Asus ZenFone 4 Max dẫu chưa thực sự cho thấy nhiều cải tiến vượt trội so với người tiền nhiệm, nhưng thời gian dùng pin vẫn tốt, màn hình đẹp và cũng không quá đắt đỏ.
Như PC World Vietnam từng thông tin ZenFone 4 Max có thể xem như bản thu gọn từ người anh em ZenFone 4 Max Pro được Asus giới thiệu trong lần ra mắt loạt sản phẩm mới thuộc dòng smartphone ZenFone 4 Series. Hiện tại, ZenFone 4 Max cũng đã được Asus chính thức mang về thị trường Việt Nam qua các kênh phân phối với mức giá 3,99 triệu đồng.
Có mặt tại Test Lab là phiên bản ZenFone 4 Max màu vàng đồng trẻ trung. Bên cạnh tùy chọn này, người dùng cũng có cả lựa chọn mẫu ZenFone 4 Max đen tuyền trông lịch lãm hơn vì cả mặt trước máy cũng được thiết kế cùng tông màu với mặt lưng. So với người tiền nhiệm ZenFone 3 Max, chiếc Asus ZenFone 4 Max cơ bản không có nhiều cải tiến về ngôn ngữ thiết kế.
Asus ZenFone 4 Max. |
Phiên bản mới vẫn khiến Test Lab cảm thấy phảng phất đâu đó hình ảnh của chiếc ZenFone 3 Max/ ZenFone 3 Max 5.5 từng thử nghiệm. Khác biệt có chăng chính là ZenFone 4 Max được Asus nâng cấp lên camera kép trông hấp dẫn hơn. Dãy phím điều hướng đặc trưng cho Android cũng được mang ra khỏi giao diện màn hình giúp “nới” rộng chút đỉnh không gian trải nghiệm. Máy cũng hỗ trợ 2 khay SIM và khay cắm thẻ microSD. May mắn là người dùng có nhu cầu sử dụng 2 SIM sẽ không phải lấn cấn vì Asus đã không còn dùng kiểu khay cắm dùng chung SIM với thẻ microSD. Tiếc là Asus bố trí các khay này vẫn nằm chung trong một khoang nên cũng chưa thật tiện dụng.
Về chất lượng hiển thị, ZenFone 4 Max tựa như người tiền nhiệm ZenFone 3 Max cũng chỉ hỗ trợ độ phân giải màn hình ở mức HD. Dù vậy, chất lượng hiển thị của ZenFone 4 Max đủ xếp vào mức ưa nhìn như người anh em của mình. Test Lab đánh giá cao khả năng tự động điều tiết độ sáng màn hình của ZenFone 4 Max. Panel 5,2 inch trên ZenFone 4 Max đủ sáng để đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt trong môi trường có ánh sáng mạnh. Tuy vậy, Test Lab không đánh giá cao tính thẩm mỹ trong việc Asus bài trí panel màn hình 5,2 inch cho ZenFone 4 Max. Với ZenFone 4 Max, khung viền màn hình dù đã không mấy mảnh mai, nhưng lại còn bị viền thêm “đường chỉ đen” chạy dọc khắp các cạnh nên càng tạo cảm giác khung viền dày, thiếu thẩm mỹ.
Chất lượng màn hình khá ổn dù độ phân giải chỉ dừng lại ở mức HD. |
Với cấu hình phần cứng trong đó “nội công” chính là SoC Qualcomm Snapdragon 425, RAM dung lượng 3GB, có thể nhận thấy ZenFone 4 Max cơ bản được Asus được nâng cấp so với người tiền nhiệm ZenFone 3 Max. Tuy nhiên, với nội lực phần cứng này, Test Lab ngay từ lần đầu tiếp xúc đã có thể hình dung được khả năng vận hành của chiếc ZenFone 4 Max - nhất là khi sản phẩm vẫn mang trên mình BXL được định hình ở phân khúc phổ thông và vẫn được sản xuất trên quy trình 28nm.
Các công cụ benchmark mà Test Lab vẫn thường dùng sau thời gian thử nghiệm cũng cho kết quả không ngoài dự đoán. So với người tiền nhiệm ZenFone 3 Max, hiệu năng BXL mà Asus trang bị cho ZenFone 4 Max thực sự không có nhiều vượt trội (xem biểu đồ). May mắn là so với một số đối thủ cùng phân khúc, “nội lực” của ZenFone 4 Max nhìn chung vẫn ở mức chấp nhận được.
Xuyên suốt quá trình trải nghiệm thực tế, ZenFone 4 Max cho cảm giác khá tốt. Máy đáp ứng “mướt” hầu hết tác vụ sử dụng hằng ngày, từ lướt web, “kéo Phây”, Zalo, cho đến giải trí với các tựa game đơn giản không đòi hỏi nhiều tài nguyên để xử lý đồ họa. So với phiên bản cũ, ZenFone 4 Max cũng đã được Asus nâng cấp lên giao diện người dùng mới hơn. Tuy nhiên, bộ icon ứng dụng gần như không được “tút” nhiều và Asus vẫn khá “tham” khi đóng gói kèm không ít ứng dụng mà nhà sản xuất này phát triển. May mắn là bộ giao diện người dùng mới dường như đã được tinh chỉnh từ bên trong ít nhiều nên cảm giác nặng nề đã hoàn toàn biến mất. Với ZenFone 4 Max, Test Lab có thể dễ dàng điều hướng nhanh giữa các trang màn hình, việc di chuyển giữa các hạng mục trong menu điều khiển máy cũng cho cảm giác mượt mà. Tốc độ tải ứng dụng nặng của ZenFone 4 Max tuy không nhanh nhưng cũng không hề chậm để khiến người dùng thử nghiệm phải cảm thấy bức bối.
Về camera, nếu như ZenFone 3 Max hoàn thành khá tốt “nhiệm vụ” mà Asus tăng cường này thì ZenFone 4 Max lại có phần hơi “đuối”. Ngay từ giao diện chụp ảnh, ZenFone 4 Max đã cho thấy sự tối giản ít nhiều khi chỉ trang bị những chế độ cơ bản như Auto, Pro (chụp ảnh chỉnh tay hoàn toàn), Beauty, Super Resolution, Panorama, Time Lapse hay GIF Animation. Với các thiết lập tự động hoàn toàn, chất lượng ảnh chụp trong môi trường ánh sáng thuận lợi có thể xếp vào mức chấp nhận được. Điều này khiến Test Lab thực sự tiếc, nhất là khi người tiền nhiệm ZenFone 3 Max lại có khả năng mang lại những shot hình đẹp, quay phim ổn và cũng hỗ trợ nhiều chế độ ghi hình thỏa sức cho người dùng sáng tạo.
May mắn là Asus ZenFone 4 Max vẫn mang trên mình pin khỏe. Thử nghiệm bằng công cụ PCMark cho thấy ZenFone 4 Max có thể cho thời gian dùng pin đạt mức 11 giờ 38 phút, ngang ngửa thời lượng 11 giờ 23 phút mà người tiền nhiệm ZenFone 3 Max từng ghi điểm trước đây. ZenFone 4 Max cũng có thể dùng như một pin sạc dự phòng để cung cấp năng lượng cho một chiếc smartphone khác trong trường hợp khẩn cấp. Dẫu vậy, điều khiến chiếc smartphone pin trâu này mất điểm chính là máy cần nhiều hơn mức 2 giờ 30 phút để sạc đầy như ZenFone 3 Max.
Nhìn chung, ZenFone 4 Max thực sự là một sản phẩm mang đến cho Test Lab nhiều cảm xúc lẫn lộn. Không thể chối cãi Asus ZenFone 4 Max thực sự “khỏe” về pin, hiệu năng ổn trong tầm giá, song lại mất nhiều thời gian để sạc đầy. Máy có chút thay đổi về ngoại hình, nhưng chưa đủ hấp dẫn bởi mất điểm trong thiết kế đường viền màn hình. So với người tiền nhiệm, ZenFone 4 Max còn được tăng cường lên camera kép, nhưng trải nghiệm chụp ảnh dường như lại tụt về phía sau. Với số lượng điểm trừ này, thiết nghĩ Asus ZenFone 4 Max vẫn chưa phải là một bản nâng cấp hoàn chỉnh mà fan của hãng mong chờ. Hy vọng, Asus ZenFone 4 Max sẽ sớm được lên đời Android 8 Oreo trong thời gian ngắn nữa.
Asus, Asus ZenFone 4 Max, đánh giá smartphone, Lâm Vũ, smartphone Android, smartphone pin khủng, smartphone pin trâu, Test Lab