Intel vừa chính thức xác nhận sẽ hoãn sản xuất các dòng vi xử lý (CPU) 10nm dành cho máy tính cao cấp, tới cuối năm 2019.
Phát biểu trong hội nghị tổng kết kinh doanh quý II/2018, Giám đốc điều hành tạm quyền Bob Swan cho biết chip 10nm sẽ hoãn tới cuối 2019, nhưng vẫn đảm bảo lộ trình sản xuất để cung cấp cho các đối tác, nhằm giúp những đơn vị này có thể tung sản phẩm mới ra thị trường trong mùa mua sắm cuối năm.
Cũng trong hội nghị tổng kết, Intel cho biết đã đạt doanh thu 16,96 tỷ USD trong quý II/2018, vượt qua mức dự đoán của giới phân tích, và tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Tới nay, thế hệ chip 10nm (Cannon Lake) vẫn liên tục bị trì hoãn. Hồi tháng 4, cựu Giám đốc điều hành Brian Krzanich từng cho biết Intel gặp khó khăn trong việc đạt tới hiệu suất sản xuất đủ cao. Theo đó, thay vì cố gắng duy trì sản lượng và hoang phí số lớn wafer, hãng chip hàng đầu thế giới quyết định chờ đợi thêm trong lúc tìm cách khắc phục rắc rối.
Tới nay, Intel cũng đã tung ra thị trường một số ít chip Cannon Lake 10nm, nhưng số lượng rất ít và tới tay không nhiều các nhà sản xuất hệ thống. Trong đó bao gồm cả chip lõi kép Core i3-8121U với xung nhịp gốc 2,2 GHz (tăng tốc 3,2 GHz), công suất tiêu thụ 15W, phù hợp với máy tính xách tay. Việc trì hoãn các chip 10nm cũng ảnh hưởng đáng kể tới thị trường máy chủ, do các chip Xeon mới sẽ chỉ hiện diện sau khi Intel đã “phủ” được thị trường tiêu dùng.
Với Apple, Cannon Lake có tầm quan trọng không nhỏ, do mở ra khả năng sử dụng các loại bộ nhớ LPDDR4 và LPDDR4X (phiên bản tiết kiệm điện của DDR4), cho phép Macbook Pro tận dụng hiệu quả bộ nhớ mới này hơn. Mặc khác, việc chip mới mặc nhiên hỗ trợ dung lượng 32GB cũng giúp các thiết kế máy mới hiệu quả, ít thành phần trung gian hỗ trợ hơn so với hiện nay.
Cho tới gần đây, dung lượng 16GB vẫn là rào cản lớn đối với hiệu năng của Macbook Pro, bởi chip Intel chỉ hỗ trợ LPDDR3 tới mức này. Trên thế hệ Macbook Pro 2018, Apple chấp nhận chuyển sang DDR4 tốn điện hơn để có thể mở rộng dung lượng tới 32GB. Bước đi miễn cưỡng này của “Táo” được cho là bởi Intel quá chậm chạp trong việc tung ra các chip mới hỗ trợ LPDDR4.
Cũng trong hội nghị tổng kết lần này, Intel cho biết đã đạt doanh thu 16,96 tỷ USD trong quý II/2018, vượt qua mức dự đoán của giới phân tích, và tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận ròng đạt 5 tỷ USD (tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái).
bộ xử lý Intel, chip 10nm, Nguyễn Thúc Hoàng Linh