Do không độc hại và dễ phân hủy nên giấm gỗ là một lựa chọn quan trọng để làm thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng và bổ sung cho thức ăn gia súc, đã được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp ở các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Canada.
Giấm gỗ (còn gọi là pyroligneous acid, có tên tiếng Anh là wood vinegar) là chất lỏng màu nâu được sản xuất từ quá trình chưng cất gỗ và các vật liệu thực vật khác. Trong giấm gỗ bao gồm nhiều loại hợp chất hữu cơ nhưng khoảng 80-90% là thành phần nước. Trong 10-20% còn lại bao gồm rất nhiều các thành phần khác là các loại cồn, ester, axit, phenol, Aldehyd. Thành phần có nhiều trong giấm gỗ là axit axetic (từ 3-5%) và phenol (khoảng 5%).
Sản phẩm Dấm gỗ. |
Trên thế giới, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng giấm gỗ trong sản xuất nông nghiệp như cải tạo đất, bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng, bảo quản lương thực thực phẩm, kích thích tiêu hóa thức ăn cho vật nuôi, làm sạch môi trường có mùi hôi, rác thải. Ví dụ, sản phẩm giấm gỗ truyền thống với tên gọi Mokusaku dạng chai 1,5 lít chưng cất và tinh chế đã được bán với giá 680 yên ở Nhật.
Một số ảnh hưởng tích cực của giấm gỗ ứng dụng trong nông nghiệp:
Ở Việt Nam, giấm gỗ mới chỉ được biết đến bởi các tác dụng về khử mùi và chống nấm mốc đối với nhà cửa, còn ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thì chưa được quan tâm. Vì thế, giấm gỗ sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho ngành nông nghiệp ở nước ta. Hơn nữa, quá trình sản xuất ra giấm gỗ còn tạo ra một sản phẩm chính và rất quan trọng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ đó là than sinh học (Biochar).
Từ năm 2016, Công ty Cổ phần và Dịch vụ phân bón Bình Định (BIFFA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới (TARRC), cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm Dấm gỗ tại Việt Nam. Ngay sau khi sản xuất thử nghiệm thành công, sản phẩm Dấm gỗ đã được TARCC và Biffa thử nghiệm trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau như lúa, cây ăn trái (thanh long, nhãn, mãng cầu, xoài, ổi, chanh, cam, quýt, bưởi), rau màu (rau ăn lá và rau ăn trái các loại), hồ tiêu và cà phê. Đồng thời, sản phẩm cũng được sử dụng trong ủ phân bón, xử lý chuồng trại chăn nuôi, xử lý nấm mốc và chuột gián trong nhà đều cho hiệu quả rất tốt.
Các thử nghiệm sản phẩm Dấm gỗ của BIFFA và TARRC mặc dù vẫn đang trong thời gian thực hiện nhưng nhiều đối tượng cây trồng đã có biểu hiện tích cực rõ rệt về khả năng phòng trừ nấm khuẩn như là bệnh đốm nâu ở cây thanh long; nấm muội đen và rầy trên mãng cầu, ổi, cam, chanh, bưởi; bệnh sương mai và rầy xanh trên bầu, bí, mướp và dưa lê. Đặc biệt, ở mức pha loãng Dấm gỗ thích hợp (1:70), bệnh thối rễ ở lan hồ điệp trong vườn ươm cũng được cả thiện đáng kể.
Việc canh tác rau hữu cơ bằng việc sử dụng phân hữu cơ sinh học BotaniGro và giấm gỗ trong phòng trừ sâu bệnh hại đã chỉ ra tầm quan trọng của phân bón hữu cơ cũng như các chất thảo mộc đến sức khỏe cây, năng suất, chất lượng rau ăn lá và rau ăn trái. Cụ thể, Dấm gỗ ở mức pha loãng 40 – 60 lần có hiệu quả trong việc phòng trừ bệnh hại cho rau muống, dền tiều và mướp đắng với số lần phun định kỳ 7 ngày/lần. Bên cạnh đó, việc áp dụng giấm gỗ kết hợp dầu neem trong phòng bệnh cho cây giúp cải thiện đáng kể chất lượng đất canh tác.
Vì thế, trong định hướng canh tác nông nghiệp bền vững, giấm gỗ sẽ là sản phẩm sinh học giúp hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại góp phần bảo đảm chất lượng nông sản thực phẩm và môi trường nông nghiệp.
Thông tin liên hệ:
Phòng Cung cấp Thông tin - Trung Tâm Thông tin và Thống kê KHCN TP.HCM (CESTI) Địa chỉ: 79 Trương Định (lầu 1), phường Bến Thành, Q1, TP.HCM. Điện thoại: 028.38243826 – 028.38297040 (102-202-203) Email: cungcapthongtin@cesti.gov.vn Phòng Cung cấp Thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới, đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tư vấn, kết nối chuyên gia, hỗ trợ giải quyết vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Cesti, Hoàng Kim, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ