Công nghệ - Sản phẩm

World Cup 2018: Công nghệ đồng hành cùng bóng đá

Với 5 công nghệ tiên tiến sau, vòng chung kết World Cup 2018 diễn ra tại Nga lần này được kỳ vọng sẽ mang đến những trận cầu mãn nhãn, tuyệt vời và công bằng nhất.

Trọng tài video VAR

Russia 2018 là kỳ World Cup đầu tiên mà công nghệ VAR (Video Assistant Referee) được FIFA đưa vào áp dụng. Đây là một sự thay đổi đặc biệt tại giải đấu trên đất Nga, mở ra bước ngoặt mới cho nền bóng đá thế giới. Về cơ bản, VAR là công nghệ video hỗ trợ cho tổ trọng tài truyền thống. Ý tưởng rất đơn giản. Tổ trọng tài gồm trọng tài chính và các trọng tài biên có thể tham khảo nhiều tình huống chẳng hạn như các pha va chạm, ghi bàn, lỗi phạt đền, thẻ đỏ hay thẻ vàng cũng như các lỗi khác nhờ sự trợ giúp của “trọng tài” video.

Phòng điều khiển VAR

VAR đã được thử nghiệm trong một số giải đấu trước đây, trong đó có FA Cup ở Anh hồi tháng 5 vừa qua. Và trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần này, FIFA đã chính thức đưa VAR vào áp dụng cho tất cả 64 trận đấu vòng chung kết World Cup 2018. Một nhóm “trọng tài” video chuyên dụng bao gồm một VAR chính và ba trợ lý VAR sẽ được đặt tại Phòng điều hành video VOR (Video Operation Room) thuộc Trung tâm Truyền thông Quốc tế IBC (International Broadcast Centre) ở thủ đô Moscow (Nga). Mỗi VAR sẽ xem xét một nguồn hình ảnh video khác nhau, thông báo cho trọng tài về bất kỳ sai sót hay sự cố nào bị nhỡ, hoặc khi trọng tài yêu cầu trợ giúp.

VAR có thể “nói chuyện” với các trọng tài bên trong sân bằng hệ thống vô tuyến. Thông tin dạng video từ 33 camera khác nhau từ mỗi sân trong số 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018 được truyền trực tiếp tới phòng VOR bằng mạng cáp quang, trong đó có 8 camera quay chậm (super-slow motion) và 6 camera quay siêu chậm (ultra-slow motion). Ngoài ra, còn có 2 camera chuyên bắt việt vị. Trong các trận đấu loại trực tiếp sẽ có thêm 2 camera siêu chậm.

Về lý thuyết nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế thì có nhiều vấn đề phát sinh. Trọng tài khi truy cập vào VAR vẫn có thể đưa ra quyết định không chính xác. Ngoài ra, nó còn khiến trận đấu bị gián đoạn, mất nhiều thời gian hơn. Cùng với đó, VAR được cho là sẽ khiến cho vai trò của người trọng tài cầm còi truyền thống, vốn là “vị vua sân cỏ”, sẽ trở nên mờ nhạt và có vẻ phụ quá nhiều vào công nghệ.

Dù thế nào đi nữa, FIFA vẫn hy vọng công nghệ VAR sẽ làm cho việc điều khiển trận đấu của trọng tài tốt hơn. Để tránh trường hợp đám đông khán giả thường nghĩ rằng nhiều trường hợp quyết định sai là do trọng tài, các tình huống có sự tham gia của VAR đều sẽ được hiển thị thông tin, hình ảnh chi tiết qua màn hình lớn trên mỗi sân, để khán giả được theo dõi nhằm đảm bảo sự công bằng và chính xác cao nhất.

Hệ thống theo dõi và phân tích điện tử EPTS

Sự đổi mới lớn thứ hai của FIFA tại kỳ World Cup 2018 là công nghệ EPTS (Electronic Performance and Tracking Systems), một hệ thống dựa trên máy tính bảng sẽ giúp cho huấn luyện viên của 32 đội có thể truy cập vào để xem số liệu thống kê tất cả cầu thủ và cảnh quay video trận đấu theo thời gian thực. Nói đơn giản, đây là công nghệ giúp theo dõi mọi hoạt động, khả năng thi đấu cũng như tình trạng sức khỏe của tất cả cầu thủ trên sân.

Thiết bị định vị trong công nghệ EPTS

Mỗi đội sẽ được cung cấp 3 máy tính bảng, trong đó một máy được đặt trên chân đế đứng để các chuyên gia phân tích trên khu vực khán đài theo dõi, một máy phát cho chuyên gia phân tích ngồi trên băng ghế sát sân thi đấu và một máy cho nhóm y tế. Hình ảnh video được truyền đến các máy tính bảng sẽ có độ trễ khoảng 30 giây, cùng với đó là các số liệu thống kê chẳng hạn như dữ liệu định vị các cầu thủ và cả quả bóng, các pha chuyền bóng, sút bóng, tốc độ chạy của các cầu thủ và các pha truy cản.

Công nghệ hệ thống theo dõi và phân tích điện tử này được FIFA phê chuẩn vào năm 2015. Về mặt kỹ thuật, EPTS hoạt động dựa trên hệ thống camera và thiết bị đeo. Tại World Cup 2018, FIFA sử dụng công nghệ EPTS kết hợp giữa 3 nhóm thiết bị gồm hệ thống camera quang học (Optical-based Tracking System), hệ thống định vị cục bộ (Local Positioning System) và hệ thống định vị toàn cầu GPS/GNSS (Global Positioning System/Global Navigation Satellite System).

Dữ liệu được thu thập thông qua các camera theo dõi quang học để thu lại hình ảnh trên sân. Bằng các thuật toán phân tích hình ảnh, hệ thống sẽ đưa ra vị trí cầu thủ và bóng di chuyển trên màn hình. Ngoài ra, hệ thống còn sử dụng một số thiết bị phần cứng đính lên áo đấu cầu thủ, tương tác với những cột tín hiệu lắp đặt quanh sân, từ đó phân tích chính xác vị trí từng người. Tương tự, cầu thủ cũng sẽ được gắn lên người một thiết bị giúp tương tác tín hiệu với vệ tinh và gửi về các số liệu cần thiết. Hệ thống sẽ gửi thông tin về cho đội ngũ chuyên gia và y tế của mỗi đội theo thời gian thực. Từ đó giúp họ đưa ra đánh giá về tình trạng thi đấu, thể lực, sức khỏe,… rồi góp ý cung cấp những sự thay đổi phù hợp.

Công nghệ xác định bàn thắng Goal-Line

Trong các trận bóng đá, những tình huống bàn thắng mà quả bóng rơi sát vào vạch kẻ đường khung thành gây tranh cãi nảy lửa giữa hai đội là điều thường xuyên xảy ra. Dù bàn thắng có được công nhận hay không thì sau khi xem lại camera quay chậm, có không ít trường hợp quyết định của trọng tài chính không được lòng nhiều người. Nhằm hỗ trợ cho trọng tài đưa ra quyết định chính xác nhất, công nghệ Goal-Line đã ra đời.

Tín hiệu Goal-Line được chuyển đến thiết bị đeo

Về cơ bản, công nghệ Goal-Line (hay còn gọi là Goal Decision System) là một giải pháp kỹ thuật ngay lập tức xác định xem toàn bộ quả bóng đã vượt qua vạch khung thành hay chưa. Tháng 7/2012, Hội đồng Bóng đá Quốc tế IFAB (International Football Association Board) chính thức chấp thuận Goal-Line và Brazil 2014 là kỳ World Cup đầu tiên Goal-Line được áp dụng. IFAB yêu cầu rằng công nghệ này không được can thiệp vào trận đấu, vì vậy chỉ có tổ trọng tài và các quan chức trận đấu mới nhận được tín hiệu trên đồng hồ thông minh của họ để biết được liệu toàn bộ quả bóng đã vượt qua vạch khung thành hay chưa.

Công nghệ Goal-Line hoạt động dựa trên hệ thống camera thu thập hình ảnh, các vùng từ trường. Hệ thống camera bố trí quanh mỗi khung thành cho phép theo dõi bóng ở các góc độ khác nhau. Video quay từ những camera này phối hợp theo hình tam giác và tạo thành một quỹ đạo 3 chiều của quả bóng. Các máy quay được sử dụng có độ nét và tốc độ khung hình mỗi giây rất cao nhằm bắt được hình ảnh quả bóng.

Thông tin hình ảnh được xử lý và truyền đi chỉ trong vòng một giây, đảm bảo đến thiết bị đeo của các trọng tài ngay lập tức và không ảnh hưởng đến quá trình thi đấu. Trừ khi ban tổ chức quyết định phát hình ảnh video để xem lại, thông tin này chỉ được gửi đến tổ trọng tài trận đấu. Họ là những người duy nhất nhận được tín hiệu và dựa vào đó để ra quyết định ngay, không làm mất nhiều thời gian trận đấu. Mục tiêu của công nghệ này không phải để thay thế vai trò của các trọng tài mà chỉ có tác dụng hỗ trợ họ. Ngoài bóng đá, các hệ thống như vậy còn được sử dụng trong nhiều môn thể thao khác như tennis, bida, bóng bầu dục,...

Mạng 5G ở Nga

Sự kiện World Cup 2018 diễn ra khi công nghệ 5G vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Tuy có vẻ quá sớm nhưng cả hai đối tác truyền thông chính thức của World Cup là TMS và Megafon vẫn tuyên bố sẽ tổ chức thử nghiệm công nghệ không dây thế hệ thứ 5 ở Nga trong dịp này. Mạng lưới 5G sẽ phủ sóng toàn bộ sân vận động, khu vực khán giả hâm mộ và các trung tâm giao thông cũng như các địa danh nổi tiếng, bao gồm Quảng trường Đỏ của thủ đô Moscow.

Mạng 5G ở Russia 2018 cung cấp tốc độ vượt trội

Mạng 5G dự kiến sẽ được thương mại hóa trên thị trường vào năm 2019, cung cấp tốc độ nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và độ trễ cực thấp. Điều này có nghĩa là kết nối mạng sẽ tốt hơn cho người hâm mộ đang có mặt ở một sân vận động bóng đá trong tương lai cũng như mang đến những trải nghiệm mới. Chỉ vài ngày trước khi vòng chung kết World Cup 2018 diễn ra, Ericsson và MTS tiết lộ rằng đã triển khai mạng MIMO Massive (một công nghệ di động tiên tiến) với quy mô lớn nhất từ trước cho đến nay, cũng như cài đặt trang thiết bị radio có hỗ trợ 5G tại hơn 40 địa điểm thuộc 7 trong số 11 thành phố chủ nhà.

Mạng 5G sẽ có tốc độ dữ liệu nhanh hơn hẳn, phục vụ một lượng lớn người dùng đồng thời mà không sợ làm nghẽn mạng trong khu vực. So với 4G, thế hệ mạng di động thứ 5 có nhiều cải tiến quan trọng, người dùng có thể xem video thi đấu thể thao trực tuyến với chất lượng hình ảnh 4K/8K, cũng như kết nối thiết bị thực tế ảo VR (Virtual Reality) hầu như không có độ trễ. 5G phủ sóng khắp nơi ở Nga cũng hứa hẹn sẽ tạo ra đường truyền mạnh mẽ cho vô số thiết bị và hệ thống không dây tích hợp cảm biến thông minh được triển khai rộng khắp trong kỳ World Cup 2018.

Quả bóng Adidas Telstar 18

Adidas là nhà sản xuất bóng cho các trận đấu World Cup chính thức kể từ năm 1970. Hãng đã tận dụng sự kiện này để giới thiệu những cải tiến kỹ thuật mới nhất của mình. Tại World Cup 2018 ở Nga, Adidas đã giới thiệu quả bóng chính thức mang tên gọi Telstar 18, lấy cảm hứng từ quả bóng Telstar tại World Cup 1970 nhưng được phát triển bằng nhiều công nghệ vượt trội.

Quả bóng Adidas Telstar 18 tích hợp chip NFC

Điểm thú vị nhất của Telstar 18 là tích hợp chip NFC (Near-Field Communication), vốn là công nghệ cho phép quả bóng giao tiếp với smartphone. Chip NFC được tích hợp bên trong quả bóng cực nhẹ nên không ảnh hưởng đến trọng lượng cũng như hiệu suất của quả bóng. Ngoài ra, Adidas cũng đảm bảo chip này không bị ảnh hưởng hay hỏng hóc khi quả bóng được sử dụng trong điều kiện ẩm ướt, các biến động về nhiệt độ,...

Như vậy, không chỉ đơn thuần là quả bóng để thi đấu tại World Cup 2018, Adidas Telstar 18 còn cho phép người dùng tương tác thông qua smartphone. Để kết nối quả bóng Telstar 18 với smartphone Android tương thích, bạn có thể chạm mặt lưng của điện thoại vào logo NFC trên Telstar 18. Thực tế là công nghệ NFC chỉ cho phép hai thiết bị trao đổi dữ liệu với nhau. Adidas tuyên bố rằng Telstar 18 là quả bóng có thể cải thiện độ bền hiệu suất cả trong sân vận động lẫn trên đường phố.

Người dùng có thể sử dụng smartphone để mở khóa các chức năng được Adidas tích hợp sẵn khi kết nối với quả bóng thông qua NFC. Các nội dung được tích hợp trong chip NFC của quả bóng sẽ được cập nhật thường xuyên, nghĩa là người dùng có thể thường xuyên kết nối smartphone với quả bóng để nhận nội dung mới được Adidas cung cấp, chẳng hạn thông tin cập nhật về các trận đấu tại World Cup 2018, những trào lưu bóng đá,...

PCWorld

công nghệ, Huy Thắng


      © 2021 FAP
        3,387,245       126