Công nghệ - Sản phẩm

Xây dựng thành phố thông minh phải đảm bảo đồng bộ và nhất quán

Việc phải làm trước hết là xác định chuẩn về kỹ thuật, khung công nghệ hạ tầng, đặc biệt là về kho dữ liệu dùng chung nếu không sẽ dẫn đến bất cập trong kết nối các hợp phần của đề án.

Không thể thiếu chuẩn kỹ thuật thống nhất

Kinh nghiệm xây dựng đô thị thành phố thông minh của một số thành phố như London, Chicago, cho thấy mỗi nơi có những đặc điểm riêng và đô thị thông minh phải xây dựng từ những thứ đã có sẵn. Tuy nhiên, để từng thành phần trong đô thị thông minh có thể vận hành, phối hợp hiệu quả với nhau không thể thiếu một chuẩn chung làm nền tảng.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM - Trưởng Ban điều hành đề án “Xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh”, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

“Trước đây từng Sở ngành, từng quận huyện đã điều hành theo các dự án, các ứng dụng đã triển khai. Bây giờ để tập trung về chỉ đạo dưới sự điều hành của Ban điều hành thống nhất để xây dựng thành phố thông minh cần có một chuẩn kỹ thuật, khung công nghệ thống nhất”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM - Trưởng Ban điều hành đề án “Xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh” khẳng định.

Tại buổi họp, đại diện nhiều đơn vị cũng nêu ra những đề xuất về nội dung này.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN TP.HCM, có 3 yếu tố quan trọng cần làm đầu tiên và sớm công bố cho xã hội biết. Trong đó, yếu tố thứ nhất là khung kỹ thuật, kiến trúc hạ tầng kỹ thuật của thành phố thông minh. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp, các trường đại học nghiên cứu phát triển sản phẩm và kết nối vào đề án.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, TP cần sớm ban hành các chuẩn kỹ thuật về kiến trúc hạ tầng, kho dữ liệu cũng các mô hình khai thác ứng dụng trong thành phố thông minh.

Bên cạnh đó, cấu trúc, chuẩn kỹ thuật của kho dữ liệu dùng chung cũng là một yếu tố cần sớm được ban hành. “Thành phố phải công bố trước để mọi người để tất cả mọi người biết, trong đó có các doanh nghiệp, trường học… để từ đó họ sẽ xây dựng ứng dụng và kết nối được”, ông Dũng nhận định.

Yếu tố thứ 3 là các mô hình khai thác ứng dụng trong thành phố thông minh. Thiếu yếu tố này, doanh nghiệp sẽ không biết được ứng dụng của mình làm ra có được thành phố chấp nhận và sử dụng hay không. Do đó, thành phố cần sớm công bố nội dung trên để doanh nghiệp có thể tính toán phương thức kết nối dữ liệu, mô hình khai thác ứng dụng trước khi xây dựng ứng dụng.

Đảm bảo tính đồng bộ trong xây dựng kho dữ liệu dùng chung

Điều này đặc biệt rõ ràng trong việc triển khai trung tâm dữ liệu dùng chung, một trong 4 trụ cột của mô hình đô thị thông minh.

Theo đề án, kho dữ liệu dùng chung của thành phố được tích hợp các cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành và các quận huyện. Kho dữ liệu này sẽ làm cơ sở phục vụ cho công tác dự báo chiến lược phát triển của thành phố cũng như triển khai các ứng dụng tích hợp phục vụ công tác điều hành.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái dữ liệu mở tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu với người dân, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội.

Hiện nay, các Sở ngành, các quận huyện đã chủ động triển khai các ứng dụng, xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho nhiệm vụ của đơn vị mình. Một trong những đơn vị tích cực thực hiện điều này là Sở GTVT TP.HCM. Từ năm 2016, Sở GTVT đã triển khai 10 dự án hướng tới thành phố thông minh và số hóa xong cơ sở dữ liệu cầu đường. Trong thời gian tới, Sở GTVT có kế hoạch triển khai các dự án như thẻ xe bus thông minh, tích hợp cân tự động, thu phí không dừng vào hạ tầng giao thông và bước đầu thử nghiệm hệ thống mô phỏng giao thông.

Tuy nhiên, chưa có chuẩn dữ liệu dùng chung đang khiến cho việc triển khai những dự án còn khó khăn. Đại diện Sở Giao thông vận tải lấy ví dụ, cùng sử dụng dữ liệu từ camera nhưng chuẩn camera an ninh và camera giao thông khác nhau, do đó nếu không tính toán kỹ và có chuẩn chung thì sẽ rất dễ dẫn đến lãng phí.

Đây cũng là ý kiến chung của nhiều Sở ngành, đơn vị. Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết Sở đã hình thành trung tâm điều hành nhưng mới chỉ dừng ở kết nối trực tuyến, trao đổi thông tin với các trường chứ chưa thể thực hiện điều hành chung. Bởi vậy, ông Sơn đề xuất kho dữ liệu dùng chung phải có sự kết nối của các cơ quan, đơn vị nhà nước dựa trên kiến trúc tổng thể, cơ sở hạ tầng của trung tâm dữ liệu dùng chung.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định, đảm bảo tính đồng bộ là yêu cầu hàng đầu trong quá trình triển khai đề án, đặc biệt là trong xây dựng kho dữ liệu dùng chung.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định đảm bảo tính đồng bộ là yêu cầu hàng đầu trong quá trình triển khai đề án, đặc biệt là trong xây dựng kho dữ liệu dùng chung. “Ban điều hành chịu trách nhiệm xây dựng kho dữ liệu dùng chung nhưng phải có sự nhất quán với các quận huyện”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. 

PCWorld

thành phố thông minh, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,567,568       223