Công nghệ - Sản phẩm

Smartphone trông chờ phần mềm

Doanh số bán smartphone toàn cầu trong năm 2016 dự kiến đạt 1,45 tỷ máy, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 0,6%, theo IDC.

Phần cứng ngày càng tẻ nhạt, thiết kế thiếu tính đột phá, năm qua dù smartphone thế hệ mới vẫn được các hãng đều đặn tung ra nhưng không còn cảnh người dùng đua nhau đặt hàng, chen nhau nhờ mua. Sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm là Galaxy Note 7 thì đáng tiếc lại xảy ra sự cố cháy nổ hàng loạt khiến Samsung phải ngậm ngùi nhận quả đắng.

May mắn là vẫn có tin tốt. Phần mềm và dịch vụ cho điện thoại đang có xu hướng bùng nổ nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) có những bước tiến đột phá. Xu hướng thực tế ảo có thể sẽ là động lực mới thúc đẩy thị trường smartphone, theo nhận định của công ty nghiên cứu thị trường IDC. 

Những chuyển dịch quan trọng trong làng smartphone

Trong bối cảnh thị trường smartphone diễn biến không thuận lợi, nổi lên sự kiện Qualcomm chấp nhận tốn tới 47 tỷ USD trong thương vụ kỷ lục thâu tóm NXP Semiconductors NV. Nhà sản xuất chip smartphone lớn nhất thế giới dường như đang tìm kiếm những cơ hội lớn hơn vượt ra ngoài smartphone vốn đem lại doanh thu chủ yếu cho công ty nhưng lợi nhuận đã giảm trông thấy. Không riêng gì Qualcomm, ngành công nghiệp bán dẫn đang chuyển mình với những vụ sáp nhập đình đám trong vòng 2 năm qua: SoftBank của Nhật đồng ý mua lại ARM Holdings, nhà thiết kế chip ARM của Anh với giá 32 tỷ USD; Avago Technologies chi 37 tỷ USD để thâu tóm Broadcom; Intel thì bỏ ra gần 17 tỷ USD để có được Altera - nhà sản xuất chip lập trình được; NXP thâu tóm Freescale Semiconductor với giá 11,8 tỷ USD.

Tăng trưởng chậm khiến cạnh tranh trên thị trường smartphone càng khốc liệt. Trong tốp 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, xuất hiện hàng loạt cái tên Trung Quốc như Oppo, Xiaomi, Lenovo, ZTE, Vivo. Những thương hiệu lừng lẫy một thời như BlackBerry, Nokia, Motorola và cả Microsoft có vẻ chẳng còn kỳ vọng gì. Samsung và Apple vẫn là những thế lực lớn, nhưng người khổng lồ Huawei đến từ Trung Quốc đang nổi lên thách thức trực diện cả hai không chỉ tại quê nhà mà ở qui mô toàn cầu. 

Kể từ ngày Apple công bố iPhone lần đầu tiên, đến nay đã 10 năm. Thị trường smartphone liên tục bùng nổ nhiều năm liền về số lượng, đỉnh điểm là tốc độ tăng trưởng 75,8% vào năm 2010. Nhưng rồi tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng năm giảm dần xuống 10% vào năm 2015. Dự kiến trong năm 2016 chỉ có thể tăng 0,6%, theo IDC. Công ty nghiên cứu thị trường Gartner ước tính mức tăng doanh số cao hơn, vào khoảng 4,5% trong năm 2016, so với 14,4% trong năm 2015, nhưng dự báo doanh số bán smartphone cao cấp như iPhone và các dòng Galaxy S của Samsung sẽ giảm 1,1%.

Có những yếu tố đang ngăn cản đà phát triển của thị trường smartphone. Người dùng giờ đây có xu hướng giữ chiếc smartphone của mình lâu hơn, không còn hào hứng thay mới như những năm trước, theo nhận định của IDC. Công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ cho rằng, với 1,45 tỷ chiếc smartphone bán ra trên toàn thế giới trong năm 2016, thị trường đã tới lúc bão hòa. Thậm chí những thị trường đã phát triển như Mỹ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước Tây Âu đang có chiều hướng đi xuống, sẽ tăng trưởng âm trong giai đoạn 2015 – 2020. Các nhà mạng ở Mỹ gần đây đã bỏ hình thức hỗ trợ giá cho các thuê bao ký hợp đồng sử dụng dịch vụ dài hạn, mọi khách hàng đều phải trả tối thiểu 649 USD để sở hữu iPhone 7. Do vậy, người tiêu dùng sẽ chậm thay đổi smartphone của họ: Trong quí 3/2016, Citigroup đưa ra con số ước tính thời gian thay thế điện thoại sẽ kéo dài 31,2 tháng, so với dưới 24 tháng trong năm 2011. 

Thị trường smartphone chờ cú hích mới

Vài cải tiến smartphone năm qua về phần cứng, gồm trang bị camera kép và khả năng chống thấm nước, có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng doanh số bán đạt 2 con số trong tương lai gần, theo kỳ vọng của một số nhà phân tích.

Một số tính năng khác có thể đem lại triển vọng tăng trưởng cho thị trường như màn hình gập để điện thoại có thể dùng thoải mái như máy tính bảng nhưng lại dễ dàng đút túi quần. Những tiến bộ trong thực tế ảo tăng cường (AR) vượt ra ngoài những trò chơi thông thường cũng đang được trông đợi để thúc đẩy thị trường smartphone. Tin tốt là Google đã giới thiệu hệ điều hành Daydream dành riêng cho kính thực tế ảo hoạt động kết hợp với smartphone.

Trong khi cải tiến phần cứng không còn tạo nên sự hào hứng cho thị trường thì phần mềm đang có những thay đổi lớn nhờ những lợi thế từ công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn phát triển cùng trí tuệ nhân tạo. Giao diện giọng nói đang trở thành xu hướng chủ đạo với các trợ lý ảo Siri của Apple, Alexa của Amazon, và Google Assistant ngày càng thông minh hơn. Đặc biệt Alexa đã có màn phô trương đặc sắc, thống trị sàn diễn CES 2017 – triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới trong năm. Các nhà sản xuất phần cứng đã trình diễn những sản phẩm của mình với khả năng điều khiển và giám sát qua Alexa theo rất nhiều cách sáng tạo khác nhau. Họ cho thấy trợ lý ảo đã sẵn sàng kết hợp với đủ loại thiết bị trong gia đình, văn phòng cho đến những chiếc ô tô lăn bánh trên đường.

Dù iPhone vẫn đem lại doanh thu lớn cho Apple, nhưng công ty dường như không còn quá phụ thuộc vào doanh số bán thiết bị. Mảng dịch vụ, bao gồm Apple Pay và App Store, có doanh thu tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,3 tỷ USD trong quý cuối năm 2016. Con số này chỉ mới bằng khoảng 22% so với doanh thu do iPhone đem về, nhưng doanh thu từ iPhone đã giảm 13%. CEO Tim Cook cho biết mảng kinh doanh dịch vụ đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua. 

Năm 2016 các nhà phát triển ứng dụng đã kiếm được 20 tỷ USD trên App Store, tăng 40% so với năm 2015. Theo tính toán của giới phân tích thì tương ứng với con số này Apple thu về không dưới 8 tỷ USD từ cửa hàng ứng dụng trực tuyến của mình.

Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm mà Apple đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực smartphone. Google cũng đang nỗ lực đi theo hướng này. Sau nhiều năm chuyên tâm phát triển hệ điều hành di động Android miễn phí cho các nhà sản xuất phần cứng, mà kết quả đã có mặt trên 85% số smartphone bán ra trên toàn thế giới năm qua, tháng 10 vừa qua người khổng lồ phần mềm cũng đã tung ra điện thoại Pixel của riêng mình.

Với các công ty phần cứng khác, ngày càng gian nan giành miếng bánh thị phần khi thị trường tăng trưởng chậm lại. Smartphone đang chờ cú hích mới để lại bùng nổ, và trở thành thiết bị quan trọng để điều khiển các thiết bị trong nhà.  

PC World VN 02/2017

PCWorld

android, Apple, Google, Smartphone, smartphone Android, Thương Huyền, trợ lý ảo


      © 2021 FAP
        3,456,683       669