Các giải pháp trên nền tảng GIS được TP.HCM triển khai trên diện rộng nhằm phát triển nhiều ứng dụng quản lý cho các sở, ngành, quận, huyện như quảng bá du lịch, quản lý nhân - hộ khẩu, quản lý cơ sở kinh doanh, quản lý vùng sản xuất rau…
Với 64 lớp dữ liệu như dân số, vị trí các trường học, cơ sở y tế, nhà hàng… được thể hiện trực quan trên bản đồ, nền tảng chia sẻ dữ liệu do Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM (HCMGIS) phát triển, rất hữu ích cho người dân cũng như các cơ quan chức năng.
Vô số tiện ích với khả năng tìm kiếm đa dạng
Theo quy định, vị trí kinh doanh phòng Net, quán game phải cách các trường học từ cấp mẫu giáo đến trung học phổ thông ít nhất 200 m. Tuy nhiên, việc xác định vị trí mình muốn chọn có đáp ứng được yêu cầu đó hay không sẽ tốn không ít thời gian. Đó là chưa kể đến những thủ tục không cần thiết có thể phát sinh khi đăng ký kinh doanh.
Những vấn đề tương tự cũng thường xảy ra với ngành nghề có điều kiện khác và gây mệt mỏi, tốn kém cho người kinh doanh cũng như các cơ quan quản lý. Nhưng theo ông Phạm Quốc Phương - Giám đốc HCMGIS, điều này hoàn toàn có thể xử lý đơn giản bằng nền tảng chia sẻ dữ liệu HCMGIS.
Cổng thông tin địa lý HCMGIS Portal là một thành phần trong hệ thống HCMGIS, cung cấp nền tảng chia sẻ dữ liệu không gian địa lý. Nhà cung cấp dữ liệu có thể tải dữ liệu lên hệ thống, nhập thông tin metadata và biên tập hiển thị dữ liệu. Trong khi đó, người dùng có thể linh hoạt khai thác dữ liệu, xem dữ liệu, chồng lớp dữ liệu để biên tập và chia sẻ các bản đồ, tải dữ liệu từ hệ thống với nhiều định dạng khác nhau.
Sơ đồ các thành phần trong nền tảng chia sẻ dữ liệu HCMGIS |
Hiện tại, HCMGIS Portal đang có 64 lớp dữ liệu về dân số, vị trí cơ sở y tế, trường học, nhà hàng, đường xá, tuyến xe bus… do các đơn vị, quận huyện cung cấp. Người dùng có thể chọn xem một trong những lớp dữ liệu này hoặc kết hợp nhiều lớp dữ liệu, tiêu chí lọc khác nhau theo nhu cầu cụ thể. Kết quả truy xuất sẽ được thể hiện trực quan và chính xác trên bản đồ, thuận tiện cho người sử dụng theo dõi.
Khi người kinh doanh quán net muốn kiểm tra vị trí kinh doanh của mình có đáp ứng được quy định không, người đó chỉ cần chọn xem lớp dữ liệu trường học và đánh dấu vị trí mình muốn kiểm tra.
Vị trí các nhà thuốc hiển thị trên HCMGIS Portal |
Khoảng cách từ vị trí đó tới các trường học xung quanh được xác định chính xác và trực quan. Các cơ quan chức năng cũng có thể sử dụng ứng dụng này để kiểm tra một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, hàng loạt các lớp dữ liệu khác cung cấp cho người dùng vô số tiện ích, khả năng tìm kiếm đa dạng theo nhiều mục đích.
Cơ sở để phát triển hàng loạt ứng dụng
Nhờ những ưu điểm kể trên, GIS đã được dùng rộng rãi để phát triển nhiều ứng dụng quản lý cho các quận huyện - sở ngành tại TP.HCM như quảng bá du lịch, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý cơ sở kinh doanh, quản lý vùng sản xuất rau…
Bản đồ cơ sở kinh doanh cho phép cơ quan quản lý theo dõi toàn bộ cơ sơ kinh doanh tại địa phương hoặc theo từng ngành nghề. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để hỗ trợ cấp phép kinh doanh trong các ngành kinh doanh có điều kiện.
Không những theo dõi vị trí, ngành nghề kinh doanh của các cơ sở trên bản đồ, khi chọn một cơ sở kinh doanh cụ thể, người dùng xem được thông tin cụ thể về cơ sở đó.
Chức năng tương tự cũng có trong ứng dụng quản lý nhân hộ khẩu. Ngoài ra, ứng dụng này còn có chức năng thống kê nhân khẩu, hộ khẩu và điều tra nhân khẩu, hộ khẩu bằng smart phone. Nhờ đó, ứng dụng này có thể giảm tải và gia tăng hiệu quả công việc cho cán bộ, công chức địa phương.
Ứng dụng GIS trong quản lý các cơ sở kinh doanh |
Ông Nguyễn Đình Dũng, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết: "Trước đây, quy trình báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết qua rất nhiều bước, phần lớn thực hiện thủ công. Do đó, quá trình gửi và phản hồi ca bệnh mất 2-3 ngày, dễ phát sinh chênh lệch số liệu. Nhưng từ khi áp dụng Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền tảng GIS, những hạn chế trên đã được khắc phục triệt để."
Không chỉ giảm thời gian gửi và phản hồi ca bệnh, hệ thống còn giúp Trung tâm lập bản đồ và theo dõi các ổ dịch một cách đơn giản, hiệu quả. Nhờ đó, các ổ dịch sớm được khoanh vùng và xử lý dứt điểm trước khi bùng phát.
Nói về kế hoạch tiếp theo, ông Phạm Quốc Phương - Giám đốc HCMGIS, cho biết: "Trung tâm vẫn đang tiếp tục phát triển, hoàn thiện các nền tảng chia sẻ dữ liệu thông tin địa lý để cung cấp miễn phí cho cộng đồng và hỗ trợ cho công tác quản lý của các quận huyện - sở ngành."
Châu Tấn, đổi mới sáng tạo, GIS, truyền thông khoa học công nghệ