Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM: KHCN là nòng cốt cho thành phố thông minh, phát triển bền vững

Sáng ngày 12/7, tại ngày làm việc thứ 3 - kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX, Giám đốc Sở KHCN Thành phố Nguyễn Việt Dũng thực hiện nội dung trả lời chất vấn tổng cộng 41 vấn đề được gửi từ 18 đại biểu đại diện cho cử tri Thành phố.

Mở đầu buổi chất vấn, đại biểu Cao Thanh Bình - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đưa ra nhận định chung về hệ sinh thái khởi nghiệp rằng "hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều thông qua vườn ươm tạo, tuy nhiên việc này chưa thực sự hiệu quả", đồng thời đề nghị đại diện Sở KHCN Thành phố đánh giá về nhận định này, và đề ra giải pháp.

Đại biểu Cao Thanh Bình

Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN Thành phố, về cơ bản thì các cơ sở ươm tạo Nhà nước chưa phát huy hết vai trò của mình, song trong 2 năm vừa qua thì Sở KHCN đã kết nối được 24 cơ sở ươm tạo trên địa bàn nhằm gắn kết sức mạnh, kỹ năng… 

"Trong quá trình hoạt động, chúng tôi nhận thấy vai trò của cơ sở ươm mầm công lập chưa tương xứng với kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó tính linh hoạt, cơ chế của các vườn ươm công hạn chế hơn so với các đơn vị xã hội khác. Mô hình của vườn ươm công vẫn đang vận hành theo phương thức của một cơ quan KHCN, đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Giải pháp mà hiện nay của Sở KHCN là tiếp tục chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở ươm tạo nhà nước", ông Dũng phản hồi, "Cùng với đó là kết nối, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm ban quản lý của các vườn ươm công và vườn ươm của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở cũng chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM và kiến nghị với Bộ KHCN để có cơ chế cởi mở hơn trong hoạt động KHCN".

Kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp chưa hiệu quả?

Vấn đề nhức nhối lâu nay, trong nhiều nhiệm kỳ, Sở KHCN ưu tiên xét duyệt đề tài khu vực trường viện và doanh nghiệp. Điều đầu tiên nhắm đến hiệu quả thực sự của các dự án này và giúp được hoạt động của doanh nghiệp đồng thời nâng cao khả năng nghiên cứu của trường viện.

Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều vấn đề khiến sự kết nối này chưa thực hiệu quả. Một trong những yếu tố đánh giá sự thành công của đổi mới sáng tạo đó chính là văn hóa hợp tác và chia sẻ, nhưng chúng ta chưa thực sự làm tốt điều này.

Ngoài ra, vai trò của nhà nước với các chính sách tài trợ, dài hơi, trọng điểm và ngân sách dồi dào đồng kết hợp sự tham gia của doanh nghiệp.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng trả lời câu hỏi chất vấn thứ 2 của đại biểu Cao Thanh Bình

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao), ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN cho biết, hằng năm, Sở KHCN TP.HCM đều hỗ trợ sinh viên thông qua Trung tâm sáng tạo trẻ của Thành đoàn, để thực hiện vườn ươm.

Theo ông Dũng, vườm ươm của Thành đoàn đây là nơi quy tụ tài năng sáng tạo của Thành phố.

Trước đây, chỉ hỗ trợ 1 hoạt động nghiên cứu của sinh viên là 80 triệu/sinh viên-đề tài, nhưng từ năm nay, mức hỗ trợ đã được tăng lên 150 triệu đồng.Sở cũng triển khai hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ khác. 

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng trả lời chất vấn. (Ảnh chụp màn hình từ HTV)

"Chúng tôi cũng có các hoạt động không chính quy khác, chẳng hạn như Nghị định 70 để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, và một số chương trình cụ thể như hỗ trợ kinh phi cho trường đại học để tìm kiếm các đề tài nổi bật, từ đó kết nối với vườn ươm để khởi nghiệp, cuối cùng tìm những quỹ đầu tư mạo hiểm cho các đề tài này", ông Dũng nói, "tuy nhiên, ý tưởng đổi mới sáng tạo thì rất nhiều nhưng không phải ai cũng được đầu tư. Bởi vì đổi mới sáng tạo muốn thành công thì phải chứng minh được tiềm năng để doanh nghiệp tư".

Hiện nay, chúng tôi có các khóa đào tạo để huấn luyện cho những người muốn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đề họ lường trước những khó khăn khi thực hiện.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM

Đối với đề án xây dựng thành phố - đô thị thông minh, đại diện Sở KHCN thông tin rằng, Sở KHCN đã và đang chủ động xây dựng các đề cương, triển khai các đề tài nghiên cứu, các cuộc thi nhằm tuyển chọn các ý tưởng, giải pháp cho đô thị thông minh.

Chia sẻ quan điểm về "ít có doanh nghiệp khởi nghiệp nào chào đón sinh nhật lần thứ 2" của một đại biểu đặt câu hỏi chất trước đó, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM khẳng định đó là chuyện thường bởi thực tế trên quốc tế cho thấy khoảng 90% startup thất bại bởi startup là những con người, doanh nghiệp có ý tưởng đột phá nhưng "không may mắn thì thất bại".

Nói về vai trò của KHCN trong chống kẹt xe - ngập nước, ông Dũng cho biết, Sở KHCN Thành phố đã dành 20% kinh phí cho các đề tài có hỗ trợ 7 chương trình đột phá của Thành phố.

"Mỗi lĩnh vực, Sở đề có hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn cụ thể", ông Dũng nói.

Quay trở lại vấn đề hỗ trợ tài chính cho sinh viên nghiên cứu khoa học, Giám đốc Sở KHCN nhấn mạnh, hiện Sở cũng hợp tác nhiều trường đại học, gắn kết hoạt động nghiên cứu (R&D) với khởi nghiệp, đầu tư.

Để đổi mới sáng tạo thành công, tiếp cận tốt thị trường thì các doanh nghiệp cũng phải hết sức chủ động. Doanh nghiệp phải có "vị trí" Giám đốc đổi mới sáng tạo để xây dựng chiến lược KHCN, kết nối chuyển giao KHCN.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM

Hằng năm, Sở tổ chức khoảng 200 buổi, hoạt động kết nối sinh viên, startup với cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư.

Đối với việc ứng dụng các giải pháp KHCN vào sản xuất nông nghiệp, ông Dũng chia sẻ về sự thành công của sự gắn kết giữa các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế, điển hình như giải pháp sấy cá dứa bằng năng lượng mặt trời, hay mô hình nuôi cua "hiện đại" ở H.Cần Giờ. 

"Khi quận huyện hay đơn vị cơ sở có đặt hàng, Sở KHCN Thành phố sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ ngay", ông Dũng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi mục tiêu đạt 300 doanh nghiệp KHCN, trong khi hiện có chỉ khoảng 50 doanh nghiệp (chính xác là 46 doanh nghiệp), ông Dũng chia sẻ thông tin, qua khảo sát, trong 4 ngành trọng điểm, có 123 doanh nghiệp có đủ điều kiện đạt/đăng ký doanh nghiệp KHCN, nhưng vì họ chưa cần nên chưa đăng ký, đơn cử như các doanh nghiệp hiện chưa cần sự hỗ trợ về "miễn thuế thuê đất".

Về quỹ KHCN, trên địa bàn Thành phố đã có 116 doanh nghiệp đăng ký thành lập quỹ với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, và hiện đã giải ngân 700 tỷ đồng, và hiện có các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

"Tuy nhiên tại sao vẫn ít doanh nghiệp quan tâm, bởi hiện tại Thành phố có 90% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì các doanh nghiệp không thể nào tham gia vào quỹ KHCN", ông Dũng nhấn mạnh. 

Liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa để hình thành "quỹ KHCN chung" là ý tưởng tốt, Giám đốc Nguyễn Việt Dũng cho biết rằng Sở KHCN TP.HCM từng nghĩ, thậm chí đã có hoạt động vận động, nhưng nhận thức doanh nghiệp Việt Nam nói chung là ít hợp tác với nhau. 

Về việc thu hút chuyên gia, và thành lập trung tâm R&D, thì chúng ta vẫn phải từng bước, và phải ràng buộc bằng hợp đồng, và không thể đơn giản chỉ là khuyến kích họ được.

Hiện nay thì Thành phố cũng đang xây dựng các cơ chế để thu hút các chuyên gia, trong vấn đề này, quan điểm của Sở KHCN TP.HCM đó là việc thu hút thì đúng đắn, nhưng chúng ta phải xây dựng các mục tiêu, dự án cụ thể, họ đáp ứng cao nhất các yêu cầu của Thành phố.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc có thông tin có 1 số nhà khoa học "chuyển dịch" đề tài khoa học công nghệ về các tỉnh, thành khác, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM khẳng định, dù ở tỉnh thành nào thì việc triển khai, đăng ký và cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học theo quy định chung của Bộ KHCN nên không có chuyện thủ tục hành chính tại TP.HCM là khó khăn.

Về vấn đề thành phố thông minh (TPTM), hiện nay Thành phố đã ban hành đề cương khá rõ, tuy nhiên ở góc độ KHCN thì Sở KHCN TP.HCM  đã hình thành nghiên cứu mục tiêu, trong đó ngành CNTT đang đóng góp rất lớn cho các dự án TPTM.

Đối với cộng đồng sáng tạo thì Sở KHCN Thành phố cũngđã tổ chức các cuộc thi để tìm ra các giải pháp cho TPTM, tuy nhiên, vấn đề về TPTM vẫn còn phụ thuộc rất lớn ý thức của người dân.

Đối với cộng đồng sáng tạo, Sở cũng tổ chức các cuộc thi để tìm ra các giải pháp cho TPTM, tuy nhiên vấn đề về TPTM vẫn còn phụ thuộc rất lớn ý thức của người dân.

Đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết, trong năm 2016, Thành phố đã chi 2.023 tỷ đồng cho KHCN, trong đó 1.605 tỷ đồng là chi cho đầu tư KHCN, số còn lại là cho sự nghiệp KHCN.

Trong năm 2017, tổng chi cho KHCN của Thành phố ở mức là 1.649 tỷ đồng, còn năm 2018 là dự chi 1.318 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phan Thị Thắng thông tin cho đại biểu HĐND về các khoản chi cho KHCN của TP.HCM giai đoạn 2011-2015 và 2015 đến nay. (Ảnh chụp màn hình từ HTV)

Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá đại diện Sở KHCN đã trả lời chất vấn rất thẳng vào các nội dung được các đại biểu đặt ra, đồng thời có nhận trách nhiệm trên một số vấn đề, cũng như có đưa ra một số giải pháp.

Tuy nhiên, người đứng đầu HĐND Thành phố cũng cho rằng, vẫn còn một số vấn đề được đại diện Sở KHCN trả lời có phần chưa sát, chưa bao quát và sát với thực tế của Thành phố.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (Ảnh chụp màn hình từ HTV)

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm khuyến nghị, chất lượng đầu tư phát triển KHCN của TP.HCM cần được quan tâm hơn, bởi hiện còn dài trải, cần tập trung sâu sát vào những vấn đề bức xúc của xã hội, của Thành phố, của cuộc sống người dân.

Hay nói cách khác, đầu tư cho KHCN cần phát huy vai trò của xã hội, của DN còn nhiều hơn nữa, và trước thực tế đó bà Tâm đề nghị Sở KHCN cần chủ động hơn bởi các giải pháp, chương trình triển khai vẫn chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng nhu cầu của Thành phố. 

"Vai trò của Sở KHCN như là nhạc trưởng cho phát triển KHCN của TP, cho sự tăng trưởng, cho phát triển năng suất lao động", Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh, "Ngoài ra, Sở KHCN cũng cần nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học the tinh thần có kết quả ứng dụng, Sở cần xem xét sự cần thiết, tính cấp bách của đề tài hỗ trợ, tránh tình trạng cấp kinh phí cho những đề tài không cấp thiết, thay vào đó hãy đặt hàng cho nhà khoa học những cái mà Thành phố, mà Sở KHCN đang thực sự cần".

Theo lời nữ Chủ tịch HĐND Thành phố, khoa học công nghệ và Sở KHCN phải là "nòng cốt" của thành phố thông minh, của TP.HCM phát triển bền vững và có chất lượng sống tốt, và chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận nhu cầu (KHCN) của Thành phố, tránh để xảy ra tình trạng các nhà khoa học "chạy" về tỉnh/thành khác.  

PCWorld

Sở KHCN TP.HCM, Sở KHCN TPHCM


      © 2021 FAP
        3,459,440       458