Công nghệ - Sản phẩm

Ứng dụng công nghệ sinh học để trồng nấm vì sức khỏe cộng đồng

Với tư duy đổi mới sáng tạo, Công ty TNHH Công nghệ sinh học TVT đã nghiên cứu thành công và đang chuyển giao quy trình nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu (nấm mối đen, nấm hầu thủ, nấm milky).

Được thành lập hồi tháng 10/2015, Công ty TNHH Công nghệ sinh học TVT (quận 2, TP.HCM) mang kỳ vọng phát triển mảng nuôi cấy và sản xuất đông trùng hạ thảo bằng công nghệ sinh học nhằm cung cấp nguồn sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn lưu hành của Bộ Y tế.

Khởi đầu, TVT nhận chuyển giao công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo (chủng giống của Nhật Bản) từ Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường (thuộc ĐH Nông Lâm TP.HCM). Công nghệ này xuất phát từ là đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ (mã số B2013-12-05) về nghiên cứu đông trùng hạ thảo đã được nghiệm thu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, công ty cũng nhận sự tư vấn và hỗ trợ từ nhiều chuyên gia ở ĐH Cần Thơ, ĐH Thủ Dầu Một từ việc nuôi trồng, thu hoạch đến sản xuất các mẻ đông trùng hạ thảo. Ngoài ra, công ty còn hợp tác với ĐH Chiang Rai (Thái Lan) để cùng trao đổi công nghệ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh một số sản phẩm tiêu biểu như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, tỏi đen cùng các loại nấm ăn.

Không chỉ tập trung vào sản phẩm đông trùng hạ thảo, với tư duy đổi mới sáng tạo liên tục không ngừng, đội ngũ chuyên gia công nghệ sinh học ở TVT đã nghiên cứu nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu khác.

Cụ thể, dự án khởi nghiệp “Nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu (nấm mối đen, nấm hầu thủ, nấm milky)” của TVT đã được chọn là một trong 14 dự án được hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 (SpeedUp 2017) của Sở KHCN TP.HCM với kinh phí lên đến 1 tỷ đồng.

Dự án này hướng đến việc tạo lập quy trình và môi trường thích hợp nuôi trồng ba loại nấm (nấm mối đen, nấm hầu thủ, nấm milky), sản xuất nấm đạt chất lượng tốt có giá cả cạnh tranh hơn so với những sản phẩm ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ những loại nấm có thành phần dinh dưỡng cao, được sử dụng như thực phẩm hàng ngày của người dân.

Hiện tại, TVT đã chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm mối đen, nấm milky, nấm hầu thủ trên 5 đơn vị có nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, công ty còn sẵn sàng mở rộng hợp tác với người nông dân hoặc các cơ sở có nhu cầu nuôi trồng nấm, đồng thời tiến hành thu mua lại sản phẩm sau nuôi trồng nhằm cung ứng thêm nguồn hàng cho mục đích xuất khẩu.

Trong thời gian sắp tới, TVT đang phấn đấu trở thành công ty công nghệ sinh học hàng đầu chuyên sản xuất và phân phối những sản phẩm có ích phục vụ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Công ty TNHH Công nghệ sinh học TVT được đánh giá là ứng viên sáng giá cho danh hiệu Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 ở nhóm 1.

Giải thưởng I-Star được xem là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự tăng trưởng bền vững của TP.HCM và cả nước. Thông qua giải thưởng I-Star 2018, Sở KHCN TP.HCM muốn xây dựng văn hóa về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực, đồng thời lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Đối tượng và tiêu chí của giải thưởng:

• Đối tượng 1: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thực hiện ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có thành tích nổi bật, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho Thành phố.
Tiêu chí xét chọn: 1) Tính sáng tạo 2) Hiệu quả kinh tế 3) Tác động xã hội

• Đối tượng 2: Tổ chức, cá nhân có giải pháp đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho Thành phố.
Tiêu chí xét chọn: 1) Tính sáng tạo 2) Tác động xã hội

• Đối tượng 3: Các tác phẩm truyền thông có nhiều tác động đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng.
Tiêu chí xét chọn: 1) Chiều sâu nội dung 2) Tính sáng tạo 3) Tác động xã hội

• Đối tượng 4: Các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia tư vấn,... có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tiêu chí xét chọn: Thông qua thành tích cống hiến cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

PCWorld

đổi mới sáng tạo, Hoàng Kim, I-Star 2018, Sở KHCN TP.HCM


      © 2021 FAP
        3,416,940       243