Công nghệ - Sản phẩm

Luật An ninh mạng giúp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM Đơn vị 1 gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM và các ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, Lâm Đình Thắng, Ngô Tuấn Nghĩa đã tiếp xúc cử tri các Quận 1, 3 và 4 (TP.HCM).

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quan tâm nhiều đến các nội dung của Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng cũng được nhiều cử tri quan tâm. Cử tri Lê Thanh Tùng (Q3) băn khoăn về việc cho thuê đất được đề cập trung Dự thảo Luật Đặc khu và cho rằng các cơ quan xây dựng dự thảo luật cần nghiên cứu kỹ và nên lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội thông qua.

Cử tri Đoàn Đình Dũng (phường Nguyễn Cư Trinh, Q1) hoan nghênh Quốc hội đã lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu. Cử tri yêu cầu xử lý nghiêm các phần tử phản động, chống đối, gây rối, mất an ninh trật tự xã hội, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe; đồng thời cần thông tin rộng rãi các dự thảo luật để người dân nắm rõ. Khi người dân hiểu rõ thì các thế lực thù địch sẽ khó kích động, lôi kéo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Minh Thanh)

Trả lời ý kiến của cử tri về Dự thảo Luật Đặc khu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: Dự thảo Luật Đặc khu là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng khu vực đặc biệt, có sức cạnh tranh, phát triển mạnh nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Chủ trương này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và nhiều bộ luật đã được thông qua trước đó, trong đó có Luật Quốc phòng.

Chủ tịch nước cho hay, quá trình xây dựng dự thảo Luật Đặc khu rất công phu, Ban soạn thảo đã tổng kết, đánh giá các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ở Việt Nam trong 25 năm qua. Chính phủ cũng nghiên cứu nhiều quốc gia, vũng lãnh thổ khác, cả thành công lẫn thất bại; khảo sát, nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù. Dự thảo cũng đã được đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín, lấy ý kiến của người dân trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Quốc hội.

"Việc xây dựng luật này đặc biệt quan trọng, cấp thiết. Quá trình xây dựng dự thảo luật diễn ra trong nhiều năm, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, người dân; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta", Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết.

Trước băn khoăn của cử tri về Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đây là xu thế chung của quốc tế, không thể tránh khỏi. Chủ tịch nước chia sẻ đây là một vấn đề được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Để tận dụng được lợi thế của internet cần phải có cách quản lý hiệu quả. Đó là chưa kể đến các phần tử xấu lợi dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động xâm hại lợi ích cá nhân. Chủ tịch nước cho biết: "Vừa qua một số phần tử xấu lợi dụng những chuyện này để kích động, lợi dụng tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự xã hội. Đây là việc đáng tiếc và nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã bắt giữ một số đối tượng quá khích và xử lý đúng pháp luật".

Cử tri TP.HCM phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: Minh Thanh)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Luật An ninh mạng sẽ góp phần quan trọng tạo ra hành lang pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Việc ban hành luật là nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức cũng như Nhà nước chứ không xâm phạm đời tư của công dân.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.HCM vừa qua là do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo phá rối an ninh trật tự. Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu thời gian tới, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn các dự án luật; mở rộng dân chủ trong ban hành các quy phạm pháp luật để tạo được sự đồng tình của nhân dân, không để kẻ xấu lợi dụng. 

PCWorld

An ninh mạng, Châu Tấn, Luật an toàn thông tin, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        3,349,680       940