Công nghệ - Sản phẩm

9 cách giúp điện thoại Android bớt gây phiền hà

Bạn có thể giảm thiểu các ứng dụng, thông báo hay hiện tượng gây khó chịu từ chiếc điện thoại Android của mình bằng những giải pháp dưới đây.

1. Vô hiệu hóa các ứng dụng bloatware
Hệ điều hành Android thường được cài sẵn rất nhiều ứng dụng gọi là bloatware. Về cơ bản bloatware trên di động là những phần mềm dạng dùng thử để giới thiệu tới khách hàng, được cài sẵn trên máy mà không cần biết người dùng có sử dụng hay không.

Những ứng dụng này có thể có ích đối với vài người hoặc có thể thừa đối với những người khác, nhưng về mặt kỹ thuật thì chắc chắn chúng sẽ chiếm dụng bộ nhớ, tốn không gian lưu trữ và ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu năng chung của hệ thống.

Chính vì vậy, bạn có thể bỏ những ứng dụng dạng này nếu cảm thấy không cần thiết. Tuy nhiên, hầu hết điện thoại Android ngày nay chỉ cho phép vô hiệu hóa bloatware chứ không cho xóa hẳn khỏi hệ thống.

Để thực hiện, bạn có thể nhấn và giữ ứng dụng bloatware cần bỏ để làm xuất hiện tùy chọn Disable rồi nhấn vào đó. Nhắc lại một lần nữa là bạn sẽ không thấy tùy chọn Delete để xóa hẳn các ứng dụng bloatware, giống như đối với các ứng dụng thông thường được tải về từ Google Play.

2. Tắt chế độ Auto Brightness
Khi sử dụng smartphone Android, bạn sẽ nhận thấy màn hình điện thoại đôi lúc bị tối đi hoặc sáng lên so với thông thường nếu thay đổi vị trí. Điều đó là một hiện tượng hoàn toàn bình thường khi bạn bật chế độ Auto Brightness. Về lý thuyết thì tính năng này rất tuyệt nhưng đối với một vài người dùng thì nó lại gây khó chịu vì đôi khi độ sáng màn hình thay đổi quá đột ngột nếu chỉ xoay nhẹ điện thoại.

Cụ thể, tính năng này sẽ tự động điều chỉnh độ sáng màn hình điện thoại tùy thuộc vào ánh sáng môi trường xung quanh nó. Ví dụ, màn hình sẽ bị tối hơn khi bạn đang xem điện thoại trong phòng ít ánh sáng, nhưng sẽ sáng lên nếu bạn đang sử dụng ở ngoài trời nắng.

Mặc định, chế độ Auto Brightness được bật trên hầu hết điện thoại Android. Nếu bạn không có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình sử dụng thì cứ để cho nó chạy bình thường. Tuy nhiên, nếu cảm thấy khó chịu thì bạn có thể tắt nó bằng cách vào mục Settings > Display và chuyển trạng thái tùy chọn Auto Brightness sang chế độ Off.

3. Kích hoạt chế độ Do Not Disturb
Hãy tưởng tượng bạn đang tập trung hoàn thành công việc hoặc đang tham dự một cuộc họp quan trọng, hẳn lúc đó bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu mỗi khi chiếc điện thoại smartphone của mình liên tục xuất hiện thông báo cuộc gọi đến, tin nhắn rác, hay một số thông tin phiền toái khác, làm ngắt ngang luồng ý tưởng hoặc làm gián đoạn thông tin đang tiếp nhận.

May mắn là đa số điện thoại Android hiện nay đều tích hợp những tính năng chẳng hạn như Do Not Disturb, giúp bạn tập trung hơn vào công việc, đồng thời chỉ giữ kết nối với những người quan trọng khi đang bận, thay vì khiến bạn phân tâm bởi các cuộc gọi đến, tin nhắn rác hay thông báo phiền toái.

Bạn có thể kích hoạt tính năng này thông qua mục Settings > Sounds and vibration > Do Not Disturb. Tại đây, bạn được cung cấp các tùy chọn như Total Silence để điện thoại bỏ qua tất cả thông báo trong một khoảng thời gian cụ thể (thậm chí cả cuộc gọi điện thoại); Alarms Only để chỉ báo thức; hoặc Priority Only để chỉ cho phép các cuộc gọi ưu tiên.

4. Quản lý phần thông báo Notification
Trên điện thoại chạy phiên bản hệ điều hành Android 7.0, người dùng có thể chọn hiện thông báo với âm thanh và rung bằng tùy chọn “Don’t silence or block”, tắt toàn bộ thông báo liên quan đến ứng dụng đó bằng cách chọn “Block all notifications” hoặc hiện thông báo nhưng tắt âm thanh và rung bằng tùy chọn “Show notifications silently”.

Điều này có nghĩa là bạn có thể chọn hiện thông báo hay âm báo cho các ứng dụng mà mình thường xuyên sử dụng như Facebook, email, tin nhắn SMS… hoặc chặn thông báo, âm báo của ứng dụng ít quan tâm như game hay các chương trình khác…

Để thực hiện, hãy truy xuất mục Settings > Notifications và từ đó có thể bật/tắt thông báo cho từng ứng dụng cụ thể. Ngoài ra, bạn có thể nhấn và giữ vào một biểu tượng ứng dụng để đi thẳng đến phần cài đặt của ứng dụng đó. Đây là những cài đặt quan trọng mà bạn có thể làm chủ phần thông báo nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn trên điện thoại Android.

5. Sắp xếp lại các nút trong trình đơn Pull-Down
Một tính năng được đánh giá cao của hệ điều hành Android là trình đơn Pull-Down. Chỉ cần vuốt từ phía trên màn hình xuống là bạn sẽ thấy được trình đơn này xuất hiện cùng với một loạt thiết lập thường sử dụng, chẳng hạn như bật/tắt kết nối không dây Wi-Fi hay Bluetooth, hoặc bật/tắt tính năng Location để định vị.

Một trong những nâng cấp thú vị nhất trong phiên bản Android 7.0 Nougat là cho phép chọn những biểu tượng nào cần hiển thị trong trình đơn Pull-Down để dễ dàng truy cập. Trong Nougat, bạn có thể sắp xếp lại các nút này bằng cách nhấn vào nút Settings ở góc trên bên phải rồi chọn Edit.

6. Tùy biến màn hình Lock Screen theo thời gian
Mật khẩu, dấu vân tay hoặc một số hình thức sinh trắc khác làm tăng thêm tính bảo mật cho smartphone và nói chung nó rất đáng giá. Tuy nhiên, an toàn và tiện lợi luôn là hai yếu tố đối lập nhau. Ví dụ, trong trường hợp bạn vừa ngủ dậy và đang trong trạng thái “mắt nhắm mắt mở” thì việc mở khóa điện thoại bằng các phương thức bảo mật nói trên sẽ khó khăn hơn bình thường. Chính vì lý do đó, hệ điều hành Android đã cho ra đời tính năng Smart Lock để sử dụng trong những tình huống như vậy.

Để kích hoạt, hãy vào mục Settings > Lock screen and security > Secure lock settings > Secure lock time và chọn thời gian phù hợp cho bạn. Lúc này, mỗi khi đến mốc thời gian đã định, điện thoại của bạn luôn mở khóa vì bạn đã đăng ký nó đang ở một vị trí “đáng tin cậy” (thiết bị có thể nhận biết vị trí thông qua các dịch vụ định vị).

7. Không bao giờ sử dụng In-App Camera
Bạn thường thích đăng ảnh selfie lên mạng xã hội Facebook, Instagram hoặc Snapchat? Trong những trường hợp như vậy, chắc chắn bạn sẽ muốn chia sẻ hình ảnh tuyệt vời của mình cho mọi người cùng xem chứ không phải những bức ảnh chất lượng kém, thiếu sắc nét hoặc bị nhòe. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là hầu hết người dùng đều có thói quen sử dụng camera tích hợp trong các ứng dụng để chụp rồi chia sẻ trực tiếp.

Bạn có thể nhận thấy rằng, camera trong các ứng dụng thường thiếu nhiều tính năng nâng cao, cung cấp hình ảnh với chất lượng không thể nào sánh bằng trình Camera có sẵn của hệ điều hành, thậm chí thường bị lag nhẹ khi chụp. Tóm lại, muốn có một bức ảnh đẹp hơn, lung linh hơn, bạn hãy chụp ảnh bằng ứng dụng Camera tích hợp của điện thoại rồi sau đó mới dụng ứng dụng tương ứng để tải ảnh lên mạng xã hội.

8. Sử dụng Widget
Nếu là người dùng Android mà không tận dụng các tiện ích Widget thì rõ ràng bạn đang thiếu sót. Android cho phép đặt các Widget không chỉ trên màn hình Home Screen mà còn trên cả màn hình Lock Screen. Widget trên Lock Screen sẽ giúp bạn xem thông tin nhanh chóng hơn, chẳng hạn như thời tiết, các cuộc hẹn sắp tới, dung lượng pin còn lại… mà không cần phải mở khóa màn hình. Bạn có khả năng kết hợp nhiều Widget trên màn hình Lock Screen để có thể xem nhiều thông tin chỉ với một cú quét nhẹ.

Trong khi đó, hầu hết ứng dụng đều cho phép tạo Widget trên màn hình chính Home Screen. Với các thông tin cần kiểm tra thường xuyên như email, thời tiết, nhạc, podcast thì bạn chỉ cần tạo ra một Widget duy nhất để chứa. Về cơ bản, Widget giúp cho việc truy xuất thông tin dễ hơn rất nhiều, bạn không cần phải mở ứng dụng và vuốt để tìm kiếm nữa.

Để tạo một Widget, hãy nhấn vào bất cứ nơi nào trên màn hình chính nhằm làm xuất hiện một loạt tùy chọn. Ở đây, bạn sẽ tìm thấy liên kết Widget và có thể nhấn vào đó rồi quét qua danh sách các ứng dụng sẵn có (không phải tất cả ứng dụng đều cho phép tạo Widget). Tiếp theo, nhấn vào bất kỳ ứng dụng nào mà bạn cần tạo Widget rồi kéo nó vào một vùng đang mở.

9. Kết nối loa Bluetooth gắn ngoài
Mặc dù một số mẫu smartphone ngày nay có loa tích hợp cung cấp âm thanh rất ấn tượng, nhưng nói chung việc nghe nhạc bằng loa điện thoại rõ ràng là một giải pháp không thích hợp cho người yêu âm nhạc, nhất là những tín đồ audiophile. Loa tích hợp của điện thoại chỉ có thể đạt được mức âm lượng có giới hạn và chất lượng âm thanh hầu như chỉ ở mức dưới trung bình. Nếu thực sự muốn lấp đầy căn phòng bằng âm nhạc chất lượng cao, chắc chắn bạn sẽ cần một chiếc loa ngoài.

Nếu sử dụng loa Bluetooth chất lượng tốt để nghe nhạc, xem video trực tuyến hoặc theo dõi podcast, hẳn bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt về âm thanh so với nghe từ hệ thống loa tích hợp trong điện thoại. Giờ đây, bạn cũng có thể thấy rằng loa ngoài thực sự có ích khi sử dụng để thực hiện cuộc gọi Skype hoặc chat video qua Facebook Messenger.

PC WORLD VN, 09/2017
 

PCWorld

9 cách giúp điện thoại Android bớt gây phiền hà


      © 2021 FAP
        2,575,087       1,400