Hệ thống tạo dòng điện từ sóng biển có thể làm phát sáng 3 bóng đèn 6V/3W mắc song song là ý tưởng của 2 nữ sinh lớp 12 trường THPT Gia Định - Q.Bình Thạnh, TP.HCM tham gia Hội thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM lần thứ 13 - năm 2018.
Cụ thể, thiết bị chuyển hóa cơ năng sóng biển thành điện năng do Nguyễn Huỳnh Anh Thư và Từ Khánh Đăng, cùng là học sinh lớp 12 trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) phát triển ý tưởng và lên ý tưởng thực hiện.
Nguyễn Huỳnh Anh Thư, trưởng nhóm chia sẻ, các thống kê mới đây cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện năng ở Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ rất cao, trung bình trong giai đoạn 2001-2010 lên đến 13%/năm, năm 2011-2015, là 11%.
Trong khi đó, cơ cấu năng lượng của hệ thống điện Việt Nam tính đến ngày 31/5/2015 ngành thủy điện và nhiệt điện than chiếm tới 70%, ngành tuabin khí là 20% trong tổng số tỉ trọng điện của cả nước.
Điều đó cho thấy, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, sóng biển chưa được chú trọng.
Nhóm nhận thấy rằng, Việt Nam có lợi thế về đường bờ biển dài hơn 3.000km, và năng lượng tái tạo từ sóng biển lại chưa được sử dụng và khai thác hiệu quả. Điện từ sóng biển còn có lợi thế là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Nguyễn Huỳnh Anh Thư (trái) và Từ Khánh Đăng (phải) chia sẻ về hệ thống máy phát điện của mình. Ảnh: Hà Thế An. |
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nữ sinh đã sáng tạo một hệ thống tạo dòng điện từ sóng biển.
Vật liệu làm sản phẩm là nhựa PVC, nhựa PA, inox không gỉ… Đây là những vật liệu có độ bền cao, thích hợp với môi trường nước biển, có tính cơ động tốt.
Theo đó, hệ thống gồm có một hệ thống phao tiếp nhận sóng biển. Hệ thống phao sẽ truyền động lên hệ thống cánh tay, trục khuỷu bằng hệ thống ròng rọc và dây curoa đến bộ phận phát điện. Dòng điện một chiều được tạo ra có thể làm phát sáng 3 chiếc bóng đèn 6V/3W mắc song song.
Để có được mô hình sản phẩm, ít ai biết rằng, hai bạn học sinh phải rất mất thời gian để tìm kiếm các loại vật liệu, thậm chí phải đi "năn nỉ" các chủ vựa phế liệu mua sản phẩm.
"Hai cô gái học sinh đi hỏi mua những vật liệu cơ khí rất khó khăn. Nhiều lần đến vựa phế liệu tụi em bị xua đuổi bởi những người chủ ở đây. Thuyết phục mãi, kể chuyện làm sản phẩm của mình, thì những ông chủ vựa phế liệu mới đồng ý bán. Đó là những kỷ niệm mà chúng em nhớ mãi trong quá trình làm sản phẩm" - Khánh Đăng chia sẻ.
Ngoài ra, hai nữ sinh viên còn sử dụng những vật liệu từ các bộ phận cũ từ chiếc xe đạp cho sản phẩm của mình. Hệ thống truyền động của sản phẩm được "tái chế" từ các bộ phận của tay đòn và líp xe đạp.
Nhiều bộ phận trên sản phẩm được tái sử dụng từ các bộ phận của xe đạp. Ảnh: Hà Thế An. |
Theo Ths. Lê Duy Nhật, giáo viên hướng dẫn nhóm, lúc đầu nhóm đề xuất làm khung mô hình bằng vật liệu gỗ. Tuy nhiên vật liệu gỗ không thể hiện mô hình mang tính cơ khí cũng như thể hiện sự chắc chắn của sản phẩm.
"Vì vậy tôi muốn các em làm mô hình bằng khung thép để sản phẩm mang tính thực tế hơn"- thầy Nhật chia sẻ.
Để xây dựng bộ khung thép cho sản phẩm, hai nữ sinh viên phải nhờ một người quen trong lĩnh vực cơ khí thực hiện.
"Những công việc liên quan nhiều đến chuyên môn kỹ thuật, thật sự là có những hạn chế với những nữ sinh như chúng em. Nhưng trên hết, khi làm một sản phẩm cho chúng em nhiều trải nghiệm, học cách đối mặt và khắc phục với khó khăn" - Anh Thư chia sẻ.
Các thành viên nhóm chia sẻ, thời gian sắp tới sẽ thực nghiệm sản phẩm thực tế ngoài biển để có thể đánh giá toàn diện và chính xác nhất về sản phẩm và đưa ra những phương án cải tiến cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
sáng tạo trẻ, truyền thông khoa học công nghệ, ý tưởng sáng tạo trẻ