(PCWorldVN) Nghiên cứu cho thấy dù không cầm điện thoại để nghe gọi, người điều khiển xe vẫn bị giảm đáng kể khả năng tập trung trên đường và có thể gặp tai nạn.
Những tưởng chỉ có việc nghe gọi điện thoại trong lúc đang điều khiển xe là điều có thể gây nguy hiểm cho người ôm vô lăng cũng như người đi đường và việc sử dụng các hệ thống thoại rảnh tay là biện pháp an toàn, hợp lệ hơn.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất, mức độ nguy hiểm giữa 2 cách nghe/gọi điện thoại này là như nhau.
Việc nghe điện thoại bất kể là trực tiếp hay rảnh tay đều có mức độ gây phân tâm như nhau với người cầm vô lăng. |
Cụ thể, theo nghiên cứu khoa học do tiến sỹ Shimul Haque tại QUT (Đại học Công nghệ Queensland (Úc) chủ trì tìm hiểu về các yếu tố gây mất tập trung trong khi lái xe, mức độ gây xao nhãng khi người dùng trực tiếp nghe điện thoại và khi người dùng nghe/gọi rảnh tay là như nhau. Được biết, nghiên cứu này được thực hiện trong một môi trường thử nghiệm trong đó mô phỏng những điều kiện giao thông khác nhau như thực tế với 2 nhóm người, một nhóm trực tiếp cầm điện thoại trên tay để nghe gọi, nhóm còn lại sử dụng thiết bị hỗ trợ thoại rảnh tay trên xe hơi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 2 nhóm người tham gia thử nghiệm đều có tốc độ phản ứng chậm như nhau và nếu so với người không nghe điện thoại trong lúc điều khiển xe, tốc độ phản ứng của nhóm người nghe điện thoại khi lái xe chậm hơn đến 40%. Theo giải thích từ nhóm nghiên cứu, điều này tương đương với việc người dùng sẽ có phản ứng chậm hơn trong cự ly 11m khi xe đang di chuyển với vận tốc 40km/h. Nghiên cứu cũng chỉ ra cho thấy người dùng bị phân tâm vì nghe điện thoại bất kể là trực tiếp hay rảnh tay trong khi điều khiển xe đều có khuynh hướng thắng gấp.
Lý giải cho nguyên nhân gây thiếu sự tập trung khi vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, theo nhóm nghiên cứu là do não người khi đó chỉ ưu tiên xử lý những thông tin từ cuộc gọi thay vì xử lý những thông tin ở môi trường xung quanh. Nói nôm na là người điều khiển xe khi đó sẽ không thấy những gì trước mắt cho dù họ rõ ràng đang nhìn chằm chằm vào người/xe cộ ở trên đường.
May mắn là nghiên cứu của QUT cũng chỉ ra cho thấy việc trao đổi, nói chuyện trong lúc điều khiển xe giữa người cầm lái và người khác không gây phân tâm như khi chính người điều khiển xe nghe điện thoại vì hành khách trên xe sẽ tự ngừng trao đổi với người cầm vô lăng khi phát hiện có những tình huống phức tạp trên đường.
đàm thoại rảnh tay, điện thoại thông minh, lái xe, Mai Hoa, Smartphone, xe hơi