Công nghệ - Sản phẩm

Khai mạc diễn đàn Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước

Sáng nay ngày 26/6, Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức diễn đàn Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước.

Đến dự có GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, Giám đốc ĐHQG TP.HCM Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, cùng đại diện các sở ban ngành của Thành phố, cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chào mừng diễn đàn.

Diễn đàn lần này là dịp để các startup Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; kết nối các startup của người Việt ở trong và ngoài nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư; tạo cơ hội để các startup người Việt ở trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu hỗ trợ để phát triển.

Đây là diễn đàn tiếp nối thành công của "Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam" do Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ từ ngày 8-11/12/2017 với sự tham dự của 150 đại biểu, với nhiều phiên thảo luận và tham luận của 7 diễn giả là các startup người Việt thành công tại Hoa Kỳ, tập trung vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và thành công của thế giới, kinh nghiệm của các startup người Việt tại Hoa Kỳ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, các quốc gia có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam vẫn có đủ tiềm năng để phát triển các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến công nghệ trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao.

Đại diện Sở KHCN TP.HCM cho biết, với vai trò là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - văn hoá - giáo dục - KHCN và đầu mối giao thông quan trọng của Đông Nam Á, TP.HCM với diện tích 2095 km2 và dân số hơn 10 triệu người là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP. Hiện nay, Thành phố có trên 350.000 doanh nghiệp, đóng góp trung bình hằng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 58,26%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 24,78%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,81%.

Về tiềm lực KHCN, Thành phố có các Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Khu phần mềm Quang Trung, Trung tâm công nghệ sinh học, Viện khoa học công nghệ tính toán..., 45 trường đại học và 30 cao đẳng, trên 125 phòng thí nghiệm và 270 tổ chức KHCN. So với cả nước, Thành phố có nguồn lực khoa học công nghệ chiếm trên 25%, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 50%, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học - công nghệ lần lượt chiếm 42% và 15%. Ngân sách chi cho hoạt động KHCN giai đoạn 2016-2017 là 2.041.979 triệu đồng (khoảng 90 triệu USD), bằng 1,7% tổng chi của Thành phố; Trong đó, kinh phí chi đầu tư phát triển KHCN chiếm tỷ trọng 55,2%, kinh phí chi cho sự nghiệp khoa học chiếm tỷ trọng 44,8%. Đây cũng là tiểm lực khá mạnh để thức đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ tại diễn đàn về các chính sách khuyến khích khởi nghiệp và ĐMST của TP.HCM, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết, Thành phố hiện có trên 760 nhóm cá nhân/tổ chức khởi nghiệp ĐMST (startup) đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước. Có hơn 46% (tương đương 350 startup) đã và đang tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Thành Phố; trong đó có 222 startup (chiếm 63%) đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của Nhà Nước trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Ngoài ra, có khoảng 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư; trong đó, có khoảng 70% là đang ở các giai đoạn đầu tiên của quá trình gọi vốn đầu tư (seed-funding, series A).

Một số kết quả cụ thể đạt được trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2017 đã thể hiện nỗ lực của Thành phố trong việc xây dựng nền tảng phát triển cho hệ sinh thái ĐMST như sau:

  • Hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái ĐMST.
  • Hỗ trợ đào tạo - tư vấn - nâng cao năng lực.
  • Hỗ trợ nghiên cứu - phát triển - thương mại hoá sản phẩm KHCN - ươm tạo doanh nghiệp.
  • Hỗ trợ kết nối - hợp tác ĐMST giữa các thành phần của hệ sinh thái.

PCWorld

cộng đồng khởi nghiệp, khởi nghiệp, startup, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        3,382,033       448