đình. Ngoài ra, tại hệ thống trường học, hầu hết học sinh đều được tuyên truyền và nhận thức rõ vấn đề nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường. Từ đó, các em sẽ có ý thức tham gia vào những hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có phân loại rác tại nguồn. Việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn nhiều bất cập. Trong đó, phần lớn nguyên nhân là do hạ tầng thu gom, xử lý chưa đồng bộ. Kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, việc thu gom và xử lý chất thải phải được xã hội hóa cho các công ty tư nhân và các đơn vị này phải tuân thủ theo chính sách của thành phố. Tại Việt Nam, để khắc phục được thực trạng trên, nhất thiết phải hợp nhất lực lượng thu gom rác dân lập dưới hình thức những công ty tư nhân, tổ chức xã hội. Có như thế mới tạo cơ sở để quản lý và buộc họ tuân thủ chính sách quản lý của nhà nước. Phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ làm tăng chi phí thu gom nhưng về lâu dài chi phí này sẽ giảm đi nhờ tiết giảm khâu xử lý và tăng nguồn thu từ việc tái chế. Lợi ích thu được là rất lớn. Thực tế cho thấy, phân loại tại nguồn giúp tránh chôn lấp trực tiếp chất thải không ổn định như chất thải thực phẩm và bảo đảm chất lượng chất thải tốt hơn cho tái chế. Tại bãi chôn lấp, chất thải thực phẩm có thể bị phân hủy nhanh chóng, sinh ra lượng lớn khí methane vốn là một loại khí gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Ngoài ra, việc chôn lấp chất thải thực phẩm còn tạo ra lượng lớn nước rỉ rác chứa nồng độ chất BOD cao. Phân loại chất thải rắn tại nguồn là chương trình trọng điểm được TP.HCM rất quan tâm. Chất thải cũng được xem là nguồn tài nguyên quý giá nếu được phân loại và xử lý hợp lý. Về lợi ích môi trường, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn giúp giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, giảm khối lượng nước rỉ rác cần xử lý. Từ đó, giảm rủi ro về ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt trên địa bàn thành phố. Quan trọng hơn, việc triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn không chỉ phụ thuộc lực lượng thu gom mà còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức và hành động của người dân. Do vậy, cơ quan chức năng cần lắng nghe quan điểm của người dân một cách cẩn thận và cải thiện hệ thống xử lý chất thải dựa trên việc trao đổi với mọi người. |
cách mạng công nghiệp 4.0, Huy Thắng, Smartphone