Công nghệ - Sản phẩm

Đổi mới sáng tạo KHCN ở cơ sở: cần thêm nhiều mô hình hiệu quả

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các quận huyện tại TP.HCM đã triển khai tổng cộng 78 đề án, dự án ứng dụng KHCN cho các phòng ban, đơn vị và doanh nghiệp.

Ngày 20/7/2017, Sở KHCN TP.HCM tổ chức buổi giao ban sơ kết công tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại quận huyện 6 tháng đầu năm 2017 nhằm tiếp tục truyền đạt và cổ vũ tinh thần cán bộ quận – huyện tìm ra những mô hình cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp đang hoạt động ở cơ sở.

Phát biểu khai mạc buổi giao ban, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KHCN TP.HCM đánh giá cao nỗ lực ứng dụng và phát triển các mô hình ứng dụng KHCN của ở 24 quận - huyện, đồng thời chỉ rõ trong mục tiêu đến năm 2020 thì TP.HCM có 500.000 doanh nghiệp (hiện nay đã có hơn 300.000 doanh nghiệp) thì vấn đề quan trọng là những doanh nghiệp sắp thành lập còn lại phải hoạt động làm sao thực sự hiệu quả, tức là có sản phẩm – dịch vụ mang lại giá trị cao hoặc có năng suất lao động cao.

Quang cảnh buổi giao ban.

Khẳng định vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước là thúc đẩy những doanh nghiệp mới hình thành trên cơ sở tạo sản phẩm dịch vụ gia tăng cao từ đổi mới sáng tạo và ứng dụng KHCN, ông Dũng mong muốn đại diện cán bộ các quận huyện sẽ cố gắng tác động để tạo điểm nhấn hết sức cụ thể bằng những mô hình hiệu quả thực sự, sau đó dần lan tỏa mở rộng.

Vì vậy, theo ông Dũng, vấn đề nhận thức là hết sức quan trọng khi muốn doanh nghiệp tái tổ chức, tái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ cơ sở phải tìm hiểu và theo sát nhu cầu của doanh nghiệp trong việc ứng dụng KHCN, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, gia tăng sức cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một vấn đề nữa mà ông Dũng yêu cầu cán bộ cơ sở chú ý triển khai là hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, kể cả những người đang kinh doanh hoặc có ý định tái khởi nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các quận huyện đã chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu, liên kết và triển khai 54 đề án, dự án ứng dụng KHCN cho các phòng ban, đơn vị và 24 đề án, dự án ứng dụng KHCN cho các cơ sở, doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận huyện.

Các quận huyện cũng tổ chức 61 lớp tập huấn cho các nhóm đối tượng là cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cán bộ quản lý cấp quận huyện, phường xã (4.447 người tham dự).

Phòng kinh tế các quận huyện đã phối hợp Thanh tra Sở KHCN TP.HCM, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành kiểm tra 545 doanh nghiệp với các đối tượng chính: mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, cột đo xăng dầu, cân kỹ thuật, cân thông dụng, hàng đóng gói sẵn, khí dầu mỏ hóa lỏng.

Sở KHCN TP.HCM đã lựa chọn triển khai hỗ trợ 7 dự án ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp: Xây dựng mô hình công nghệ nuôi thương phẩm tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii, De Man 1879) toàn đực theo hướng ViệtGAP tại quận 9; Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giống và sản xuất tại HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, huyện Củ Chi; Xây dựng mô hình chăn nuôi tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng đến môi trường trong chăn nuôi bò sữa tại HTX TM-DV-SX Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; Chuyển giao giống heo có nguồn gốc Đan Mạch tại HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, huyện Củ Chi; Nhân giống lan Mokara cắt cành bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật tại HTX lan Huyền Thoại, huyện Củ Chi; Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt tại huyện Nhà Bè; Thiết kế, chế tạo thiết bị sấy áp dụng hiệu ứng nhà kính với dàn sấy tự động cho cá sặc rằn tại HTX thủy sản Tương Lai, huyện Củ Chi. 

PCWorld

đổi mới sáng tạo, Hoàng Kim, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        3,453,269       601