Công nghệ - Sản phẩm

Triển khai chương trình tái chế rác thải điện tử tại các trường Đại học

Việt Nam Tái Chế phát động chương trình tuyên truyền và thu gom rác thải điện tử trong 10 trường đại học trong nước và quốc tế tại TP.HCM và Hà Nội

Kết hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM và 10 trường Đại học trong nước và quốc tế trên địa bàn TPHCM và Hà Nội, Việt Nam Tái Chế (VNTC) chính thức phát động chương trình thu gom mới nhất tại các trường Đại học. VNTC sẽ đào tạo các sinh viên thành những đại sứ chương trình tại mỗi trường tham gia. VNTC sẽ cùng với các đại sứ nỗ lực nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của quy trình tái chế rác thải điện tử chuyên nghiệp với môi trường. Đồng thời, các đại sứ còn có thể thay mặt chương trình để thu gom các thiết bị điện tử thải bỏ và được nhận thưởng dựa trên khối lượng thu gom.

Đại sứ thuộc các trường tại Hà Nội cùng nhau thảo luận, trao đổi giúp phát triển chương trình.

Chương trình được thí điểm trong một năm, từ tháng 3/2018.

Năm 2017, VNTC thu gom khoảng gần 10.000 kg rác thải điện tử, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 là 4.800 kg. Trong đó, top ba loại rác thải điện tử chiếm tỷ trọng lớn là (1) máy in/fax/scan có sự chuyển đổi lớn từ 13% trong 2016 lên đến 48% trong 2017, (2) các loại linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng 20% và (3) máy laptop/máy tính để bàn khoảng 8%. Tuy nhiên, con số thu được quả thật vẫn còn khiêm tốn so với lượng rác thải điện tử 90.000 tấn mà Việt Nam thải ra mỗi năm (theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ).

Đại diện VNTCcho biết con số tăng trưởng 2017 là kết quả rất đáng khích lệ đối với đội ngũ trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc nhận được sự ủng hộ từ các hộ dân, doanh nghiệp, VNTC còn nhận được các phản hồi tích cực từ các bạn sinh viên do các vấn đề về sức khỏe và môi trường ngày càng được quan tâm và chú trọng nhiều hơn, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Từ đó, họ nhận thức được vai trò và nghĩa vụ của mình để có thể sống và hành động có trách nhiệm hơn. Chính vì điều này, VNTC đã xây dựng chương trình và hợp tác với đối tượng sinh viên để cùng nhau lan tỏa thông điệp xanh, đẩy mạnh thu gom các thiết bị điện tử thải bỏ và tái chế theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ hỗ trợ nâng cao hiệu suất thu gom rác thải điện tử, VNTC còn kỳ vọng chương trình sẽ tiếp cận thế hệ trẻ rộng hơn và giúp hình thành thói quen xử lý rác thải điện tử một cách đúng đắn từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đồng hành cùng chương trình, mỗi trường Đại học sẽ chọn ra một nhóm đại sứ (gồm ít nhất 5 bạn) tổ chức các hoạt động tuyên truyền và thu gom rác thải điện tử định kỳ trong cộng đồng sinh viên thông qua các hình thức như tờ rơi, poster, banner, loa phát thanh trường, mạng xã hội... Theo đó, mỗi trường sẽ được đặt một thùng chứa ngay tại khuôn viên trường và sẽ tập kết rác thải điện tử về một trong các điểm thu hồi chính thức của VNTC tại hai thành phố. VNTC sẽ tổng kết lại số lượng rác thải điện tử của từng nhóm đại sứ theo từng quý và cấp giấy chứng nhận tham gia chương trình cho các đại sứ sau chương trình.

Hiện tại có 10 trường tham gia cùng VNTC là:

  1. Trường Đại Học Tôn Đức Thắng Tp.HCM
  2. Trường Đại Học Bách Khoa Tp.HCM
  3. Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Tp.HCM
  4. Trường Đại Học TN&MT Tp.HCM
  5. Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm Tp.HCM
  6. Trường Đại Học TN&MT Hà Nội
  7. Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội
  8. Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội
  9. Trường Quốc Tế Phổ Thông Liên Cấp Alfred Nobel
  10. Trường Quốc Tế Phổ Thông Liên Cấp Việt Úc

Bên cạnh chương trình thu gom tại các trường đại học nêu trên, VNTC còn cung cấp dịch vụ thu gom tận nơi dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp (điều khoản và điều kiện áp dụng). Đồng thời, nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thải bỏ rác thải điện tử một cách có trách nhiệm, VNTC còn thiết lập 10 điểm thu gom thường xuyên tại Hà Nội và TP.HCM. Danh sách các điểm thu gom cũng như liên hệ VNTC có thể xem chi tiết tại website www.vietnamrecycles.com/vi

PCWorld

Mai Hoa, rác thải điện tử, Sinh viên, tái chế, Việt Nam Tái Chế


      © 2021 FAP
        3,071,015       228