Việc sử dụng giấm gỗ trong nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần hạn chế lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, qua đó giảm thiểu nguy cơ gây suy thoái đất và chất lượng nông sản.
Nhằm giới thiệu và cung cấp thông tin về những xu hướng mới trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN TP. HCM (CESTI, thuộc Sở KHCN TP.HCM) ngày 18/8/2017 tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Xu hướng sản xuất và ứng dụng thảo mộc trong nông nghiệp hữu cơ. Giấm gỗ - sản phẩm mới của Việt Nam”.
Phân tích xu hướng nghiên cứu và ứng dụng thảo mộc trong nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế, ông Nguyễn Trung Hiếu (CESTI) cho biết tính đến tháng 7/2017 thì đã có có 57.934 dữ liệu sáng chế về thảo mộc được công bố tại 58 quốc gia và 2 tổ chức (WO và EP), được nghiên cứu và ứng dụng vào 3 ngành tiêu biểu là dược phẩm, nông nghiệp và thực phẩm. Riêng trong nông nghiệp, giấm gỗ được nghiên cứu và ứng dụng để sản xuất phân bón, điều chế thuốc diệt sinh vật gây hại và chế biến thức ăn gia súc.
Đại diện CESTI trình bày xu hướng nghiên cứu và ứng dụng thảo mộc trong nông nghiệp hữu cơ. |
Cụ thể hơn, đại diện CESTI cho hay việc nghiên cứu và ứng dụng giấm gỗ đang trở thành xu hướng trên thế giới trong những năm gần đây với 1.089 dữ liệu sáng chế đã được công bố (tính đến tháng 7/2017) tại 21 quốc gia và 2 tổ chức. Trong đó, 3 quốc gia dẫn đầu về công bố sáng chế nghiên cứu và ứng dụng giấm gỗ trong nông nghiệp là Nhật Bản (51,55%), Trung Quốc (31,71%) và Hàn Quốc (11,58%).
Theo Th.S Vũ Thị Quyền (Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp nhiệt đới TP.HCM), giấm gỗ là sản phẩm phụ thu được từ quá trình nhiệt phân gỗ (sản xuất than sinh học). Tại Việt Nam, công ty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định (BIFFA) đã đề xuất dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao và giấm gỗ sinh học từ nguyên liệu gỗ rừng trồng” và được Bộ KHCN phê duyệt giao trực tiếp thực hiện từ năm 2017.
Được biết, sản phẩm giấm gỗ của BIFFA đã được sản xuất thử nghiệm thành công, hoàn thiện kết quả thử nghiệm chính quy trên nhóm rau ăn lá (rau muống, rau dền) và rau ăn trái (mướp đắng), đồng thời đang được tiến hành thử nghiệm trực tiếp trên nhiều loại cây trồng khác như thanh long, ổi, cam, chanh... Sản phẩm này được hy vọng sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại, góp phần bảo đảm chất lượng nông sản và môi trường nông nghiệp.
Giám đốc CESTI Bùi Thanh Bằng phát biểu tại buổi báo cáo. |
Phát biểu tại buổi báo cáo, bà Bùi Thanh Bằng – Giám đốc CESTI khẳng định trong thời đại CMCN 4.0 như hiện nay thì việc ứng dụng những tiến bộ về KHCN vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là nhu cầu rất cấp thiết và quan trọng, bởi đây là yếu tố giúp doanh nghiệp có được những sản phẩm cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện phát triển bền vững. Trong thời gian tới, CESTI tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu công nghệ, các kỳ chợ công nghệ - thiết bị thường xuyên, tăng cường tiếp nhận các yêu cầu tìm kiếm công nghệ - thiết bị của doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ.
Hoàng Kim, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ