Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp KHCN

Sở KHCN TP.HCM ngày 18/4/2017 phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (thuộc Bộ KHCN) tổ chức buổi Hội thảo Giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Tính đến tháng 3/2017, Sở KHCN TP.HCM tiếp nhận 35 hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Trong đó, Sở đã cấp 29 Giấy chứng nhận cho 29 đơn vị, còn lại 9 hồ sơ không đáp ứng điều kiện chứng nhận (chủ yếu do không chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả KHCN hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi).

TP.HCM luôn đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sản phẩm KHCN.

Đặc biệt, toàn bộ 29 đơn vị được Sở cấp Giấy chứng nhận đều là doanh nghiệp, không có hình thức tổ chức KHCN công lập chuyển đổi sang doanh nghiệp.

Theo báo cáo năm 2016, doanh thu sản phẩm KHCN ở các doanh nghiệp KHCN đạt gần 523 tỷ đồng. Doanh thu phát sinh chủ yếu từ những doanh nghiệp đã và đang triển khai mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Những doanh nghiệp mới thành lập trên cơ sở phát triển công nghệ hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN hiện chưa có doanh thu.

Đại diện Sở KHCN TP.HCM cho biết từ đầu năm 2017, Sở ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ chứng nhận cho 75 doanh nghiệp KHCN. Theo đó, Sở sẽ hỗ trợ kinh phí tư vấn, khảo sát đánh giá tiềm năng nghiên cứu, đổi mới KHCN của các doanh nghiệp và hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN.

Để xác định các doanh nghiệp có tiềm năng đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN, Sở KHCN TP.HCM đã xây dựng kế hoạch và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các trường ĐH, Viện, Trung tâm nghiên cứu, Hiệp hội, Vườn ươm… để rà soát lập danh mục doanh nghiệp tiềm năng. Trên cơ sở đó, Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, tư vấn giúp doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký.

TP.HCM đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm có hàm lượng KHCN cao.

Bên cạnh đó, Sở KHCN TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp KHCN từ việc chuyển giao những kết quả nghiên cứu có khả năng thương mại hóa tốt từ các đề tài, dự án cấp Thành phố cho các doanh nghiệp để ươm tạo, từ đó thành lập doanh nghiệp KHCN.

Triển khai tích cực hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các thủ tục, trình tự triển khai nghiên cứu KHCN, Sở KHCN TP.HCM đã kết hợp tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện theo biểu mẫu quản lý đề tài, hồ sơ lưu chứng của Nhà nước song song việc kết nối với chuyên gia, hội đồng khoa học nhằm đánh giá chính xác kết quả và tiềm năng thương mại hóa sản phẩm đạt được trong đề tài, dự án nghiên cứu.

Mặt khác, thông qua nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Sở đã đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai đề tài nghiên cứu KHCN theo cơ chế đồng đầu tư, hoàn thiện và chuyển giao kết quả nghiên cứu tiềm năng cao cho doanh nghiệp áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Sở cũng đẩy mạnh hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp hình thành và phát triển sản phẩm KHCN để thành lập doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, đào tạo về sở hữu trí tuệ, từ đó tạo nguồn lực phát triển doanh nghiệp KHCN.

Một nhóm startup giới thiệu sản phẩm tại Saigon Innovation Hub (thuộc Sở KHCN TP.HCM).

Dù Sở KHCN TP.HCM đã công bố bộ thủ tục về đăng ký cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN trên trang web của Sở để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện, nhưng công tác thẩm định hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN đang vấp phải những thách thức không nhỏ khi khó xác định lĩnh vực KHCN mà doanh nghiệp đăng ký, đặc biệt ở những lĩnh vực rộng như công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường.

Không chỉ thế, công tác thẩm định còn gặp khó khi doanh nghiệp KHCN không chứng minh được kết quả KHCN do chính doanh nghiệp tự đầu tư (nhân lực, trang thiết bị, kinh phí) khi trình tự và hồ sơ nghiên cứu không được thực hiện đầy đủ.

Một khó khăn khác quá trình triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp KHCN của Sở là các chính sách chưa được cụ thể hóa như chính sách được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm, chính sách ưu đãi về giá cho thuê đất, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Qua đó, đại diện Sở KHCN TP.HCM khẳng định Bộ ngành trung ương cần có các chính sách rõ ràng và mạnh mẽ, giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo động cơ thúc đẩy doanh nghiệp đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Bên cạnh đó, Sở còn đề xuất Bộ KHCN triển khai Thông tư 17 và Thông tư 06 thống nhất và đồng bộ giữa các đơn vị liên quan như tài chính, thuế và KHCN để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp KHCN đầu tư trang thiết bị và công nghệ, phát triển quy mô sản xuất kinh doanh.  

PCWorld

doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Hoàng Kim, khoa học công nghệ, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        1,840,420       45