Chương trình đào tạo của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) dự kiến bắt đầu từ năm 2019 và sẽ kéo dài trong 2 năm.
Sở KHCN TP.HCM ngày 27/7/2018 đã có buổi làm việc với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để bàn về kế hoạch tham gia chương trình Thúc đẩy đổi mới sáng tạo vùng (REAP) của MIT nhằm đào tạo các hạt nhân phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM.
Trao đổi với ông David Zarowin - đại diện MIT, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết giữa các đơn vị, tổ chức tại TP.HCM vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đơn vị đào tạo cũng không có sự thống nhất về nguồn tài liệu, mô hình khi đào tạo trong lĩnh vực này.
Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng trò chuyện với đại diện MIT. |
Ông Dũng cũng nhận xét, các trường đại học chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của đổi mới sáng tạo và thiếu những mô hình tốt để vận hành. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải. Trong khi đó, các cơ quan quản lý chưa có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiệu quả.
Sở KHCN TP.HCM mong muốn sẽ có sự hợp tác cùng MIT để tạo ra tầm nhìn, cách hiểu chung cho hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, đặt nền móng cho sự hợp tác lâu dài giữa các trường đại học của TP.HCM với MIT.
Trong thời gian tới, MIT sẽ đào tạo, phát triển một nhóm chuyên gia về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho TP.HCM. Các chuyên gia tham dự khóa đào tạo này là đại diện cho 5 thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gồm Cơ quan quản lý nhà nước; Trường đại học; Doanh nghiệp; Tổ chức tài chính; Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Các học viên phải là đối tượng ở cấp quản lý, lãnh đạo và đang trực tiếp tham gia vào hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo ông David Zarowin, chương trình đào tạo dự kiến bắt đầu từ năm 2019 và kéo dài trong 2 năm. Chương trình gồm 4 khóa học tại MIT và các hội thảo được tổ chức tại MIT và một số thành phố có nhóm học viên tham gia khóa học.
Thông qua chương trình, các học viên sẽ được MIT trang bị kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, lợi thế cạnh tranh của thành phố. Từ đó đề ra chiến lược phát triển và cách duy trì hiệu quả của các hoạt động.
Các thành viên sẽ tham gia trực tiếp vào dự án cụ thể hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái trong và sau khi hoàn tất khóa học. Mỗi thành viên sẽ là hạt nhân của các thành phần trong hệ sinh thái, trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM.
đổi mới sáng tạo, Sở KHCN TP.HCM