Có thể khẳng định Moto C Plus là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý cho người dùng phổ thông đang dự định đầu tư một mẫu smartphone có giá bán không quá 3 triệu đồng.
Moto C Plus là một trong bốn mẫu smartphone Android thế hệ mới hướng đến người dùng phổ thông vừa được mang về thị trường Việt Nam gần đây. Như PC World Vietnam từng thông tin, bộ tứ smartphone Motorola mới này khá hấp dẫn nhờ sử dụng hệ điều hành Android 7 Nougat, dung lượng pin khỏe, màn hình lớn sắc nét và tốc độ kết nối mạng dữ liệu di động nhanh.
Hiện tại, Moto C Plus có giá bán ở mức 2,99 triệu đồng. Máy mang trên mình nội lực của bộ xử lý 4 nhân MediaTek MT6737 xung nhịp 1,35GHz, RAM dung lượng 2GB, đồ họa Mali-T720 tích hợp. Mẫu smartphone phổ thông Moto C Plus cũng trang bị bộ nhớ trong đạt mức dung lượng 16GB, khe cắm thẻ microSD hỗ trợ nâng cấp thêm 32GB không gian lưu trữ khi cần. Riêng về khoản máy ảnh, Moto C Plus sở hữu camera chính 8MP và camera selfie 5MP. Cả camera trước và sau của Moto C Plus đều được trợ sáng bằng đèn flash LED hứa hẹn mang lại hình ảnh sáng hơn trong môi trường tối.
Moto C Plus có giá bán tham khảo ở mức 2,99 triệu đồng. |
Cũng theo thông tin từ nhà sản xuất, Moto C Plus còn sở hữu pin dung lượng 4.000mAh có thể tháo rời và cũng được hứa hẹn giảm đáng kể thời gian sạc pin nhờ adaptor công suất 10W đi kèm. Moto C Plus cũng mang trên mình 2 khay SIM (đều là nano-SIM và chỉ 1 khay SIM hỗ trợ 4G) thiết kế độc lập hoàn toàn với khay cắm thẻ nhớ. Hiện tại, Moto C Plus có mặt trên thị trường với khá nhiều tùy chọn màu sắc tươi trẻ. Có mặt tại Test Lab là bản Moto C Plus đen nhám trông khá nam tính.
Từ những tiếp xúc thực tế, Test Lab nhận thấy Moto C Plus mang nhiều nét đặc trưng của dòng điện thoại Motorola như thiết kế bo cong đều các góc máy. Phần cạnh lưng cũng được vát cong tối đa nhằm ôm gọn hơn lòng bàn tay của người dùng. Tuy nhiên, Moto C Plus không trang bị nút Home cứng mà sử dụng hoàn toàn phím chức năng cảm ứng bố trí trên khung viền màn hình.
Hình ảnh chi tiết Moto C Plus:
Xét về độ thẩm mỹ, Moto C Plus nhìn chung khá hài hòa bởi thiết kế liền lạc. Tuy nhiên, nếu đòi hỏi cao về vẻ đẹp ngoại hình, Moto C Plus thực sự không thể đáp ứng nhu cầu này bởi máy sở hữu pin dung lượng 4.000mAh, cộng thêm việc dùng vật liệu nhựa để “làm mềm” chi phí đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho các thành phần phần cứng bên trong, nên xét cho cùng ngoại hình có vẻ cồng kềnh của sản phẩm là điều có thể chấp nhận được.
Thực tế sử dụng cho thấy Moto C Plus cứng cáp, phần lưng nhám cho độ bám tốt và cũng không mảy may lưu lại dấu vân tay sau thời gian dài sử dụng. Nhờ trag bị nắp lưng vật liệu nhựa mềm, nên người dùng có thể tháo rời dễ dàng để thao tác với khay SIM và thẻ nhớ khi cần. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Moto C Plus không hỗ trợ thay nóng SIM vì pin của máy một khi đã yên vị sẽ trở thành “chốt chặn” ngăn cản việc tháo/lắp SIM. Test Lab cũng mất ít nhiều thời gian để làm quen với vị trí nút nguồn/khóa màn hình của Moto C Plus vì dường như nhà sản xuất bố trí chưa thật hợp lý lắm so với kích thước thân máy.
Một số hình ảnh giao diện người dùng vốn mộc mạc, dễ làm quen của Moto C Plus:
Tuy mất điểm ở thiết kế nút nguồn/khóa màn hình, nhưng bù lại, Moto C Plus có thiết kế camera phẳng. Vị trí loa ngoài ở mặt lưng cũng được thiết kế cho phép tạo khoảng không gian nhỏ để thoát âm khi đặt máy trên mặt bàn và cũng nhờ điều này mà tình trạng “nghẹt mũi” vẫn thường thấy trên các sản phẩm phổ thông đã hoàn toàn biến mất trên Moto C Plus.
Moto C Plus cũng khá hấp dẫn với thiết kế màn hình độ sáng cao, góc quan sát thoải mái. Chất lượng màu sắc hình ảnh của panel màn hình 5 inch trên Moto C Plus tuy có chút hạn chế về độ tương phản, nhưng cơ bản độ đồng nhất màu sắc vẫn ở mức khá, rõ nét cả với những ký tự co chữ nhỏ dù độ phân giải chỉ dừng lại ở mức HD 720p.
Với sức mạnh phần cứng như đã đề cập ở đầu bài, Moto C Plus cơ bản cũng không thua kém các sản phẩm trong phân khúc giá 3 triệu đồng. Về cơ bản, MediaTek MT6737 là mẫu SoC có thể cho hiệu năng ngang tầm với mẫu SoC Snapdragon 410 của Qualcomm. Nói khác đi, Moto C Plus có thể đáp ứng hầu hết tác vụ sử dụng hằng ngày của một người dùng phổ thông. Nhân đồ họa tích hợp Mali-T720 theo thông tin từ nhà sản xuất là mẫu GPU phổ thông và về lý thuyết cũng có thể cho khả năng cân các tựa game 3D trên kho Play Store với tốc độ và chất lượng đồ họa ở mức trung bình. Thực tế đo kiểm bằng các công cụ benchmark tại Test Lab cũng cho thấy rõ điều này khi điểm số hiệu năng chung cuộc Antutu của Moto C Plus dừng lại ở mức 29.417 điểm, cao hơn mức 26.984 của mẫu ZenFone Go TV từng thử nghiệm.
Kết quả hiệu năng Moto C Plus:
Quá trình hiện thực hóa số liệu cho thấy Moto C Plus không mảy may gặp bất kỳ trở ngại nào với các tác vụ hằng ngày như cập nhật tin tức online, giải trí với mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo. Tốc độ tải ứng dụng lần đầu tiên cũng như mở lại ứng dụng đang chạy nền hoàn toàn tương xứng với một sản phẩm phổ thông như Moto C Plus. Thử giải trí với một số tựa game 3D tốc độ như BB Racing, N.O.V.A L, Dead Trigger 2, Moto C Plus khá thành công khi không hề bị tình trạng đột ngột tắt ứng dụng giữa chừng và các hiệu ứng đồ họa game cũng được tái hiện khá đẹp mắt. Tốc độ khung hình cơ bản ở mức chấp nhận được và đủ để người dùng phổ thông giải trí hằng ngày. Thực tế sử dụng cũng cho thấy màn hình cảm ứng trên Moto C Plus cần nhiều lực và đôi khi không theo kịp các thao tác điều hướng tốc độ. Dẫu vậy, sẽ thật chủ quan nếu chê Moto C Plus về khoản điều khiển cảm ứng vì hầu như rất ít sản phẩm giá rẻ có độ nhạy màn hình cảm ứng tốt như mong đợi.
Về camera, sau thời gian sử dụng, Test Lab nhận thấy khả năng chụp ảnh của Moto C Plus cũng chỉ đủ để xem là yếu tố phụ, được nhà sản xuất “trang trí” thêm cho sản phẩm của mình. Công bằng mà nói, Moto C Plus cũng đáng được khen vì sở hữu cả đèn flash LED trước sau chất lượng màu sắc camera chính nhìn chung cũng khá ổn so với tầm giá trong môi trường ánh sáng tốt.
Riêng với pin, thử nghiệm thực tế cho thấy Moto C Plus trong vòng 30 phút sạc có thể đạt hơn 40% mức dung lượng pin. Một khi sạc đầy, Test Lab có thể sử dụng liên tục 2 ngày 1 đêm với các tác vụ cơ bản hằng ngày và tần suất nghe gọi ở mức trung bình.
Qua quá trình sử dụng và đánh giá hiệu năng bằng các công cụ benchmark, có thể khẳng định Moto C Plus đủ sức cân nhu cầu sử dụng hằng ngày của người dùng phổ thông cũng như người dùng đang tập tành làm quen với Android. So với các sản phẩm cùng phân khúc, Moto C Plus tuy chưa thực sự hoàn hảo, nhưng Test Lab đánh giá cao việc Motorola chọn cài đặt sẵn Android 7 Nougat với giao diện gần như nguyên bản, dễ làm quen thay vì lẹt đẹt với Android 6. Moto C Plus cũng có màn hình khá, ngoại hình cứng cáp, thời gian dùng pin tốt như mong đợi và cũng sạc khá nhanh. Thiết nghĩ, Moto C Plus có đầy đủ “tư cách” để tỏa sáng trong phân khúc smartphone Android phổ thông hiện tại.
đánh giá smartphone, điện thoại Motorola, Lâm Vũ, Motorola, Motorola Moto C Plus, smartphone Android, smartphone phổ thông, Test Lab