Công nghệ - Sản phẩm

Ứng dụng CNTT phục vụ dân sinh

Có thể khẳng định rằng, TP.HCM đang quyết liệt đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý - điều hành, và hơn hết là phục vụ người dân thông qua một số dịch vụ trực tuyến cũng công cụ điện tử, từng bước khẳng định TP.HCM là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại.

Từ truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Bắt đầu từ ngày 16/12/2016, Sở Công thương TP.HCM chính thức vận hành đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thông qua ứng dụng di động TE-FOOD (tải về miễn phí từ App Store hay Play Store).

Đây là đề án thuộc dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, tại các quầy hàng, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone được cài sẵn ứng dụng TE-FOOD để truy xuất thông tin “nguồn gốc” về miếng thịt như trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ, chợ đầu mối, chủ sạp, chợ bán lẻ, tiểu thương…; hoặc sử dụng thiết bị chuyên dụng được các siêu thị, điểm kinh doanh cung cấp.

Ngoài ra, ứng dụng TE-FOOD còn có thêm tính năng “gợi ý” các địa điểm bán thịt heo sạch ở khu vực lân cận bằng bản đồ theo chế độ thời gian thực.

“Bằng cách truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ nơi chăn nuôi, giết mổ đến điểm bán, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm đã lựa chọn được những sản phẩm thịt heo sạch, an toàn”, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cũng khẳng định thêm rằng, heo xuất chuồng sẽ được đeo vòng nhận diện có khắc mã vạch QR code chứa các thông tin về trang trại chăn nuôi, và các thông tin ở những công đoạn tiếp theo (đến cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, chợ, siêu thị bán lẻ). Thịt khi bán ra thị trường sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Khách hàng đang truy xuất nguồn gốc thịt heo bán tại một cửa hàng SatraFood.

Được biết, tem được dán lên các khoanh thịt bán ra thị trường là tem sử dụng công nghệ colorgram theo tiêu chuẩn châu Âu, có khả năng chống giả.  Trên tem có bảng 5 màu để nhận diện, kèm theo mã QR code, tên tiểu thương.

Qua mỗi công đoạn, thông tin về sản phẩm thịt heo sẽ được lưu trữ trên hệ thống quản lý TE-FOOD. Hệ thống quản lý TE-FOOD có thể lưu trữ tất cả thông tin về nguồn gốc thịt heo từ 5-10 năm.

Cũng theo đại diện Sở Công thương Thành phố, trong giai đoạn đầu, việc nhận diện, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ bán lẻ.

Đến giai đoạn 2 (từ tháng 3/2017), đề án sẽ triển khai việc quản lý theo chu trình khép kín của hoạt động sản xuất, chăn nuôi, đó là ngay từ lúc heo mới sinh cho đến khi thịt được phân phối tới tay người tiêu dùng.

… đến “né” kẹt xe nhờ ứng dụng trực  tuyến

Được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đánh giá là một giải pháp phi công trình thú vị, là nỗ lực lớn giúp ích cho vấn đề giao thông của thành phố khi cho phép người dân nắm bắt thông tin giao thông, có thể thấy rằng Cổng thông tin giao thông TP.HCM được Sở GTVT Thành phố đưa vào vận hành từ những giáp Tết Đinh dậu 2017 đã thực sự mang lại nhiều tín hiệu khả quan về một thành phố thông minh, thành phố của sự kết nối liền mạch và liên tục.

Cụ thể, Cổng thông tin giao thông TP.HCM trên nền bản đồ số trực tuyến hoạt động tại website giaothong.hochiminhcity.gov.vn, hoặc ứng dụng chạy trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android và cả iOS (Ứng dụng TTGT TP.HCM).

Người dân TP.HCM hiện có thể tham khảo trực tuyến tình trạng giao thông trong khu vực từ Cổng thông tin giao thông TP.HCM - giaothong.hochiminhcity.gov.vn.

Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết Cổng thông tin giao thông TP.HCM hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần để phục vụ người dân Thành phố.

Trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện vận tải lưu thông trên địa bàn Thành phố, dữ liệu từ hệ thống camera giám sát giao thông cùng các dữ liệu chuyên ngành giao thông khác, Cổng thông tin giao thông TP.HCM thực hiện cung cấp 4 nhóm thông tin cơ bản bao gồm Cung cấp thông tin tình trạng giao thông theo thời gian thực, Cung cấp công cụ hỗ trợ tư vấn cho người dân về lộ trình lưu thông, Cung cấp thông tin tiện ích giao thông trên đường, và Cung cấp công cụ tương tác với người sử dụng. 

Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Văn Khoa cùng lãnh đạo một số Sở, ngành thực hiện nghi thức khởi động Cổng thông tin giao thông TP.HCM.
 

Cụ thể, người dùng có thể tham khảo thông tin về tình trạng giao thông tại khu vực sắp di chuyển đến hay khu vực hiện tại, xem camera giao thông ở một địa điểm bất kỳ được hỗ trợ, tìm kiếm đường đi, các địa điểm ăn uống, trạm xăng hay nhà vệ sinh công cộng.

Khi xem tình trạng kẹt xe, ứng dụng sẽ hiển thị các đoạn đường đang có tình trạng lưu thông chậm trên bản đồ bằng vệt màu đỏ, còn các đoạn không kẹt xe sẽ là màu xanh. Bên cạnh đó, các khu vực đang có kẹt xe cũng được cảnh báo bằng các ô nhỏ đặt phía dưới giao diện (đối với phiên bản web cho máy tính). 

Theo kế hoạch, Sở Công Thương TPHCM sẽ sớm trình UBND thành phố đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hòa, đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng sẽ có sự tham gia của bốn chủ thể gồm trại cung cấp con giống; trại, cơ sở chăn nuôi; cơ sở giết mổ và các đơn vị thương mại. 

Theo đó, trên ứng dụng TE-FOOD đã áp dụng để truy xuất nguồn gốc thịt heo, ban quản lý đề án sẽ thiết kế thêm phần để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng. Nếu đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo ở giai đoạn này mới chỉ truy xuất được nguồn gốc heo từ cổng trang trại tới bàn ăn thì đề án truy xuất nguồn gốc gia cầm sẽ truy xuất được nguồn gốc gia cầm từ khi sinh ra cho tới khi tới tay người tiêu dùng.

Nét mới của đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng là cung cấp các công cụ hỗ trợ để điện tử hóa chu trình VietGAP. Bên cạnh đó, đề án sẽ thực hiện ghi chép điện tử tự động, có hệ thống quản lý kho điện tử...

Thành phố thông minh: Tất cả vì người dân

Theo lời ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, TP.HCM đang triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ đột phá, trong đó xây dựng thành phố thông minh là giải pháp quan trọng, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh sẽ giúp TP.HCM phát triển ngày càng nhanh, mạnh hơn.

“Đồng thời, kết quả đề án này gắn với Đề án Chính quyền đô thị của Thành phố”, ông Tuyến cho hay.

Đề án Đô thị thông minh TP.HCM sẽ tập trung vào 3 nội dung lớn, đó là: xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch của chính quyền, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng trung tâm dữ liệu mở dùng chung cho xã hội và cung cấp các dịch vụ tiện ích cho người dân trong các lĩnh vực như quy hoạch thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh…

Cũng theo ông Tuyến, mục tiêu cơ bản của thành phố thông minh là nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân và quản lý hiệu quả đô thị, từ đó làm nền tảng cho phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường…

“Như vậy, người dân chính là đối tượng trực tiếp thụ hưởng các dịch vụ công tiện ích từ mô mình quản lý đô thị hiện đại này. Qua đó có thể thấy người dân cũng sẽ góp phần xây dựng, phát triển dịch vụ, thông qua việc sử dụng, phản hồi thông tin cho dịch vụ đó. Người dân còn cung cấp thông tin cũng như tham gia giám sát hoạt động của chính quyền với mô hình quản lý công khai, minh bạch”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố chia sẻ.

Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng từng khẳng định đô thị thông minh là để phục vụ chất lượng cuộc sống của người dân, để người dân có chất lượng sống tốt hơn. 

Từ 18/1/2017, người tiêu dùng tại TP.HCM cũng đã có thể sử dụng smartphone  để truy xuất nhiều sản phẩm rau của hai hợp tác xã Phú Lộc và Phước An bán ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Phước Trung – GĐ Sở NT&PTNT TP.HCM, sản phẩm rau truy xuất nguồn gốc sẽ có mặt tại các điểm của siêu thị Co.opmart (33 điểm), Big C, Lotte và AEON với số lượng 5,3 tấn/ngày từ hai HTX nói trên. 

Khi tham gia vào chương trình truy xuất nguồn gốc rau, nông dân ở hai HTX Phú Lộc và Phước An sẽ phải nhập thông tin về chủng loại, nhật ký canh tác (ngày giờ bón phân, thu hoạch…), sơ chế, đóng gói…

Các loại rau tham gia truy xuất nguồn gốc này là cải ngọt, cải xanh, cải ngồng, cải thìa, mồng tơi, rau mát, rau dền, rau muống, bồ ngót, rau lang, cần nước… Sản phẩm trước khi ra thị trường sẽ dán tem có mã QR để người mua có thể dùng điện thoại kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm trực tiếp dùng smartphone truy xuất nguồn gốc rau.

Khác với việc truy xuất thịt lợn (phải tải ứng dụng TE-FOOF riêng của Sở Công thương TPHCM), khi truy xuất nguồn gốc rau, người mua chỉ cần dùng ứng dụng đọc mã QR hay ứng dụng Zalo để quét lên những con tem dán trên sản phẩm rau được bao gói. Từ đó, người tiêu dùng có thể biết được thông tin về nguồn gốc của sản phẩm, quá trình canh tác ở nông trại, quá trình vận chuyển, sơ chế, đóng gói sản phẩm đến khi sản phẩm được bày bán ở siêu thị.

Mô hình truy xuất nguồn gốc rau an toàn được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 1 đến hết tháng 3/2017) sẽ tiến hành thí điểm tại HTX Phước An, HTX Phú Lộc và Công ty CP Kỹ thuật Việt - Veetek Farm (huyện Củ Chi); giai đoạn 2 (từ tháng 4 đến hết năm 2017) sẽ tiến hành mở rộng ra tất cả HTX kinh doanh rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn Thành phố.

Truy xuất nguồn gốc rau thông qua ứng dụng trên smartphone.

PC World VN 03/2017

PCWorld

Anh Khoa, CNTT phục vụ dân sinh, thành phố thông minh, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,617,152       1,427