Công nghệ - Sản phẩm

Công nghệ Ion hóa xử lý cáu cặn lò hơi: Chi phí rẻ, hiệu quả cao

Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) ngày 18/5 phối hợp với công ty Ewater Engineering tổ chức hội thảo chuyên đề Công nghệ Ion hóa xử lý cáu cặn lò hơi không dùng hóa chất.

Thiết bị chống cáu cặn Ewater (cấu tạo gồm 1 máy phát sóng và dây tín hiệu lắp trên đường ống), vận dụng định luật Faraday để tạo ra trường điện từ cảm ứng trong lòng ống (tần số thay đổi liên tục từ 2,2-38kHz) cung cấp năng lượng để ion hóa nước, làm các chất gây ra cáu cặn, rỉ sét (Ca, Mg, Si, Fe, Mn) mất khả năng bám dính trên đường ống. Đồng thời, điện từ trường này cũng cung cấp năng lượng để phân tách các phân tử nước, giải phóng các electron khỏi hydro tạo kết tủa các chất gây cáu cặn và trung hòa về điện tích. Do đó, các chất này sẽ không còn bám dính trên bề mặt ống, mà dễ dàng trôi theo dòng xả đáy ra ngoài.

Đại diện công ty Ewater Engineering giới thiệu giải pháp

Ông Lê Trung Hiếu - đại diện công ty Ewater Engineering cho biết, hiện tại lò hơi đang được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, đã phát sinh nhiều vấn đề do cáu cặn đóng trong đường ống dẫn nước của lò hơi làm giảm khả năng truyền nhiệt, tăng từ 5–30% chi phí năng lượng, giảm tuổi thọ lò hơi và gây mất an toàn khi lò phải vận hành ở chế độ tải cao. Bên cạnh đó, việc dùng hóa chất để xử lý cáu cặn cũng làm mòn ống dẫn, tốn nhiều chi phí cho xử lý chất thải độc hại sau sử dụng và gây ô nhiễm môi trường.

Xử lý cáu cặn lò hơi sử dụng công nghệ ion hóa đang là xu hướng được nhiều ngành áp dụng rộng rãi, như may mặc, dệt, nhuộm, chế biến thực phẩm… Thiết bị ứng dụng công nghệ này đã được công ty Ewater Engineering lắp đặt và chuyển giao cho khá nhiều doanh nghiệp, ví dụ như công ty Dược phẩm Nam Hà (Nam Định), công ty Nha Trang Seafood, công ty Chế biến Thủy sản Hải Nam, công ty Chế biến Hạt điều Lafooco,.. và xuất khẩu sang một số nước như Malaysia và Indonesia,...

Thiết bị có chi phí vận hành không đáng kể (chỉ khoảng 500.000 đồng/năm tiền điện cho lò hơi 15 tấn/giờ hay 190.000 đồng/năm cho lò hơi 3 tấn/giờ), chỉ cần kiểm tra trạng thái làm việc, không tốn công bảo trì. Hơn nữa, thiết bị lại còn có thể chủ động thay đổi tần số cộng hưởng tùy theo chất lượng nước, xử lý nước có độ cứng trên 200mg/l (thiết kế riêng) và đáp ứng được cho nhiều loại lò hơi có công suất từ 100kg – 30 tấn nên đã thật sự thu hút được sự quan tâm từ các đại biểu tham dự.

PCWorld

cách mạng công nghiệp 4.0, Cesti, Châu Tấn, TechPort, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        3,416,940       265