Công nghệ - Sản phẩm

Thái Lan và Việt Nam hợp tác triển khai ISO/IEC 29110

(PCWorldVN) Các đơn vị Thái Lan, Hội Tin học TP.HCM và công ty Lạc Việt đã ký kết hợp tác phát triển nền kinh tế số khu vực và triển khai quy trình phát triển phần mềm ISO/IEC 29110.

Sáng 19/12, Hội Tin học TP.HCM - HCA tổ chức Hội thảo Giao thương Kinh tế Số – Hợp tác Triển khai Tiêu chuẩn ISO/IEC 29110 Thái Lan – Việt Nam.

Đây là hội thảo mang đến cái nhìn tổng quan về tầm quan trọng của một chứng nhận quản lý chất lượng phần mềm, nhất là đối với với các công ty gia công phần mềm tại Việt Nam.

Đại diện HCA ký kết hợp tác cùng với đại diện Câu lạc bộ Công nghệ Thông tin thuộc Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan

Tiêu chuẩn Quản lý chất lượng phần mềm không chỉ khẳng định bước phát triển tất yếu của các tổ chức trong thời đại kinh tế tri thức, kết tinh của quy chuẩn và sáng tạo cho cách hoạt động của tổ chức mà còn giúp khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

ISO/IEC 29110 là một trong những quy chuẩn quốc tế – đưa ra giải pháp tối ưu trong quá trình kiểm soát, đo lường và kiểm tra các quy trình phát triển phần mềm. ISO/IEC 29110 đã được triển khai và công nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Tiêu chuẩn này ra đời để hỗ trợ cho những doanh nghiệp phần mềm nhỏ và vừa, siêu nhỏ nhận được chứng chỉ quốc tế cùng mức chi phí hợp lý chỉ chiếm khoảng 10% so với con số đầu tư ít nhất 100.000USD cho chuẩn CMM/CMMI mà theo số liệu ECCI năm 2015 chỉ có hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng và nguồn lực để đạt được chuẩn này.

Tại hội thảo cũng đã diễn ra khóa đào tạo về triển khai chuẩn ISO/IEC 29110 do Câu lạc bộ Công nghệ Thông tin thuộc Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) thực hiện với sự hỗ trợ từ Hội Tin học TP.HCM.

Ngoài ra, khóa đào tạo thứ hai về nền tảng khởi nghiệp với chủ đề “IBM Bluemix – Nền tảng Công nghệ Điện toán Đám mây IBM – PaaS” cũng sẽ là một nội dung nổi bật của chương trình.

PCWorld

CMM, CMMI, gia công phần mềm, sản xuất phần mềm, Thạch An


      © 2021 FAP
        2,533,846       273