Công nghệ - Sản phẩm

Khởi nghiệp đừng mãi trông chờ vào nhà nước!

Startup cần phải thay đổi ngay tư duy trông chờ, dựa vào nhà nước, phải xem thị trường cần gì để đáp ứng cho phù hợp, xác định làm được sản phẩm gì để thu hút vốn đầu tư.

Tại Hội nghị “Tổng kết Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – SpeedUp 2017 và hoạt động của các Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” diễn ra ngày 30/1/2018, một số thành viên ban điều hành hệ sinh thái cho rằng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng của SpeedUp 2017 là quá ít để có thể tạo dựng và phát triển những startup công nghệ có giá trị hàng triệu USD trở lên.

Cụ thể, trong tổng số 30 startup được xem xét hỗ trợ SpeedUp 2017, chỉ có 3 startup được định giá trên 1 triệu USD (tỷ lệ 10%), 7 startup được định giá từ 500.000 – 1 triệu USD (23,3%), và có đến 20 startup định giá dưới 500.000USD (66,7%). Trong số này, startup được định giá thấp nhất là 4,4 tỷ và startup được định giá cao nhất là 38,3 tỷ.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết ở năm thứ 2 triển khai Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – SpeedUp 2018, Sở KHCN TP.HCM dự định sẽ định hình các phương thức hỗ trợ theo từng giai đoạn hình thành startup để SpeedUp thực sự nhắm vào mục tiêu thúc đẩy startup hoàn thiện sản phẩm.

Bởi lẽ, trong số 99 dự án (đủ hồ sơ hợp lệ) tham gia SpeedUp 2017 thì chỉ có 30 dự án có sản phẩm hoàn chỉnh, có mô hình kinh doanh, có sáng tạo trong sản phẩm – công nghệ, có khách hàng và doanh thu, đạt đủ điều kiện để nhận hỗ trợ của SpeedUp 2017. Riêng 69 dự án còn lại thì đa phần chưa nêu rõ ưu điểm của sản phẩm, rủi ro pháp lý cao, sản phẩm chưa thể hiện được tính sáng tạo công nghệ, thậm chí có đến 22 dự án mới ở giai đoạn ý tưởng.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM chia sẻ mục đích hỗ trợ của SpeedUp là nhằm tiếp sức cho startup tìm kiếm được nhà đầu tư lớn hơn trong việc thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Dũng thì "việc phát triển startup đang hổng ở giai đoạn tiền ươm tạo" do đó Sở KHCN TP.HCM sẽ cần phối hợp với các Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và vườn ươm để tổ chức những cuộc thi lựa chọn ý tưởng, qua đó phát hiện và sàng lọc những ý tưởng có thể thực hiện để hỗ trợ bước đầu. Tiếp theo, sau những lần gạn lọc dạng phễu tiếp tục, những startup có ý tưởng giàu tiềm năng, có thể thu hút đầu tốt sẽ được đưa vào vườn ươm hoặc kết hợp cùng doanh nghiệp tiến hành ươm tạo. Có chung tay như vậy thì xã hội mới thực hiện được ý định đầu tư sâu hơn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo dựng, phát triển các startup có giá trị từ hàng triệu USD trở lên.

Trả lời ý kiến của đại biểu về việc cần có đại diện của cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động – sự kiện dành cho startup để tạo sự tin tưởng cho cộng đồng khởi nghiệp, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM thẳng thắn chia sẻ cần phải thay đổi ngay tư duy trông chờ, dựa vào nhà nước, vì cơ quan quản lý nhà nước chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ các bên (doanh nghiệp, startup, cộng đồng, chuyên gia tư vấn…) kết nối, thúc đẩy nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng startup phải xác định tư duy thành công hay không phải dựa vào thị trường, phải xem thị trường cần gì để đáp ứng cho phù hợp, xác định làm được sản phẩm gì để thu hút vốn đầu tư chứ nhà nước không thể “bao tiêu” cho startup được. TP.HCM đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hoặc chính doanh nghiệp cũng có thể trích quỹ KHCN để làm vốn đối ứng hoặc đầu tư vào những startup có dự án triển vọng. Do đó, chỉ cần startup có dự án rõ ràng thì sẽ không sợ thiếu kinh phí. 

Trong hội nghị, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều ý kiến về điều chỉnh phương thức hoạt động của các Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thực sự gắn kết doanh nghiệp - trường viện với cộng đồng khởi nghiệp.

PCWorld

Hoàng Kim, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        3,445,941       537