Gã khổng lồ tìm kiếm Google đang bị cáo buộc là "cạnh tranh không lành mạnh" khi yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị phải cài đặt sẵn Chrome và công cụ tìm kiếm của mình trên các thiết bị chạy Android.
Cụ thể, một tiêu chí mà Google yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng phải tuân thủ nếu muốn cài đặt Play Store trên các thiết bị Android là "Google Chrome" và "Google Search" cần phải được cài đặt sẵn trên thiết bị. Yêu cầu "độc đoán" này đã khiến cho các nhà quản lý chống độc quyền tại châu Âu cảm thấy không hài lòng, theo trang tin Tech Radar.
Giám đốc quản lý cạnh tranh của Liên minh châu Âu - ông Margrethe Vestager, cho rằng, "yêu cầu của Google là nhằm duy trì sự thống trị của hãng trong hệ sinh thái mà hãng này đã tạo ra", giúp cho công cụ tìm kiếm và trình duyệt của hãng công nghệ Mỹ có lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ khác.
|
Yêu cầu các hãng sản xuất phải cài đặt sẵn Chrome và công cụ tìm kiếm của mình trên các thiết bị chạy Android, Google đang đứng trước án phạt hàng tỷ USD. Ảnh chỉ để minh họa. |
Ông Vestager cũng dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào tuần tới. Theo đó, Google có khả năng sẽ bị phạt hàng tỷ đô la về "điều kiện" mang tính chất độc quyền này.
Điểm mấu chốt trong lập luận của ông Vestager lần này là việc các nhà sản xuất thiết bị Android đang phải đối mặt với một lựa chọn bất công, khi Chrome và Google Search "bị bắt ép" là những công cụ mặc định trên thiết bị để đổi lấy việc sử dụng Google Play.
Nếu quyết định trên được đưa ra, Google sẽ đối mặt với mức án phạt mới rất nặng, tương tự như án phạt kỷ lục hồi năm ngoái khi EU phạt tiền 2,7 tỷ USD vì Google bị cáo buộc hạ thấp thứ hạng các công cụ so sánh mua sắm của đối thủ cạnh tranh.
Mặt khác, quyết định này cũng có thể khiến Google phải cho phép người dùng Android được tự do hơn trong việc lựa chọn công cụ tìm kiếm và trình duyệt mà mình ưa thích.
Trước tình thế của vụ việc, trong lập luận của mình Google lại cho rằng, "họ cần kiếm tiền để đảm bảo hệ điều hành di động sẽ tiếp tục được phát triển". Theo đó, Android là một hệ điều hành nguồn mở mà Google cấp phép cho các nhà sản xuất thiết bị miễn phí.
Bởi thế, nếu quyết định của của EU được đưa ra, Google có thể sẽ khiếu nại. Tuy nhiên theo nhiều người, có lẽ đã đến lúc hãng công nghệ Mỹ cần phải thay đổi mô hình kinh doanh của mình để tránh khỏi những nguy cơ bị phạt khác trong tương lai.