Công nghệ - Sản phẩm

Bo mạch chủ chuyên game Asus Strix Z270E Gaming

(PCWorldVN) Strix Z270E Gaming là bo mạch chủ không tinh giản, đáp ứng nhu cầu 'gắn đủ thứ' trên máy tính chạy bộ xử lý Intel Kaby Lake của game thủ giàu kinh nghiệm.

Mặc dù những bo mạch chủ dùng chipset Intel 100-series như Biostar Racing Z170GT7 vẫn có thể hỗ trợ bộ xử lý Intel Kaby Lake thế hệ thứ 7, nhưng các nhà sản xuất phần cứng đã bắt đầu tung ra đời bo mạch chủ dùng chipset Intel 200-series với sự cải tiến rầm rộ về hiệu năng lẫn tính năng, như có nhiều hơn 1 giao tiếp M.2 và hỗ trợ công nghệ mới Intel Optane Memory (khi sử dụng bộ xử lý Kaby Lake).

Bo mạch chủ ROG Strix Z270E Gaming và vỏ hộp.

Ở thời điểm chào đón bộ xử lý Kaby Lake, Asus tung ra đến 10 bo mạch chủ chipset Intel 200-series chia đều cho 2 dòng sản phẩm chủ lực: ROG Maximus IX phục vụ phân khúc người dùng cao cấp và ROG Strix Gaming phục vụ giới game thủ.

Phụ kiện đi kèm ROG Strix Z270E Gaming.

Là bo mạch chủ đầu tiên trong dòng sản phẩm ROG Strix chipset Intel 200-series, Asus Strix Z270E Gaming có kích thước chuẩn ATX (305x244 mm), lớn hơn Strix Z270I Gaming chuẩn Mini-ITX và Strix Z270G Gaming chuẩn m-ATX. Nhờ đó, Strix Z270E Gaming có nhiều giao tiếp hơn 2 mẫu bo mạch chủ kia, chẳng hạn như có giao tiếp DVI-D (2 bo mạch chủ kia lược bỏ) và đến 7 giao tiếp PCIe. Rất nhiều cho nhu cầu "gắn đủ thứ"!

Bo mạch chủ ROG Strix Z270E Gaming.

Trang bị chipset Intel Z270, Strix Z270E Gaming sử dụng socket Intel LGA-1151 hỗ trợ bộ xử lý Kaby Lake thế hệ thứ 7, đồng thời cũng hỗ trợ bộ xử lý Skylate thế hệ thứ 6 (nếu người dùng vẫn sử dụng CPU cũ). Tuy nhiên, sự khác biệt về CPU dẫn đến sự khác biệt về vấn đề hỗ trợ hệ điều hành Windows.

Cụ thể, theo khuyến cáo của Asus, các hệ điều hành Windows 8.1 bản 64-bit và Windows 7 bản 32/64-bit chỉ được hỗ trợ nếu người dùng sử dụng bộ xử lý Skylate thế hệ thứ 6 trên bo mạch chủ Strix Z270E Gaming. Do đó, để đảm bảo máy tính hoạt động bình thường, người dùng nên sử dụng Windows 10 bản 64-bit khi chạy bộ xử lý Kaby Lake cùng bo mạch chủ Strix Z270E Gaming.

Về bộ nhớ RAM, Strix Z270E Gaming có 4 khe DIMM gắn DDR4, hỗ trợ tổng dung lượng tối đa 64GB cùng công nghệ Intel Extreme Memory Profile (XMP) và kiến trúc kênh đôi (dual channel). Khe DIMM bị cố định 1 đầu và người dùng chỉ thao tác tháo lắp RAM bằng đầu còn lại.

Bo mạch chủ ROG Strix Z270E Gaming hỗ trợ 4 khe RAM DDR4.

Ở thiết lập mặc định bo mạch chủ hỗ trợ RAM chạy ở bus 2.133MHz nhưng có thể đạt đến tối đa bus 3.866MHz trong thiết lập ép xung. So với Strix Z270E Gaming thì Strix Z270I Gaming và Strix Z270G Gaming hỗ trợ RAM chạy ép xung ở bus tối đa cao hơn, lần lượt là 4.266MHz và 4.000MHz.

Như đã nêu, Strix Z270E Gaming có 2 giao tiếp M.2 Socket 3, gồm M.2_1 (SATA và PCIe 3.0 x4) ở gần rìa bảng mạch và M.2_2 (PCIe 3.0 x4) dưới socket gắn CPU. Do đó, người dùng có thể trang bị đến 2 ổ SSD tốc độ cao sử dụng giao tiếp này, cũng như sử dụng ổ SSD dùng công nghệ Intel Optane Memory (dùng kèm bộ xử lý Kaby Lake).

Giao tiếp M.2_1.
Giao tiếp M.2_2.

Mặt khác, bo mạch chủ này còn có đến 6 giao tiếp SATA 6Gb/s, đáp ứng nhu cầu cần gắn nhiều ổ lưu trữ dung lượng lớn, nhất là đối với game và phim.

Ở phần mặt nạ sau I/O, Strix Z270E Gaming có module Wi-Fi mạ vàng (để gắn anten), 2 giao tiếp USB 3.1 (Type-A và Type-C), 2 giao tiếp USB 3.0, DVI- D, DisplayPort, HDMI, cổng LAN và jack cắm âm thanh SupremeFX 8 kênh.

Mặt nạ sau I/O.

Hỗ trợ đồ họa tích hợp Intel HD Graphics ở độ phân giải tối đa 4.096x2.304 (chia sẻ 512MB RAM), Strix Z270E Gaming có thể xuất hình ảnh ra 3 màn hình qua 3 giao tiếp: DVI-D (1.920x1.200 @60Hz), HDMI 1.4b (4.096x2.304 @24Hz), DisplayPort 1.2 (4.096x2.304 @60Hz).

"Màu mè" nhờ I/O.

Không như nhiều bo mạch chủ trước đây chỉ hỗ trợ 1 chế độ đồ họa Multi-GPU của NVIDIA hoặc AMD, Strix Z270E Gaming hỗ trợ cả SLI (2-way) lẫn CrossFireX (3-way) giúp người dùng dễ dàng lựa chọn và sử dụng nhiều card đồ họa rời phù hợp túi tiền. Bên cạnh đó, Strix Z270E Gaming cũng tặng kèm cầu nối SLI HB Bridge để sử dụng cho card đồ họa GeForce GTX.

Gắn card đồ họa vào PCIe 3.0 x16 an toàn hơn nhờ SafeSlot.

Nhằm đảm bảo chế độ Multi-GPU hoạt động ổn định, Asus còn trang bị công nghệ SafeSlot giúp gắn chặt các card đồ họa vào 2 giao tiếp PCIe x16.

Về âm thanh tích hợp, Strix Z270E Gaming sử dụng bộ mã (codec) SupremeFX S1220A HD Audio 8 kênh mới, hỗ trợ các tiện ích Sonic Rada III và Sonic Radio III giúp cải thiện âm thanh khi chơi game và nghe nhạc, xem phim.

Âm thanh tích hợp SupremeFX (trái).

Ngoài ra, đĩa đi kèm Strix Z270E Gaming còn cung cấp miễn phí các tiện ích như Asus RAMcache giúp tối ưu bộ nhớ RAM, Game First IV giúp tinh chỉnh ưu tiên băng thông kết nối Internet cho game cùng một số phần mềm khác.

PCWorld

Asus, Asus ROG, Bo mạch chủ, bo mạch chủ chơi game, Hồng Linh, Kaby Lake, mainboard, phần cứng game


      © 2021 FAP
        2,530,485       526