Thông điệp được Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh trong khuôn khổ buổi tọa đàm giữa đại diện Sở KHCN với các nhà khoa học, giảng viên đang công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM diễn ra vào sáng 9/8/2018.
Cụ thể, vào sáng ngày 9/8, đại diện Sở KHCN TP.HCM đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với cộng đồng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cán bộ giảng viên hiện công tác, làm việc tại ĐHQG TP.HCM, nhằm tìm phương thức hợp tác tăng khả năng thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học trong trường, viện.
Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng trả lời các câu hỏi trao đổi từ các nhà khoa học, giảng viên tại ĐHQG TP.HCM |
Sau phần phát biểu khai mạc của lãnh đạo ĐHGQ TP.HCM và giới thiệu về các kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển KHCN giai đoạn 2016-2020 của Sở KHCN Thành phố, các đại biểu bước vào nội dung tọa đàm.
Mở đầu phần tọa đàm, đa số nhà khoa học, cán bộ giảng viên đều có chung ý kiến rằng mặc dù hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường, viện trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua có sự phát triển, nhưng nhìn chung vẫn còn rời rạc, song đáng lưu tâm nhất vẫn là trăn trở "khả năng ứng dụng thực tế, thương mại hóa từ các đề tài nghiên cứu khoa học còn thấp, kể cả tại một số đơn vị mạnh như ĐHGQ TP.HCM".
Tiến sỹ Lâm Quang Vinh - Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQG TP.HCM thẳng thắn đưa ra nhận định rằng các kết quả nghiên cứu rời rạc, khả năng thương mại hóa thấp là vấn đề chung của nhiều trường, viện, đơn vị nghiên cứu, hay nói cụ thể hơn là "ngay như ĐHQG TP.HCM chưa thực sự có những sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phát để phục vụ xã hội".
Tán đồng quan điểm này, Ủy viên Trung ương Đảng - Giám đốc ĐHQG TP.HCM Huỳnh Thành Đạt thừa nhận "đây cũng là vấn đề chung mà nhiều trường, viện, đơn vị nghiên cứu khác đang gặp phải".
Vẫn theo lời tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt, các đề tài nghiên cứu chủ yếu tự phát từ các nhà khoa học, đôi khi không bám sát "hơi thở" của thị trường cũng như nhu cầu thực tiễn từ xã hôi, từ đó dẫn đến việc khó thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trước thực tế đó, lẽ đương nhiên doanh nghiệp sẽ không mặn mà với ý tưởng, hay thậm chí thành phẩm hoàn thiện của một nghiên cứu khoa học.
"Để giải quyết bài toán này, mô hình tam giác 3 nhà gồm Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhưng kết quả hợp tác với nhà nước, doanh nghiệp trong thời gian qua rõ ràng là chưa thực sự hiệu quả", người đứng đầu ĐHQG TP.HCM nêu vấn đề.
Tiếp thu ý kiến này, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN TP.HCM khẳng định "đó cũng chính là trăn trở của Sở KHCN Thành phố" bởi lẽ số liệu thống kê cho thấy kết quả từ các đề tài nghiên cứu hầu hết vẫn dừng ở sản phẩm mang tính mô hình, khó đưa vào sản xuất.
"Trong khi đó, các doanh nghiệp mong muốn có những sản phẩm có thể nhanh chóng triển khai sản xuất, đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế", ông Dũng nói.
Cần trọng tâm cụ thể
Để giải quyết vấn đề này, ông Dũng cho biết thêm rằng, Sở KHCN TP.HCM đã và đang đưa ra nhiều chương trình, hoạt động phát triển hoạt động KHCN, gắn kết với đổi mới sáng tạo. Trong đó, các chương trình nghiên cứu KHCN mục tiêu sẽ là giải pháp nâng cao khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường, viện và đơn vị nghiên cứu.
Mỗi chương trình này sẽ hướng đến kết quả là các sản phẩm mục tiêu cụ thể, đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường cũng như yêu cầu của Thành phố.
Các ban chủ nhiệm chương trình có nhiệm vụ thiết kế mục tiêu, nội dung cụ thể cho chương trình và từ đó tìm kiếm, phối hợp với các đơn vị, nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện nội dung chương trình. Thời gian thực hiện chương trình nghiên cứu cũng kéo dài trong 5 năm.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, các chương trình mục tiêu dài hạn là một trong những giải pháp quan trọng để tăng khả năng thương mại hóa của các kết quả nghiên cứu.
Ngoài ra, đại diện Sở KHCN TP.HCM cũng nhấn mạnh quan điểm rằng "cần có sự tham gia, đồng hành sâu hơn nữa của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp không chỉ đặt hàng với các nhà khoa học mà còn cần góp vốn, đồng hành với nhóm nghiên cứu trong cả quá trình”.
Trước thông tin về chủ trương này, các nhà khoa học và giảng viên đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ.
"Tôi rất tâm đắc với các chương trình mục tiêu dài hơi nhưng 5 năm vẫn là thời gian ngắn", Giáo sư - tiến sỹ Lê Chí Hiệp đến từ Đại học Bách khoa TP.HCM nhìn nhận, "Hiện nay nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp vẫn hoạt động riêng lẻ, rời rạc. Do đó, ban chủ nhiệm các chương trình mục tiêu cần có quyền lực hơn, phải xác định sản phẩm mục tiêu là gì, có trọng tâm phục vụ hẳn hoi, để từ đó xác định việc cụ thể phải làm".
Giám đốc ĐHGQ TP.HCM Huỳnh Thành Đạt cho biết ĐHQG TP.HCM cũng đánh giá rằng, các chương trình mà Sở KHCN Thành phố đề ra là hợp lý, có trọng tâm, sát thực tế và có hướng mở.
Tuy nhiên, tiến sỹ Đạt cũng gợi mở quan điểm các chương trình này cần có quy mô lớn hơn, thời gian triển khai dài hơn, và hơn hết là cần tạo ra các sản phẩm rõ ràng thay vì các đề tài đơn lẻ như trước”.
đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, Sở KHCN TP.HCM