Công nghệ - Sản phẩm

Thủ tướng công bố việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Công bố này được đưa ra trong Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT vừa diễn ra vào ngày 18/7 tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA phối hợp với Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đồng tổ chức

Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”.  Diễn đàn có sự tham dự của trên 650 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, 10 bộ và các cơ quan ngang bộ; 31 cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 12 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng đã thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Thành viên Ủy ban, ngoài Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng Chính phủ điện tử còn có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để tăng cường và bảo đảm cơ chế hợp tác công - tư chặt chẽ trong tiến trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Thủ tướng khẳng định: “Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai Chính phủ điện tử và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.

Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử trong ngắn hạn và trung hạn và rà soát, sắp xếp lại nguồn lực và huy động nguồn lực còn thiếu từ các nguồn, kể cả xã hội hóa và vay thương mại; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.

Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ các đề xuất, kiến nghị cụ thể của Diễn đàn; đồng thời giao Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chủ trì cùng với các tổ chức xã hội khác thực hiện việc giám sát độc lập từ góc nhìn của khu vực tư nhân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy kinh tế số tiếp cận CMCN 4.0 đã được Chính phủ đề ra trong các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 

PCWorld

chính phủ điện tử


      © 2021 FAP
        3,457,759       953