Công nghệ - Sản phẩm

Khai thác và thương mại hóa sáng chế: Còn nhiều vướng mắc!

(PCWorldVN) Từ năm 2000 đến nay, thương mại hóa sáng chế luôn là quá trình gian nan và nhiều thách thức đối với cả nhà sáng chế lẫn cơ quan quản lý, đặc biệt là các sáng chế thuộc sở hữu Nhà nước.

Sở KHCN TP.HCM ngày 28/2/2017 tổ chức buổi tọa đàm Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa đối với sáng chế nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi kinh nghiệm và tìm biện pháp phát triển việc thương mại hóa sáng chế.

Trong phần trình bày về thời điểm và các hình thức thương mại hóa sáng chế, bà Hoàng Tố Như – Phó Trưởng phòng Sở hữu Trí tuệ (Sở KHCN TP.HCM) đã không ngần ngại đặt thẳng câu hỏi với đại diện các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu KHCN rằng “cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ như thế nào để phát triển thương mại hóa sáng chế?”.

Bà Hoàng Tố Như đặt vấn đề về thương mại hóa sáng chế.

Trước sự thiếu hụt đội ngũ chuyên gia hỗ trợ tư vấn của doanh nghiệp, PGS.TS. Huỳnh Quyền - Phó Trưởng ban KHCN tại ĐHQG.TPHCM nêu ý kiến đề xuất Sở KHCN Thành phố cần tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ thực tế của doanh nghiệp để xây dựng đội ngũ tư vấn phù hợp, đồng thời tài trợ kinh phí thuê chuyên gia giúp doanh nghiệp tăng cơ hội và khả năng thương mại hóa sáng chế.

Mặt khác, ông Quyền cũng đề nghị cần chia sẻ công khai cơ sở dữ liệu về những sáng chế đã đăng ký giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu và khai thác.

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một số vấn đề cần xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Thương mại hóa sáng chế là quá trình chuyển hóa sáng chế dưới dạng hình thái tri thức sang dạnh hình thái vật chất (sản phẩm hàng hóa) và gắn với thị trường. 

Kể về những thách thức trong kinh nghiệm tự thương mại hóa sáng chế, ông Đặng Mậu Chiến đến từ Viện Công nghệ Nano – ĐHQG TP.HCM nêu thực trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ không có bộ phận nghiên cứu, rất cần ý tưởng đổi mới công nghệ nhưng lại không có kinh phí mua những sáng chế trên 500 triệu đồng, trong khi đó doanh nghiệp lớn thì lại thích nhập công nghệ từ nước ngoài hơn.

Theo đó, ông Chiến đề nghị Sở KHCN TP.HCM dành kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện ứng dụng những sáng chế trong nước, như vậy cũng giúp cho các nhà khoa học có nhiều cơ hội bán được sáng chế hơn bởi thực tiễn cho thấy các cá nhân, tổ chức nghiên cứu KHCN rất khó tự mình thực hiện việc thương mại hóa sáng chế.

Qua 3 gói tài trợ cho các đề tài nghiên cứu KHCN dành cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Thanh – Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết Sở khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nhau, liên kết với các tổ chức nghiên cứu KHCN để hình thành chuỗi phát triển mạnh hơn trong nhu cầu hoàn thiện sản phẩm hoặc sản xuất thử nghiệm trước khi tiến hành thương mại hóa sáng chế.

Ông Thanh khẳng định Sở KHCN Thành phố không tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp mà sẽ thông qua các tổ chức nghiên cứu KHCN.

Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Khắc Thanh khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nhau trong việc khai thác, thương mại cũng như ứng dụng sáng chế.

Cụ thể, Sở tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho tổ chức KHCN nhằm phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Sau đó, những doanh nghiệp khác có nhu cầu tương tự sẽ liên hệ với tổ chức KHCN đó để được hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, Sở sẽ không tài trợ cho các cá nhân thương mại hóa sản phẩm mà cần thông qua các vườn ươm, nhằm xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm hoàn chỉnh hoặc hình thành doanh nghiệp/startup với mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm ra thị trường.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra trong buổi tọa đàm là việc làm thế nào để “cởi trói” cho nhu cầu khai thác những sáng chế thuộc sở hữu Nhà nước, bởi phần lớn doanh nghiệp đang vướng mắc ở nhiều điểm như thủ tục xin cấp phép sử dụng sáng chế, mức định giá sáng chế không phù hợp… khiến nhiều cơ hội thương mại hóa sáng chế bị bỏ lỡ.

Thách thức này đang khiến nhiều doanh nghiệp lẫn Sở trăn trở vì chưa tìm được lối ra.

PCWorld

bằng sáng chế, Hoàng Kim, sở hữu trí tuệ, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,624,537       812