Công nghệ - Sản phẩm

Ryzen: bình minh cho AMD?

AMD đang vượt lên thách thức Intel với những bộ xử lý thế hệ mới nhất – Ryzen, có hiệu năng cao và giá hấp dẫn.

Trong những năm qua, hiếm khi thấy Intel bán những bộ xử lý hiệu năng cao (tương ứng với các đời Core i5 trở lên) ở mức giá thấp hơn 175USD. Với Ryzen, rõ ràng AMD sẽ có nhiều lợi thế hơn về giá, chỉ là còn phụ thuộc nhiều vào hiệu năng trải nghiệm game sau cùng. Thậm chí ngay cả khi Ryzen không thể “lật kèo” Intel thì sự trở lại của AMD vẫn là một tin tuyệt vời cho thị trường CPU.

Hồi đầu tháng 1/2017, AMD đã công bố hàng loạt bo mạch chủ socket AM4 chạy bộ xử lý Ryzen từ 5 nhà sản xuất ASRock, Asus, Biostar, Gigabyte, MSI trong khuôn khổ triển lãm CES 2017. Bên cạnh đó, AMD cũng trưng bày những dàn máy PC “trong mơ” trang bị BXL Ryzen do 17 nhà sản xuất máy tính hàng đầu thiết kế. AMD và các đối tác cũng đồng thời cam kết hỗ trợ những người đam mê công nghệ, giới game thủ và những người sáng tạo có thể tùy chọn lắp ráp những chiếc PC thế hệ mới ấn tượng thông qua nhiều lựa chọn bo mạch chủ và trang bị những giải pháp tản nhiệt đột phá cho Ryzen - thế hệ CPU 14nm mới toanh của AMD. 

AMD khoe dàn PC chuyên game chạy BXL Ryzen.

Ryzen “so găng” 8 nhân 

Là sự thay đổi kiến trúc lớn đầu tiên của AMD kể từ thế hệ Bulldozer, BXL Ryzen được thiết kế dành cho các hệ thống máy chủ, PC và kể cả máy tính All-in-One (có nhiều tên mã khác nhau như Summit Ridge, Naples, Raven Rigde). 

Ở thời điểm ra mắt đầu tiên, AMD giới thiệu BXL Ryzen có 8 nhân và 16 luồng xử lý, chạy ở tốc độ 3,4GHz với 20MB cache (thông số kỹ thuật này tương ứng với mẫu Ryzen 7 1700X). Ryzen tối ưu đến từng nhân đơn cho các game engine, hỗ trợ các hàm đồ họa API mới nhất cũng như các thư viện đồ họa DirectX 12 và Vulkan, đồng thời sở hữu hàng loạt công nghệ mới như Neural Net Prediction, Smart Prefetch, Pure Power, Precision Boost hay Extended Frequency Range.

Bộ xử lý AMD Ryzen.

Những phép đo thống kê ban đầu cho thấy AMD Ryzen bản 3,4GHz (Ryzen 7) nhỉnh hơn một chút so với BXL Broadwell-E 8 nhân nhanh nhất của Intel là Core i7-6900K. Đáng chú ý hơn, mức tiêu thụ điện (TDP) của Ryzen 7 chỉ bằng 2/3 so với đối thủ (95W so 140W), đồng thời giá bán dự kiến chỉ xấp xỉ 50% (Core i7-6900K có giá tới 1.100USD). Do đó, Ryzen là “vũ khí chiến lược” giúp AMD bước đầu phá thế thống trị của Intel, cung cấp cho game thủ thêm sự lựa chọn mới khi cần một dòng BXL mạnh mẽ và đáng tin cậy cho chiếc PC chuyên game.

Kết hợp cùng với Vega - thế hệ BXL đồ họa AMD cao cấp tiếp theo, Ryzen mang sứ mệnh tấn công trực diện vào thị trường máy tính cao cấp, lấy lại hình ảnh một AMD hùng mạnh. Trong khuôn khổ sự kiện New Horizon, AMD đã trình diễn “bộ PC chơi game trong mơ” kết hợp giữa CPU Ryzen và GPU Vega cực kỳ ấn tượng khi chạy bản DLC Rogue One của trò chơi Star Wars Battlefront ở độ phân giải 4K vượt mức 60 khung hình mỗi giây (fps). 

“Cặp đôi” Ryzen và Vega.

Trong những kiến trúc CPU trước, AMD sử dụng một loạt các giao thức và các kênh giao tiếp, bao gồm Hyper Transport với các chuẩn như CCIX (Cache Coherent Interconnect for Accelerators). Ở Ryzen, thay vì phải theo dõi từng giao thức, mọi thứ đã có thể trao đổi thông qua công nghệ Infinity Fabric nhằm tăng cường khả năng tiết kiệm điện năng và tăng cường hiệu suất.

Loạt công nghệ mới được AMD trang bị cho Ryzen.

Đi đầu trong các công nghệ hỗ trợ cho Ryzen là Neural Net Prediction - có thể tự thiết lập và nạp sẵn các hướng dẫn giúp BXL chạy nhanh hơn theo cách dự đoán nhu cầu khối lượng dữ liệu mà ứng dụng cần xử lý. 

Kế đó, Pure Power có vẻ như là sự kết hợp mạnh mẽ của hai công nghệ PowerNow (cho CPU) PowerTune (cho GPU) mà AMD đã từng chia sẻ những ý tưởng tương tự với kiến trúc đồ họa Polaris 10 năm ngoái. Thông qua hàng trăm cảm biến có trên BXL, Pure Power theo dõi và tối ưu hóa hiệu suất nhằm giúp BXL chạy nhanh nhất chỉ khi cần thiết nhằm duy trì khả năng tiêu thụ điện năng ở mức thấp nhất có thể. Pure Power có mối liên kết chặt chẽ với công nghệ Precision Boost khi tăng hiệu suất nhưng vẫn khống chế điện năng.

Những công nghệ tăng tốc như Turbo Core (AMD) hay Turbo Boost (Intel) đã quá quen thuộc khi cho phép CPU tự động thay đổi xung nhịp, thậm chí vượt trội hơn xung nhịp được đảm bảo tối thiểu, cho phép các BXL 4 nhân, 6 nhân, 8 nhân hay thậm chí là 10 nhân có thể cung cấp luồng hiệu suất đơn tương đối giống thiết kế BXL lõi kép trong khi vẫn có thể xử lý dữ liệu đa luồng mà không tốn ngân sách quá cao. Precision Boost thì thú vị hơn khi cho phép điều chỉnh mức tăng xung nhịp nhỏ nhất đến từng 25MHz (so với 100MHz ở CPU Intel). Bên cạnh đó, dải tần số mở rộng Extended Frequency Range (XFR) còn đáp ứng một số mức ép xung dành riêng những người thích sử dụng tản nhiệt chất lỏng, có thể tăng tốc hiệu năng thêm khoảng 300MHz (5-10%) khi cần thiết. 

Chọn chipset chạy Ryzen

Ryzen chạy trên bo mạch chủ socket AM4 1331-pin (nhiều chân hơn LGA-1151 của Intel hiện tại) với 3 dòng chipset riêng biệt gồm X370, B350 và A320, tương ứng theo các dòng chipset Intel Z270, H270 và H210 chạy BXL Kaby Lake. Không chỉ hỗ trợ tối đa 64GB bộ nhớ RAM DDR4 chạy kênh đôi (dual-channel), các bo mạch chủ AM4 sẽ hỗ trợ thêm các giao tiếp USB 3.1 Gen2 (10Gbps) và M.2 NVMe cho nhu cầu trải nghiệm game tốc độ nhanh. 

Là chipset cao cấp nhất cho Ryzen nên X370 sẽ hỗ trợ ép xung CPU ở mức cao nhất, hỗ trợ đồ họa kép SLI/CrossFireX, có đến 36 làn PCIe 3.0. Tuy nhiên, chưa rõ liệu chipset X370 có dành 32 làn cho card đồ họa rời (hai giao tiếp PCIe 3.0 x16) và 4 làn cho các kết nối khác với BXL như đồn đoán hay không.

Ở phân khúc thấp hơn, chipset B350 sẽ hỗ trợ ép xung CPU ít hơn X370, có thể vẫn hỗ trợ đồ họa kép. Trong khi đó, A320 là phiên bản chipset cơ bản của AM4, không hỗ trợ ép xung CPU và chỉ chạy 1 card đồ họa rời. Ngoài ra, AMD còn có chipset X300/A300 đáp ứng nhu cầu ráp máy tính nhỏ gọn chạy BXL Ryzen.

Bo mạch chủ chuyên game Biostar Racing X370GT7.

Ryzen hiệu năng cao, giá hấp dẫn

AMD từng có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng CPU x86 như kiến trúc K8 ra mắt năm 2003. và kiến trúc Bulldozer năm 2011. Sáu năm sau (2017), AMD “đại tu” CPU với Ryzen.

Đó là một tin vô cùng khả quan bởi trước khi Ryzen ra mắt, trong một thời gian rất dài -khoảng 11 năm dưới “đế chế” Intel Core, mỗi khi ráp PC chơi game cấu hình tầm trung (từ 1.000USD trở lên), người dùng thường ưu ái lựa chọn BXL Core i5/i7. Đó là vì kiến trúc AMD Bulldozer không thể nào đọ lại được các đời Intel Core tương ứng luôn chiếm phần thắng bởi tốc độ nhanh và hiệu năng cao hơn hẳn. Thêm vào đó, chiến thuật giá rẻ hơn của AMD lại càng khiến nhiều người dùng chỉ nghĩ đến BXL AMD khi ráp PC rẻ tiền. 

Điều này không phải là tốt cho cả người dùng Intel hay AMD bởi thị trường luôn cần sự cạnh tranh. Với Ryzen, nhiều khả năng AMD có thể để lại dấu ấn hiệu năng ở thị trường BXL. 

Từ cách đặt tên Ryzen cho thấy AMD không ngại ngần đưa sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các dòng BXL Intel. Kể cả khi AMD không thể tuyên bố dẫn đầu về hiệu năng với Ryzen, thì hiệu năng vượt trội của BXL mới so với Core i5 sẽ rất đáng kể, nhất là khi Ryzen có giá bán thấp hơn hẳn. 

Những biến thể của kiến trúc Bulldozer như Piledriver, Steamroller hay Excavator trong vòng 5 năm qua sử dụng chung module đa luồng CMT (clustered multi-threading). Tất cả đã thay đổi với Ryzen bởi AMD thay thế CMT bằng SMT (simultaneous multi-threading) 4 nhân/8 luồng cho thế hệ BXL mới, tương tự kiến trúc Intel Core. Kể cả khi không hỗ trợ SMT thì những dòng Ryzen phổ thông cũng có 4 nhân/4 luồng. 

Ở thời điểm mở bán, AMD sẽ tung ra khoảng 9 phiên bản Ryzen gồm 3 bản Ryzen 7, 4 bản Ryzen 5 và 2 bản Ryzen 3.

Ryzen hỗ trợ game tốt hơn Core?

Ryzen là bước tiến gần Intel nhất mà AMD tạo được trong gần 1 thập kỷ qua. Mặc dù ít khả năng mong đợi Ryzen sẽ chiến thắng những BXL nhanh, mạnh của Intel nhưng hiệu năng và giá rẻ sẽ là ưu thế mang AMD đến gần số đông game thủ hơn. Thế nên sự ra mắt của Ryzen là nỗi đe dọa không hề nhỏ vị trí dẫn đầu về tốc độ mà Intel đang nắm giữ.

Về khả năng chạy game, do chưa có những phép đo thực nên khó đánh giá, đặc biệt là khi kết hợp với những chiếc card đồ họa mạnh mẽ như GeForce GTX 1080. Và vẫn còn đó yếu tố đa nhân, khi mà về lý thuyết thì thư viện đồ họa DX12 cho phép trò chơi hoạt động với nhiều nhân CPU, nhưng đến nay ít game chạy quá 4 nhân. Bởi lẽ đó, BXL 8 nhân/16 luồng có thể là rất tuyệt cho giới công nghệ, nhưng dân game thực sự chỉ chờ đón Ryzen 4 nhân/8 luồng là đã đủ chơi lắm rồi.

Ở phân khúc tầm trung, Ryzen 5 1600X (BXL Ryzen 5 mạnh nhất) thậm chí còn cho điểm số cao hơn cả Intel Core i7-6850K và Core i7-7700K ở phép thử CPU-Z Multi thread (đa luồng). Ở phân khúc cao cấp, Ryzen 7 1700X nhỉnh hơn Core i7-6900K 4% và "bứt gân" Core i7-6800K đến 39% trong phép thử Cinebench R15 nT.  

Kết quả thử nghiệm bằng Cinebench R15nT.

Tuy nhiên, những BXL Core hiện tại lại có ưu thế hơn do có sẵn đồ họa tích hợp Intel HD Graphics, trong khi Ryzen thì không. Đây sẽ là trở ngại lớn ngăn cản Ryzen với những người dùng không có nhu cầu mua thêm card đồ họa rời. Bù lại, Ryzen vẫn hỗ trợ các hệ điều hành Windows 7/8.1 (đang tương thích tốt cho nhiều tựa game), trong khi BXL Kaby Lake lại bắt buộc chạy Windows 10.  

9 điều cần biết về AMD Ryzen: 

1. Là thế hệ CPU 14nm FinFET đầu tiên của AMD. Phiên bản Ryzen cao nhất có 8 nhân và 16 luồng xử lý.

2. Rút ngắn bước nhịp ép xung: Precision Boost hỗ trợ ép xung CPU từng 25MHz.

3. Công suất thoát nhiệt (TDP) thấp: 65-95W.

4. Hỗ trợ các giao tiếp tốc độ nhanh: PCIe 3.0, USB 3.1 Gen2, M.2 NVMe.

5. Hỗ trợ nhiều hệ điều hành Windows: 7/8.1/10.

6. Tương thích bo mạch chủ socket AM4 1331-pin (chipset X370, B350, A320, X300, A300).

7. Có sẵn sàng 9 bản Ryzen: 2 bản Ryzen 3, 4 bản Ryzen 5 và 3 bản Ryzen 7.

8. Tương thích BXL đồ họa AMD Vega (sắp ra mắt).

9. Giá bán dự kiến: 129-499USD.

PC World VN 03/2017 

PCWorld

AMD, bo mạch chủ, bộ xử lý Intel, CPU, gaming gear, Hồng Linh, phần cứng game, Ryzen


      © 2021 FAP
        1,952,745       34