Công nghệ - Sản phẩm

Big data: Dường như các công ty công nghệ lớn đang xa lánh?

Big Data - thứ từng được thung lũng Silicon 'nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa', nhưng giờ đây dường như đang trở thành cái gai trong mắt của nhiều công ty công nghệ và có vẻ như... nó sắp bị ruồng bỏ.

Từng được ca ngợi "tận mây xanh", dữ liệu lớn (Big data) đã từng được xem là một xu thế, nhưng không phải công ty công nghệ nào cũng cần dùng đến, chưa kể đến việc họ đã sử dụng chúng như thế nào và không phải ai cũng muốn nói về nó (Big data) - một số nhà nghiên cứu về phát triển công nghệ đã cho biết như thế.
Chẳng hạn như Google và Facebook là những công ty công nghệ lớn, đã xây dựng những đế chế quảng cáo khổng lồ dựa trên những gì mà họ biết về khách hàng của mình thành các Big data của chính họ, nhưng trước sự "quan tâm đặc biệt" về quyền riêng tư của cả giới hành pháp lẫn người dùng trong thời gian gần đây, dường như cả hai "gã khổng lồ" này không còn muốn phô trương về nó nữa.
Cụ thể, khác hẳn trước đây, trong báo cáo tài chính mới nhất - hồi đầu tháng này, cả Google và Twitter đều giảm thiểu hoặc "nói tránh" mảng kinh doanh dựa trên dữ liệu người dùng của họ, dù rằng đây là mảng đem lại nguồn doang thu lớn nhất cho họ. Cùng với đó là họ "tránh nói" đến những vấn đề có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến doanh thu, khi Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 25/5 tới.
Cho dù các hãng công nghệ lớn có vẻ như đang "xa lánh" Big data, nhưng những trung tâm lưu trữ dữ liệu vẫn hiện diện ở khắp nơi và vẫn tiếp tục phát triển, Ảnh chỉ để minh họa.
Có sự chuyển hướng này, bởi "vụ bê bối Cambridge Analytica" của Facebook đã gây ra sự tập trung quá lớn, hướng sự chú ý của công chúng về cách mà các công ty công nghệ thu thập dữ liệu của người dùng. Nhiều khả năng sẽ làm cho các nền tảng này chuyển hướng, kể cả việc họ tạo ra các quy định khác về bảo mật dữ liệu chứ không chỉ dừng lại ở GDPR của châu Âu.
So với Facebook, Google có quyền truy cập vào lượng thông tin người dùng lớn hơn rất nhiều, lớn đến mức chúng ta "khó có thể đong đếm được", thông qua nhiều nền tảng và dịch vụ của hãng, bao gồm Search (Google), Youtube, Gmail, Cloud, Chrome và loa thông minh Google Home. Tất cả những dịch vụ/ứng dụng này của Google đều thu thập thông tin người dùng. Riêng trong quý đầu tiên của năm 2018, Google đã thu về tới 26,6 tỷ USD chỉ từ quảng cáo, chiếm tới 85% tổng doanh thu của công ty. Hãng eMarketer thậm chí còn ước tính, Google sẽ chiếm 31% tổng doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số của cả thế giới trong năm nay.
Thế nhưng, Google luôn che giấu điều này và họ lập luận rằng, "mảng kinh doanh quảng cáo cốt lõi của họ không thực sự phụ thuộc vào dữ liệu người dùng nhiều đến như vậy". Thế nên họ sẽ không gặp nhiều rủi ro khi các quy định mới (về quyền riêng tư) được ban hành. 
Về việc này, ông Sundar Pichai - CEO của Google, từng nói: "Điều quan trọng mà mọi người cần phải hiểu là phần lớn mảng kinh doanh quảng cáo của chúng tôi đến từ Search, nơi chúng tôi dựa vào lượng thông tin rất hạn chế là các từ khóa mà người dùng truy vấn để hiển thị những quảng cáo liên quan".
Hay như Twitter - một nền tảng mạng xã hội khác, cũng kiếm tiền chủ yếu nhờ quảng cáo cũng khẳng định rằng, họ không hề giống các công ty khác, những công ty đang biến quyền riêng tư của người dùng trở thành những rắc rối không đáng có. Và trên thực tế, công ty này cũng chỉ mới bắt đầu có lợi nhuận trong thời gian gần đây. 
"Chúng tôi khác với những công ty kia, vì Twitter là công khai. Chúng tôi là nền tảng với những cuộc hội thoại công khai, nên tất cả các dữ liệu của chúng tôi đều ở ngoài đó, đều được công khai, đều được mở. Và mảng kinh doanh dữ liệu của chúng tôi chỉ tổ chức lại những dữ liệu công khai đó theo thời gian thực để các thương hiệu, các nhà nghiên cứu và các tổ chức có thể sử dụng nó dễ dàng hơn mà thôi" - CEO Jack Dorsey cho biết.
Trong khi đó, Netflix, không bán quảng cáo như Google và Twitter, nhưng lại dựa vào lịch sử xem của người dùng để giữ chân họ trong nền tảng của mình. Đại diện của Netflix khẳng định, trong những ngày này, công ty không thực sự hoạt động dưới danh nghĩa một công ty công nghệ.
"Khách quan mà nói, chúng tôi giống một công ty truyền thông hơn mà một công ty công nghệ", CEO Reed Hastings của Netflix cho biết. Ông còn lấy ví dụ về việc công ty đang lên kế hoạch chi hơn 10 tỷ USD cho các nội dung trong năm nay, so với 1,3 tỷ USD dành cho công nghệ. Đồng thời ông cũng cảm thấy mừng vì "đã không tham gia vào ngành công nghiệp quảng cáo", để "phải chịu sức ép" giống như những công ty khác trong thời gian này.
Còn Apple - công ty kiếm tiền chủ yếu nhờ phần cứng và dự kiến sẽ công bố doanh thu vào ngày 1/5 tới cũng đưa ra lập luận tương tự. Điều này được thể hiện ra khi CEO Tim Cook trả lời phỏng vấn  trang MSNBC hồi tháng trước, rằng ông sẽ làm gì khi rơi vào tình cảnh của Mark Zuckerberg, ông Tim Cook đã nói: "Làm gì ư? Tôi sẽ không bao giờ ở trong tình huống đó". 
PCWorld

AI, Big Data, dữ liệu lớn, Thanh Trà, trí tuệ nhân tạo


      © 2021 FAP
        2,529,978       343