Đây là con số vừa được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, công bố.
Theo kết quả thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2018, hệ thống mạng và các máy tính tại Việt Nam đã hứng chịu hơn 1.500 cuộc tấn công mạng cả thảy.
Trong hơn 15.000 cuộc tấn công mạng đã xảy ra đó, có 962 trường hợp tấn công "deface" - thay đổi giao diện; 324 trường hợp là tấn công "malware" - tấn công bằng mã độc; và 218 trường hợp là tấn công "phishing" - tức tấn công lừa đảo.
|
Chỉ trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã có hơn 1.500 cuộc tấn công mạng. |
Cũng theo VNCERT, kết thúc năm 2017, VNCERT đã ghi nhận được có 6.400 trường hợp tấn công bằng malware; 4.377 trường hợp là tấn công deface và 2.065 trường hợp là tấn công phishing.
Với xu thế phát triển rất mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, việc bùng nổ các thiết bị IoT sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tấn công hoặc bị kẻ xấu lợi dụng để tấn công vào các hạ tầng trọng yếu quốc gia - đó là điều khó tránh khỏi, các chuyên gia nhận định.
Bởi lẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay dựa trên ba trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học, vật lý với phần lõi là trí tuệ nhân tạo, theo đó, các dịch vụ và thiết bị mạng lẫn thiết bị đầu cuối phục vụ cho IoT, BigData, máy in 3D, Robot…, sẽ bùng nổ.
Liên quan đến vấn đề tấn công mạng, tại cuộc diễn tập quốc tế APCERT 2018 mới đây, tiến sỹ Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT từng cho biết, "Với tính chất và quy mô của các cuộc tấn công mạng như hiện nay, vai trò thống nhất chỉ huy và khả năng huy động nguồn lực tham gia ứng cứu là vô cùng quan trọng bởi không một quốc gia, tổ chức nào có thể đơn độc tự ngăn chặn được vấn đề tấn công mạng hoặc hệ thống thông tin".
Theo ông Lịch, ngoài những cuộc tấn công đơn lẻ, có những sự cố mạng rất lớn, ảnh hưởng trên diện rộng do tin tặc có thể huy động hàng chục nghìn thiết bị, máy tính cùng tham gia tấn công.