Ưu điểm của mẫu Access Point này chính là hỗ trợ nhiều tính năng hữu ích, linh hoạt trong việc quản lý, thích hợp cho nhu cầu triển khai mạng Wi-Fi trong môi trường doanh nghiệp, trung tâm tổ chức hội nghị, nhà hàng và khách sạn.
Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố luôn được giới SysAdmin cũng như các đơn vị tư vấn, triển khai mạng máy tính đặc biệt quan tâm khi chọn mua các thiết bị mở rộng mạng Wi-Fi đó chính là cách thức lắp đặt, cấu hình phải thật đơn giản, nhưng đồng thời vẫn cung cấp nhiều tính năng hỗ trợ cho việc quản lý đầu ra của hệ thống mạng.
Chính điều này, nhiều nhà sản xuất thiết bị mạng đã nhanh chóng tung ra một số dòng sản phẩm nhằm đáp ứng được các tiêu chí trên của người dùng, trong đó không thể không kể đến D-Link với mẫu DAP-2230.
Theo đó, DAP-2230 là thiết bị đóng vai trò điểm truy cập không dây (Access Point - AP), giúp người dùng dễ dàng, nhanh chóng tạo và mở rộng hệ thống mạng có sẵn tương tự các mẫu Wi-Fi router và AP thông dụng trên thị trường.
Hơn nữa, vì được tích hợp chuẩn 802.3af Power over Ethernet (PoE) nên người dùng có thể đặt DAP-2230 ở bất cứ đâu mà không cần sự hiện diện của ổ điện, dĩ nhiên là thiết bị mạng lớp trên như AP hay Router phải hỗ trợ chuẩn PoE.
Ngay từ khi khui hộp, Test Lab thực sự bị thuyết phục bởi khả năng chuyên dụng trong việc treo tường hoặc ốp trần nhà của DAP-2230 thông qua hàng loạt phụ kiện đi kèm đều được nhà sản xuất tính toán, trang bị "tận răng" cho người dùng.
Lấy ví dụ, với một bộ phận bằng kim loại (1 cố định trên mặt sau thiết bị, 1 có thể gắn ốc ở phần nhựa treo tường), Test Lab nhận định có lẽ nhà sản xuất đã thiết kế bộ phận này nhằm mục đích giữ cố định cáp mạng LAN hoặc dùng để treo thiết bị này tại những vị trí không cố định trong thời gian dài.
Bộ phận bằng kim loại sẽ giữ cho dây PoE luôn thẳng, tránh bị cong gãy khi áp tường. |
Không những vậy, nếu ướm thử các bộ phận rời bằng nhựa, chắc chắn bạn sẽ nghĩ ngay đến việc dùng để cố định thiết bị này trên mặt phẳng nằm ngang.
4 bộ phận bằng nhựa để giữ thiết bị cố định trên mặt phẳng. |
Hơn nữa, dù được thiết kế cho mục đích chính là ốp trần với đầy đủ phụ kiện đi kèm như đã nhắc đến ở phần trên, người dùng vẫn có thể đặt DAP-2230 trên bàn làm việc hoặc tại nơi cần thu sóng Wi-Fi cho các thiết bị chỉ có kết nối bằng cáp mạng như máy tính để bàn, Smart TV,...
Trong khi đó, một góc ở mặt dưới được khoét rộng làm nơi chứa cổng nguồn (dùng qua adapter) và cổng LAN. Các đường rãnh được thiết kế sao cho việc đi dây trở nên gọn gàng hơn.
Về lý thuyết, D-Link DAP-2230 chỉ hỗ trợ băng tần 2,4GHz, hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 802.11n, cho tốc độ tối đa đạt 300Mbps và hoàn toàn tương thích với mọi thiết bị chuẩn 802.11b/g.
Bên cạnh đó, với 2 anten ngầm đẳng hướng (omni-directional) có độ lợi 3dBi, DAP-2230 cho ra một vùng phủ sóng rộng cũng như hiệu suất ổn định.
Test Lab nhận thấy, mặc dù chỉ hỗ trợ tốc độ tối 300Mbps ở chuẩn N, nhưng DAP-2230 rất phù hợp hệ thống mạng Wi-Fi dành cho những khu vực đông người, nơi mà ít ai quan tâm đến việc mình sẽ kết nối vào chuẩn hoặc băng tần nào.
Nhiều tính năng cơ bản và nâng cao
Đối với những người chỉ cần thiết lập một mạng Wi-Fi đơn giản dành cho gia đình hoặc văn phòng cỡ nhỏ, D-Link đã tóm lược rất chi tiết thao tác cấu hình DAP-2230 trong các tài liệu đi kèm, người dùng chỉ cần làm theo hướng dẫn là đã sẵn sàng sử dụng thiết bị này.
Khi đã vào đến giao diện Home, bạn có thể tùy chỉnh một số thiết lập cơ bản, chẳng hạn như chọn chế độ vận hành (Multi Mode), tạo và quản lý đa SSID,... tương tự các Wi-Fi router hoặc AP thông dụng.
Giao diện Home với hàng loạt tính năng, từ cơ bản đến nâng cao. |
Theo đó, DAP-2230 cung cấp 4 chế độ hoạt động gồm: Access Point, Wireless Distribution System (WDS), WDS with AP, và Wireless Client, cho phép thiết bị này thích nghi với mọi nhu cầu triển khai mạng không dây tại hộ gia đình, văn phòng hay doanh nghiệp.
Cụ thể, với chế độ Access Point (AP), DAP-2230 có thể kết nối với mọi thiết bị tương thích với chuẩn 802.11b/g/n.
Trong khi đó, chế độ WDS with AP có khả năng mở rộng vùng phủ sóng mà không dùng đến cáp mạng, tương tự tính năng Repeater trên một số mẫu router hoặc AP.
Ngoài ra, với chế độ Wireless Client, DAP-2230 sẽ đóng vai trò như một thiết bị thu sóng Wi-Fi và cấp đường ra Internet cho cổng Ethernet chuẩn 10/100.
Ngoài SSID mặc định, DAP-2230 cũng cho phép tạo thêm 7 SSID khác với tên, mật khẩu, chuẩn mã hóa dữ liệu 64/128-bit WEP, chế độ bảo mật WPA/WPA2 và một số chuẩn mã hóa khác dành cho doanh nghiệp. Qua đó, người quản trị có thể chia vùng kết nối cho từng nhóm người dùng, chẳng hạn như SSID dành cho khối văn phòng, hoặc mạng Guest dành riêng cho khách vãng lai.
Bên cạnh đó, DAP-2230 cũng hỗ trợ một số thiết lập khác như MAC Filter, Bandwidth optimization,Schedule (quản lý thời gian cấp phát SSID), vô hiệu hóa chế độ SSID Broadcast để hạn chế những thiết bị không mong muốn truy cập vào mạng nội bộ, giúp việc quản lý hạ tầng mạng Wi-Fi sẽ trở nên đơn giản hơn.
Không chỉ vậy, Test Lab cũng đánh giá cao về tính năng Captive Portal, khá hữu ích dành cho nhóm người dùng đang tìm kiếm giải pháp xác thực bảo mật dành cho cửa hàng, quán cafe thay vì phương pháp dùng mật khẩu truyền thống.
Về cơ bản, Captive Portal cho phép người dùng xác thực mật khẩu để ra Internet thông qua một giao diện trang web sau khi kết nối vào mạng Wi-Fi mở. Bằng cách này, mỗi người dùng sẽ đươc cung cấp một mã riêng cho một lần sử dụng dịch vụ, người quản trị cũng không phải lo lắng với việc thay đổi mật khẩu như truyền thống. Hơn nữa, người quản trị cũng có thể giới hạn thời lượng truy cập của mỗi mã, chẳng hạn như 2 giờ, để nhắc người dùng không nên dùng dịch vụ quá mức.
Theo đó, trong giao diện Captive Portal, tính năng này cho phép bạn chọn SSID và một số tùy chọn xác thực bảo mật, chẳng hạn như Web Redirection Only, Username/Password, Passcode,...
Ngoài ra, DAP-2230 còn được tích hợp một số tính năng dành cho người dùng chuyên nghiệp như VLAN, RF optimization, Wireless resource (tương tự tính năng Roamming trên các dòng Wi-Fi router và AP) hoặc SNMP để cấu hình và quản lý các điểm truy cập.
Quản lý từ xa với Central Wi-Fi Manager
Đáng chú ý trên, DAP-2230 còn được tích hợp Central Wi-Fi Manager (CWM), một giải pháp quản lý hạ tầng mạng mới của D-Link, cho phép người quản trị dễ dàng quản lý nhiều thiết bị AP trên nhiều hệ thống mạng khác nhau mà không mất chi phí đầu tư ban đầu.
Nhà sản xuất cho biết, chỉ cần cài đặt bộ công cụ CWM, người dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc mở rộng hệ thống mạng không dây có sẵn bất cứ khi nào phần mềm này phát hiện điểm truy cập (AP) được kết nối vào.
Tuy nhiên, trong quá trình cài đặt thử nghiệm, Test Lab thực sự rất vất vả mới có thể tải về chính xác phiên bản của CWM, mô-đun cho DAP-2230 (tương tự trình điều khiển trên Windows) cũng như các tài liệu hướng dẫn đi kèm.
Do vậy, Test Lab sẽ tóm lược các bước thực hiện thông qua chuỗi hình ảnh sau:
Đầu tiên, bạn hãy tải bộ cài đặt CWM tại đường dẫn http://download.hq.dlink.com/CWM-100/
Lưu ý, bộ cài đặt Central Wi-Fi Manager này có thể xung đột với thư viện mở rộng Microsoft Visual C++ 2008 Redistributable nếu như thư viện này đã được cài đặt trước đó. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chắc chắn rằng DAP-2230 đã có thể ra mạng Internet thông qua cổng LAN bằng cách thiết lập thông số trong giao diện cấu hình LAN của thiết bị này.
Một khi đã cài đặt hoàn tất, để có thể truy cập vào CWM bằng trên cùng mạng nội bộ (PC và thiết bị di động), bạn chỉ cần truy cập vào địa chỉ IP của máy tính được cài đặt phần mềm CWM.
Khác với tính năng mydlink (dùng qua hệ thống máy chủ của D-Link), việc quản lý từ xa DAP-2230 thông qua CWM cơ bản sẽ liên quan đến tính năng chuyển tiếp cổng (port forwarding hoặc còn được gọi là NAT) để thiết bị ngoài mạng nội bộ có thể truy cập từ xa vào máy tính đang chạy phần mềm CWM và thực hiện các tương tác trên dịch vụ webserver.
Để kiểm thử thực tế, Test Lab đã thiết lập tính năng chuyển tiếp cổng trên moderm Wi-Fi router iGate GW040 của nhà mạng VNPT với thông số mặc định là 443 (trong quá trình cài đặt), sau đó truy cập vào trang Ping.eu để chắc chắn rằng port đã được mở. Khi website trả về kết quả rằng port đã mở, Test Lab đã có thể truy cập từ xa vào ứng dụng CWM và cấu hình DAP-2230 như đang thực hiện trong mạng nội bộ.
Ngoài ra một số tính năng cơ bản, CWM cũng tích hợp tính năng Wireless resource, giúp thiết bị nhận có khả năng tự động ngắt và chuyển kết nối Wi-Fi sang một AP tương thích khác một cách mượt mà, nhanh gọn thay vì chờ cho thiết bị mất kết nối hoàn và tự động kết nối vào mạng Wi-Fi tương tự.
Bên cạnh đó, với tính năng RF optimization, CWM sẽ tự động phân bổ sóng trong trường hợp thiết bị gần nhất trong hệ thống gặp trục trặc. Điều này giúp hạn chế tối đa tình trạng mất tính hiệu trong một khu vực nhất định.
Giá tham khảo: 2,7 triệu đồng
đánh giá router, DAP-2230, Đức Tiến, router D-Link, Test Lab đánh giá