Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM: Phổ biến dự thảo và lấy ý kiến về Kiến trúc chính quyền điện tử

Ngày 24/7/2017, dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM, Sở TTTT đã tổ chức hội nghị chuyên đề Kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM nhằm phổ biến cho các sở ban ngành và địa phương tầm nhìn chiến lược định hướng xây dựng đô thị thông minh.

Hội nghị chuyên đề bàn về việc xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử (KT CQĐT) của TP.HCM ở mức tổng thể, làm cơ sở để các sở ban ngành, quận/huyện và phường/xã có thể tham chiếu khi tự phát triển, nâng cấp, kết nối và triển khai các hệ thống thông tin tại đơn vị.

KT CQĐT nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông của các hệ thống CNTT của TP nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp công nghệ mới như Dữ liệu lớn, ảo hóa, điện toán đám mây, IoT... Cùng với đó kiến trúc cũng đảm bảo việc đầu tư các chương trình CNTT đạt được hiệu quả đúng mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế đồng thời phục vụ tầm nhìn chiến lược trong định hướng xây dựng TP trở thành "Đô thị thông minh".

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM giới thiệu về kiến trúc chính quyền điện tử của Thành phố.

Hiện tại, ứng dụng CNTT đã được triển khai rộng rãi khắp tất cả các cơ quan chính quyền điện tử TP.HCM và đã thu đưỡng những kết quả thiết thực. Với một hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, các văn phòng điện tử hiện nay đã có thể liên thông hơn 3 triệu văn bản điện tử giữa 750 cơ quan và thực hiện hội nghị truyền hình trực tuyến giữa 24 quận/huyện và 18 Sở trực thuộc Thành phố.

TP.HCM cũng đã triển khai hơn 40 ứng dụng phục vụ tác nghiệp của sở ban ngành, quận/huyện như Quản lý đô thị; Quản lý khiếu nại - tố cáo; Đăng ký sử dụng lao động...

Tuy nhiên, hiện trạng Chính quyền điện tử tại TP.HCM cũng gặp nhiều hạn chế. Cụ thể, đó là ứng dụng CNTTT, hệ thống thông tin chuyên ngành còn rời rạc, không đồng bộ, năng lực phục vụ hạn chế và thiếu sự liên thông. Khả năng phục vụ dự báo, tổng hợp thông tin liên ngành, phục vụ ra quyết định còn thấp. Cùng với đó, dữ liệu được tổ chức rời rạc trong từng cơ quan nhà nước nên có đặc điểm rõ rệt là phân tán, trùng lặp, thiếu nhất quán và tỷ lệ số hóa còn thấp. Trong khi đó, dịch vụ công trực tuyến có chất lượng phục vụ chưa cao, kênh truy cập chưa đa dạng và vẫn còn phải đi lại quá nhiều để nộp chứng từ giấy... 

PCWorld

chính quyền điện tử, đô thị thông minh


      © 2021 FAP
        2,519,249       1,385