Ngày 27-6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kết hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018). Sự kiện diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch WEF Borge Brende.
|
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam và WEF đã trao đổi và nhất trí chọn chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đây là chủ đề mang tính thời sự, thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới; đồng thời gắn kết chặt chẽ với chủ đề của ASEAN năm nay là “Xây dựng cộng đồng ASEAN tự cường và sáng tạo”.
Xoay quanh chủ đề này, hội nghị sẽ bàn về các vấn đề như: xác định tầm nhìn mới của ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới trong kỷ nguyên số; tìm kiếm các động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh; đào tạo kỹ năm việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trước cuộc CMCN 4.0. Cho rằng ASEAN và Việt Nam hiện đã thể hiện sự hứng thú rất lớn đối với việc hợp tác chặt chẽ hơn với WEF về chủ đề CMCN 4.0, Chủ tịch WEF Borge Brende cho biết WEF đã có trung tâm riêng về vấn đề này tại San Francisco (Mỹ), cho phép đưa các chuyên gia về chuỗi giá trị (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (internet of things), phương tiện tự lái (autonomous driving) và máy bay không người lái… tới trao đổi kinh nghiệm với khu vực. Các chủ đề nói trên cũng sẽ là một phần quan trọng trong hội nghị WEF ASEAN 2018.
Ngoài ra, Chủ tịch WEF Borge Brende nhận định tốc độ phát triển của ASEAN và Việt Nam đã tạo ra sức thu hút rất lớn cho Hội nghị WEF ASEAN năm nay, một phần nhờ thực tế nhiều quốc gia và doanh nghiệp vốn đã coi Việt Nam cũng như toàn bộ cơ chế hợp tác ASEAN là yếu tố ngày càng quan trọng. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã phục hồi ngoạn mục sau khủng hoảng tài chính kinh tế, đồng thời có những bước cải thiện lớn trong báo cáo về tính cạnh tranh, và đạt sức tăng trưởng trung bình tới 7% trong những năm vừa qua (một con số rất đáng nể trong bối cảnh quốc tế hiện tại). Tuy nhiên, do Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập ở mức trung bình, nên các nguồn vốn ODA sẽ ngày càng hạn hẹp, dẫn đến việc phải thay đổi đáng kể cách thức suy nghĩ về kinh tế, đồng thời đặt ra yêu cầu trong việc tăng cường thêm các đối tác công-tư.
Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch WEF Borge Brende cho rằng WEF đang trở thành một tổ chức quốc tế đại diện cho mối quan hệ đối tác công-tư, và hội nghị WEF ASEAN nếu có thể thúc đẩy thêm sự hợp tác giữa công và tư sẽ là điều hết sức tích cực. Ông Brende cũng tái khẳng định sức ảnh hưởng lớn của cuộc CMCN 4.0, và cho biết thế kỷ 21 sẽ là giai đoạn được định hình bởi những người nắm công nghệ mới nhất, thay vì sức mạnh quân sự như trong thế kỷ trước.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13-9, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo ASEAN và khu vực; các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới và các tổ chức quốc tế; các chuyên gia và học giả. Ban Tổ chức cũng cho biết, tới nay giấy mời cũng đã được gửi tới các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á.
ASEAN, cách mạng công nghiệp 4.0, Nguyễn Thúc Hoàng Linh, trí tuệ nhân tạo