Công nghệ - Sản phẩm

Internet đã thay đổi chúng ta như thế nào?

Mọi hoạt động ngày nay của chúng ta dường như đã gắn liền mật thiết với Inetrnet, đến nỗi khó có thể hình dung cuộc sống sẽ ra sao khi mạng Internet ngưng hoạt động

Sự phát triển của Internet   
Năm 1995, có chưa tới 1% dân số thế giới kết nối trực tuyến. Internet lúc đó là thứ gì đó mới lạ và gây sự tò mò vốn chỉ được sử dụng chủ yếu bởi người phương tây. Nhưng sự chuyển đổi nhanh chóng sau hơn 20 năm, hiện nay thế giới đã có hơn 3,5 tỷ người có kết nối Internet – chiếm tới gần một nửa số người trên hành tinh này và con số này đang tăng với tốc độ khoảng 10 người/giây.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, 1/5 người Mỹ nói rằng họ sử dụng Internet gần như liên tục và 73% nói rằng họ sử dụng Internet hàng ngày. Con số ở Anh tương tự: một cuộc điều tra năm 2016 cho thấy gần 90% người lớn cho biết họ đã sử dụng Internet liên tục trong 3 tháng. Đối với nhiều người, bây giờ hầu như không thể tưởng tượng được cuộc sống mà không có Internet. 

Giáo sư William Dutton thuộc Đại học bang Michigan, tác giả của cuốn sách Xã hội và Internet cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất của Internet ngày nay là mọi người coi đó là điều tất nhiên, nhưng họ không hiểu mức độ Internet xâm nhập và tác động vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống ra sao. Mọi người thậm chí không còn nghĩ đến một ngày nào đó không được tiếp cận và sử dụng Internet. 

Internet đã ăn sâu vào cuộc sống của chúng ta đến mức nào? Clay Shirky, chuyên gia về tác động kinh tế - xã hội của Internet tại Đại học Yale, mô tả trên The Atlantic: thế giới ngày nay mà không có Internet chẳng khác nào nghĩ đến London những năm 1840 không có động cơ hơi nước, New York những năm 1930 không thang máy và Los Angeles những năm 1970 chẳng có xe hơi.

“Internet và đời sống cũng giống như những dây nho đã dính quá chặt vào giàn, ta không thể tách lìa chúng được và sẽ là vô ích nếu cố làm điều đó. Viễn cảnh chúng ta hình dung về thế giới hậu Internet thường là sự sụp đổ của nền văn minh với các thảm họa zombie, dịch bệnh, hạt nhân - Shirky nói với The Atlantic - Điều này ngụ ý không còn Internet thì không còn văn minh và có nghĩa Internet đã là văn minh của chúng ta vậy”.

Hiện nay Việt Nam có gần 50 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới là 46,64%. Trong đó, người sử dụng Internet thường xuyên hàng ngày lên tới 78% số người có sử dụng Internet. Việt Nam đứng vị trí thứ 16 trong top 20 quốc gia có số lượng người sử dụng Internet nhiều nhất tại châu Á.

Internet không phải là bất khả xâm phạm 
Theo lý thuyết, Internet có thể  bị đánh sập trên quy mô toàn cầu hoặc tại từng quốc gia trong một khoảng thời gian.

Các cuộc tấn công mạng trước đây đã minh chứng cho điều đó. Tin tặc có thể làm nghẽn mạng bằng cách phát tán các phần mềm mã độc nhắm vào lỗ hổng trong bộ định tuyến - thiết bị chuyển tiếp lưu lượng truy cập Internet. Hay những cuộc tấn công nhắm vào các máy chủ tên miền chứa địa chỉ IP cũng gây ra sự gián đoạn và ngăn chặn việc tải trang web.

Một ví dụ nổi tiếng là Mirai, một mã độc xâm nhập vào các thiết bị IoT và kết nối chúng vào botnet nhằm tấn công DDOS các hệ thống mạng. Hệ thống Mirai botnet đã từng tấn công làm tê liệt toàn bộ Internet Liberia với thông lượng 600Gbps.

Ngày 28/3/2013,  cuộc tấn công nhắm vào hệ thống máy chủ tên miền (DNS) của tổ chức chống thư rác Spamhaus, tuy không "hạ gục" nhưng đã làm mạng Internet trên toàn cầu bị trì trệ do cường độ tấn công rất lớn, trong đó châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây được xem là một trong những cuộc tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay với ước tính lượng dữ liệu tràn vào hệ thống mạng Spamhaus khoảng 300 gigabyte dữ liệu/giây. Gấp 6 lần so với các cuộc tấn công DDoS thông thường (vào khoảng 50 gigabyte dữ liệu/giây).

Những cuộc tấn công mạng có thể khiến Internet đình trệ trong thời gian ngắn nhưng điểm yếu của Internet lại chính là hạ tầng phần cứng. Cáp quang kết nối các lục địa với nhau nằm dưới biển sâu và nếu chúng bị cắt thì một phần thế giới sẽ có nguy cơ bị cô lập. Cáp quang không phải là mục tiêu tấn công dễ dàng nhưng đôi khi chúng gặp vấn đề ngẫu nhiên.

Tuyến cáp biển AAG kết nối tiểu vùng Đông Nam Á với Đài Loan, Hồng Kông rồi sang Mỹ được đưa vào sử dụng từ 2009 với tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 500 triệu USD, chiều dài hơn 20.000 km. Chỉ sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, tuyến cáp biển AAG đã xảy ra sự cố đứt cáp tới 10 lần và phần lớn là do mỏ neo tàu thuyền. Tác nhân con người chưa phải là khủng khiếp nhất. Năm 2006, 1 trận động đất 7 độ richter ngoài khơi Đài Loan đã cắt đứt 8 tuyến cáp ngầm gây gián đoạn dịch vụ cho cả Hong Kong và Đông Nam Á. Sóng thần khủng khiếp tháng 3 năm 2011 ở Nhật xảy ra do 1 trận động đất ngầm dưới biển cũng khiến Nhật Bản khốn đốn khi gây hư hại phân nửa số tuyến cáp quang vượt đại dương của nước này.

Trên lý thuyết, những thứ do con người tạo ra thì đều có thể khống chế, Internet cũng vậy. Một số chính phủ có công tắc để ngắt Internet ở đất nước họ. Ai Cập đã làm việc này trong cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập năm 2011 nhằm cô lập những người phản đối. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng ngắt Internet trong thời gian có biểu tình.

Sự cố cáp quang biển Việt Nam bị cắt trộm được phát hiện và thông tin công khai lần đầu tiên vào ngày 24/3/2007 trên tuyến TVH – đây là tuyến cáp được khai thác từ năm 1995, kết nối trong nước với Thái Lan và Hồng Kông. Vụ việc chưa được giải quyết thì chỉ sau đó 1 tháng cáp quan biển tiếp tục bị cắt trộm, toàn bộ lưu lượng quốc tế qua tuyến TVH buộc phải chuyển sang tuyến duy nhất còn lại là SMW3, gây nên tình trạng mất an toàn cho mạng viễn thông quốc tế trong nước do mất khả năng dự phòng.

Tác động của Internet lên nền kinh tế
Theo một báo cáo từ hãng nghiên cứu Brookings về thiệt hại phổ biến khi kết nối Internet trục trặc lên nền kinh tế của một quốc gia đã cho biết, 81 lần Internet bị gián đoạn diễn ra trong khoảng thời gian một năm, giữa mùa hè năm 2015 và năm 2016 đã khiến toàn cầu thiệt hại khoảng 2,4 tỷ USD.

Theo Brookings, quốc gia bị ảnh hưởng kinh tế nhất do việc ngừng hoạt động Internet là Ấn Độ với thiệt hại gần 1 tỷ USD. Một số quốc gia khác cũng chịu ảnh hưởng lớn như Ả-rập Xê-út là 465 triệu USD, Marốc là 320 triệu USD, và Iraq là 209 triệu USD.

Một báo cáo khác của Deloitte đã ước tính rằng một quốc gia có lượng kết nối cao mất ít nhất 1,9% GDP cho một ngày khi tất cả các dịch vụ Internet đều bị đóng cửa. Đối với một quốc gia kết nối trung bình, tổn thất ước tính là 1% GDP mỗi ngày, và đối với một quốc gia có kết nối thấp hơn trung bình, tổn thất ước tính là 0,4% GDP mỗi ngày.

Phân tích này cho thấy việc ngừng hoạt động Internet ở Ethiopia, một quốc gia có kết nối thấp với dân số 94 triệu người và GDP bình quân đầu người là 505 USD, khiến cho GDP nền kinh tế của nước này thấp hơn 500 ngàn USD một ngày. Báo cáo nhấn mạnh rằng ngay cả những hạn chế tạm thời hoặc giảm tốc độ Internet cũng làm hại đến hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội trực tuyến vì chúng làm cho một số dịch vụ không sử dụng được.

Tác động lên đời sống xã hội
Một sự cố thông tin liên lạc lớn sẽ có thể ảnh hưởng một cách không cân đối tới những doanh nghiệp nhỏ và công nhân. Năm 1998, đã có tới 90% của 50 triệu máy nhắn tin ở Mỹ ngừng hoạt động do hư hỏng vệ tinh. Trong những ngày tiếp theo việc mất tín hiệu, một khảo sát với 250 người sử dụng máy nhắn tin ở Los Angeles cho thấy một sự chia rẽ về phản ứng khi mất kết nối. Những người trung lưu với các công việc lãnh đạo hoặc mang tính chuyên môn thì không gặp nhiều rắc rối. Nhưng đối với những lao động phải dựa vào máy nhắn tin như thợ đường ống hoặc thợ mộc thì đó là những ngày thất nghiệp.

Nhưng những tác động lên công việc chỉ là một phần rất nhỏ, mất kết nối gây ảnh hưởng đến tâm lý con người rất nhiều. Phần lớn Internet được thiết kế với mục đích là cho phép người ta liên lạc được với nhau. Chúng ta đã quen với việc có thể kết nối với bất kỳ ai, ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào.

Lịch sử đã  chứng minh mọi thứ trở nên đáng lo ngại khi không còn kết nối. Năm 1975, hỏa hoạn ở New York đã khiến  dịch vụ điện thoại của 300 khối phố của Manhattan ngưng kết nối trong 23 ngày. Trong một cuộc khảo sát 190 người tiến hành ngay sau khi đường dây được khôi phục, các nhà nghiên cứu thấy rằng 4/5 số người được hỏi trả lời là họ nhớ điện thoại, đặc biệt là khả năng của nó giúp kết nối với bạn bè và gia đình. Hơn 2/3 nói rằng việc thiếu dịch vụ làm họ cảm thấy "cô đơn" hoặc "buồn bực", và gần 3/4 nói họ cảm thấy họ kiểm soát công việc tốt hơn khi dịch vụ được khôi phục.

Có quan điểm cho rằng có thể người ta sẽ trở nên gần gũi hơn và liên hệ nhiều hơn với bạn bè và gia đình nếu họ không sử dụng Internet, nhưng điều này chưa hẳn đã đúng. Việc mất kết nối có thể làm con người gần gũi hơn trong hoàn cảnh nhất định, như là buộc những người cùng cơ quan phải nói với nhau thay vì gửi email, nhưng nhìn chung trải nghiệm này chưa chắc đã giúp chúng ta vui vẻ.

Tuy nhiên cảm xúc này chỉ là thoảng qua. Mất Internet sẽ làm người ta nhận ra sự quan trọng của nó trong đời sống, nhưng rồi chẳng mấy chốc chúng ta lại coi nó là điều đương nhiên.

PC WORLD VN, 09/2017

PCWorld

Internet đã thay đổi chúng ta như thế nào?


      © 2021 FAP
        3,411,636       94