Công nghệ - Sản phẩm

Nhiều kỳ vọng vào khả năng sản xuất chế phẩm sinh học y dược tại Việt Nam

Sở KHCN TP.HCM ngày 5/7 tổ chức Hội thảo góp ý chương trình phát triển công nghiệp sinh học y dược giai đoạn 2018-2015, tầm nhìn đến 2030.

Ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KHCN TP.HCM) cho biết, phát triển công nghiệp sinh học y dược với mục tiêu tạo ra các sản phẩm thương mại, có khả năng thay thế sản phẩm ngoại nhập là một trong những chương trình mục tiêu mà Sở KHCN đề ra trong chương trình hoạt động năm 2018.

Được biết, thuốc sinh học là thuốc được sản xuất bằng công nghệ hoặc quá trình sinh học từ chất hoặc hỗn hợp các chất cao phân tử có nguồn gốc sinh học.

"Đây đang là xu hướng nghiên cứu được các quốc gia có trình độ y dược cao tập trung nghiên cứu bởi khả năng điều trị cũng như giá trị kinh tế cao", ông Xu nói.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Trần Cát Đông - Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn, cho biết thuốc sinh học hiện được dùng để điều trị nhiều loại bệnh như ung thư hay thần kinh trung ương… mà các thuốc khác không thay thế được, và các loại thuốc này chiếm khoảng 30% tổng số thị trường thuốc quốc tế.

Tại Việt Nam, con số này hiện là 5% nhưng có tốc độ tăng trưởng lên tới 15% do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao. Hầu hết sản phẩm này ở Việt Nam vẫn là sản phẩm nhập ngoại."

Với thực tế đó, Sở KHCN TP.HCM đã xây dựng chương trình phát triển công nghiệp sinh học y dược dựa trên ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.

Chương trình hướng tới xây dựng tiềm lực nghiên cứu, phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học y dược.

"Thông qua việc làm chủ một số công nghệ quan trọng, chương trình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp và sản phẩm sinh học sản xuất trong nước", đại diện Sở KHCN TP.HCM khẳng định.

Chương trình phát triển sinh học y dược do Sở KHCN TP.HCM đề ra đặt trọng tâm phát triển doanh nghiệp, sản phẩm thương mại

Cụ thể, các nhiệm vụ được đặt ra gồm xây dựng mới và nâng cấp các khu trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học y dược cũng như nâng cấp các trung tâm có năng lực kiểm định vắc-xin và sinh phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng đất và được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống phân phối.

Ban soạn thảo chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 các sản phẩm thuốc sinh học Việt Nam đạt doanh thu 8.000 tỷ đồng/năm, chiếm 50% thị trường trong nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

PCWorld

40 năm Sở KHCN TP.HCM, Châu Tấn, chuyển giao công nghệ, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,520,346       325