Cuộc cách mạng trong kinh doanh đang diễn ra với nhu cầu cấp bách trong việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Bàn về khái niệm Chuyển đổi số (Digital Transformation), giáo sư Andrew McAFEE đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ) cho biết không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là sự chuyển đổi toàn diện về các mô hình và qui trình kinh doanh và các khách hàng trải nghiệm. Sự thành công của việc chuyển đổi số nhất định có sự cam kết tuyệt đối của lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp (như CEO hoặc Chủ tịch tập đoàn cùng Ban điều hành doanh nghiệp).
Trong khi phần lớn tác động của kỹ thuật số tập trung vào các doanh nghiệp mới nổi lên, điều đó rất thú vị và thường hữu ích, tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là các công ty truyền thống đang ở đâu trong xu hướng công nghệ này?
Cộng đồng CIO Việt Nam gần đây đã có buổi hội thảo với chủ đề "Digital Transformation- cái gì và như thế nào?" với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, lãnh đạo cao cấp của các công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam.
Phiên thảo luận của buổi hội thảo chuyển đổi số được dẫn dắt bởi Nguyễn Chí Đức – Operation Director công ty Votiva Việt Nam. thành viên ban cố vấn cộng đồng CIO cùng với các diễn giả đã đưa ra những quan điểm về việc thực hiện Digital Transformation trong doanh nghiệp. Phiên thảo luận dựa trên những dẫn chứng và sự logic đã giúp các thành viên hiểu rõ hơn bản chất về Digital Transformation cũng như thực hiện một chiến lược Digital Transformation hiệu quả, thấy được các vấn đề ở những góc độ khác nhau.
Ông Nguyễn Chí Đức đã mang đến cái nhìn cận cảnh của một số doanh nghiệp chuyển đổi số một cách ấn tượng trong thời gian gần đây. Trong số các doanh nghiệp toàn cầu chuyển đổi số thành công phải kể đến chuỗi cửa hàng Starbucks Coffee (hơn 190 nghìn nhân viên và hơn 100 nghìn cửa hàng trên toàn cầu) đã ứng dụng chuyển đổi số từ gần 7-8 năm qua, hay L'Oreal tăng cường trải nghiệm của khách hàng. Sự sụt giảm của ngành bán lẻ đã khiến hàng loạt các cửa hàng tìm cách thức mới để kết nối với khách hàng và tạo ra những trải nghiệm đặc biệt hoặc thuận tiện. Starbucks đã đạt được điều này bằng cách xây dựng những gì mà họ gọi là Vòng quay kĩ thuật số, trong đó tập trung vào bốn trụ cột: quà tặng, cá nhân hóa, thanh toán và đặt hàng.
Từ những năm 2009 – 2010, chuỗi cửa hàng cà phê này đã cho phép khách hàng thanh toán qua ứng dụng mobile của Starbucks – Purge. Trong quý 3 năm 2017, 9% đơn đặt hàng của Starbucks đã được đặt trước và 30% đã được thanh toán qua ứng dụng dành cho thiết bị di động. Hiện tại, 18% trong số 75 triệu khách hàng của Starbucks là thành viên của chương trình khách hàng thân thiết, sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, nhưng họ đem đến 36% doanh thu cho chuỗi cửa hàng này. Cùng với đó là chiến lược nâng cấp hạ tầng toàn chuỗi, như: cung cấp hệ thống Wi-Fi cho mọi cửa hàng hay như cho phép khách hàng sạc điện thoại khi đến uống cafe với dịch vụ Mobile Wireless Charge.
Tập đoàn mỹ phẩm hàng đầu của Pháp và thế giới L'Oreal (hơn 77.000 nhân viên, có mặt trên 130 quốc gia, hơn 28 thương hiệu sản phẩm quốc tế) cũng đã chú trọng vào chuyển đổi số khi có sự gia nhập của bà Lumbromira Rochet (37 tuổi) ở vị trí CDO (Chief Digital Officer - Giám đốc Công nghệ số) của tập đoàn cùng với sự cam kết cao nhất vào quá trình chuyển đổi số của CEO, ông Jean-Paul Agon. Sự cam kết cao nhất của lãnh đạo tập đoàn thông qua các chương trình làm việc cụ thể hàng tuần, hàng tháng trong các cuộc họp của Ban Giám đốc toàn cầu, từng quốc gia và nhãn hàng.
Chiến lược của hãng là tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm đặc biệt và trải nghiệm của khách hàng bất kể điểm bán trải rộng trên tất cả các châu lục. Để đạt được thành công trên quy mô rộng lớn, L'Oreal đã tăng cường lực lượng lao động và đã thuê hơn 1.400 chuyên gia kỹ thuật số trên nhiều thương hiệu của họ. Hơn 5.000 nhân viên đã hoàn thành mô-đun đào tạo tiếp thị kỹ thuật số cơ bản và 500 người khác thực hiện khóa học tiếp theo sau 3 tháng.
Sự kiện ra mắt ứng dụng Augmented Reality Genius Makeup của L'Oreal đã tạo ra mối quan hệ mật thiết đối với các đối tác cũng như khách hàng. Hơn 10 triệu lượt tải xuống và phạm vi tiếp cận xã hội lên đến hàng triệu người và đã có hơn 65 triệu lượt dùng thử sản phẩm đã diễn ra. Ứng dụng này đã giúp L'Oreal dành được 4 giải thưởng Cannes Innovation và giờ đây việc tích hợp kỹ thuật số của hãng này đã diễn ra trên quy mô rộng lớn.
eCommerce là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của L'Oreal, tạo sự phát triển của tập đoàn với sự kết nối toàn diện với mạng xã hội (social nework). Chiến lược chuyển đổi số đã giúp L'Oreal hiểu khách hàng tốt hơn và sâu sắc hơn, có thể tung sản phẩm mới ra thị trường trong thời gian nhanh nhất (như sản phẩm nhuộm tóc Preference với thời gian thiết kế kỉ lục dưới 6 tháng), tăng doanh số nhanh chóng sau 1 năm ra mắt sản phẩm mới. L'Oreal có tham vọng tăng gấp đôi số lượng khách hàng và doanh số lên đến 2 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.
Không chỉ ngành bán lẻ, tập đoàn Accor Hotels với ứng dụng công nghệ di động giúp các phòng cho thuê trở nên thông minh hơn đang thổi làn gió mát vào ngành công nghiệp du lịch và giải trí. Để hỗ trợ phát triển các dịch vụ mới, và đối phó với sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch, CNTT cần phải giải quyết bốn vấn đề của Accor bao gồm đơn giản hóa kiến trúc kỹ thuật và chất lượng dịch vụ; tích hợp dễ dàng với các đối tác; tăng khả năng mở rộng để đối phó với các nhu cầu xử lý tăng gấp 2 lần mỗi năm; và phát triển các mô đun có kiến trúc hướng dịch vụ. Tập đoàn Accor đã thông qua một kế hoạch về chuyển đổi công nghệ số lên đến 225 triệu Euro hồi năm 2014.
Chiến lược chuyển đối số
Trong cuộc khảo sát gần đây của Deloitte về chuyển đổi số đã chỉ ra rằng có một sự thay đổi đáng kể đối với việc đầu tư chuyển đổi công nghệ cho phép doanh nghiệp cải thiện việc tương tác với khách hàng, bảo vệ dữ liệu số và tăng năng suất. Công nghệ thường là một đòn bẩy quan trọng cho phép các công ty nhỏ thay đổi nền tảng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Xu hướng công nghệ mới nổi được xem là yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ để triển khai giải pháp mới mà còn là công cụ để loại bỏ các rào cản.
Nhiều giám đốc điều hành cao cấp đã tham gia khảo sát của Deloitte cho biết, họ đang tăng ngân sách CNTT để nắm bắt thông tin chi tiết của khách hàng, tăng năng suất và cải thiện kết quả kinh doanh khác được tạo ra bởi một loạt các xu hướng liên quan đến công nghệ. Các doanh nghiệp lớn hiện đang trích ra hơn 5% doanh thu để đầu tư vào công nghệ. Việc áp dụng công nghệ cho phép doanh nghiệp có cơ hội thay đổi toàn diện, không bị giới hạn ở một chức năng hay dịch vụ nào. Lợi ích nổi bật nhất mà chuyển đổi số mang lại là khả năng tương tác với khách hàng mặc dù về phía doanh nghiệp họ cũng ghi nhận rằng công nghệ có khả năng làm gián đoạn tổ chức trong khoảng thời gian ngắn nhưng lợi ích về sau sẽ được kéo dài và bền vững. Việc đầu tư công nghệ được đánh giá là có tác động gần như ngay lập tức đến việc giảm chi phí hoạt động, tạo ra các dịch vụ hoặc mảng kinh doanh mới, tăng năng suất, cải thiện sự liên kết quy trình và đẩy nhanh tốc độ giao dịch cũng như tương tác kinh doanh. Dữ liệu lớn, tích hợp đám mây và bảo mật thông tin là những xu hướng công nghệ có xác suất cao nhất về tăng năng suất. Phần lớn các công ty cũng có kế hoạch khai thác các công nghệ đột phá bao gồm blockchain, trí thông minh máy và thực tế ảo tăng cường.
Con đường hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số có thể không dễ dàng, nhưng nó là điều cần thiết cho các tổ chức muốn cạnh tranh trong một không gian kinh doanh phát triển nhanh chóng ngày nay. Di sản của các công ty truyền thông không còn là lý do cản trở chuyển đổi số bởi công nghệ cho phép họ cạnh tranh với các công ty trẻ hơn. Khi thực hiện thành công, ‘sự chuyển đổi’ này có thể mang lại những lợi thế mới, ít nhất là một sự thúc đẩy cho các mức năng suất, tăng nguồn thu nhập và sức mạnh cạnh tranh.
PC WORLD VN, T6/2018
Chuyển đổi số