Công nghệ - Sản phẩm

Giảm 90% thời gian xử lý bồi thường với Audatex

(PCWorldVN) Với các phương pháp thẩm định thiệt hại, giải pháp Audatex giúp giảm thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam từ hàng tuần, hàng tháng xuống chỉ còn tính bằng giờ.

Sáng ngày 6/12, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận giữa Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt với công ty Audatex (thuộc tập đoàn Solera) nhằm triển khai giải pháp bồi thường bảo hiểm xe cơ giới Audatex tại Việt Nam.

Ông Đỗ Trường Minh - quyền Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, đơn vị này hằng năm chi trả hơn 150.000 vụ bồi thường xe cơ giới với số tiền chi trả lên tới nghìn tỷ đồng.

“Với số lượng ô tô tư nhân ở Việt Nam tiếp tục gia tăng, Bảo hiểm Bảo Việt tự tin cung cấp dịch vụ, phục vụ tốt trước và sau bán hàng, góp phần nâng mức tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm xe ô tô đáng kể trong thời gian tới, ông Minh chia sẻ.

Nghi thức ký kết thỏa thuận giữa Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Audatex.

Audatex hiện được biết đến như là nhà cung cấp các giải pháp phần mềm quốc tế, chuyên cung cấp dữ liệu, dịch vụ phần mềm xử lý các hồ sơ khiếu nại về bảo hiểm ô tô tự động và công ty có 50 năm bề dày kinh nghiệm và hoạt động trên 70 thị trường trên toàn thế giới. Theo các điều khoản ký kết, Audatex sẽ cung cấp cho Bảo Việt sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất trong quản lý và chi trả bảo hiểm mà Audatex đã triển khai thành công tại nhiều thị trường lớn trên thế giới, sản phẩm được hỗ trợ bởi một trong những cơ sở dữ liệu online 24/7 về ngành công nghiệp ô tô lớn nhất thế giới.

Dịp này, phóng viên PC World Vietnam đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Brian Seldess - Giám đốc điều hành Audatex khu vực châu Á - Thái Bình Dương để hiểu rõ hơn về giải pháp Audatex cũng như những lợi ích mà Audatex mang lại cho các dịch vụ bảo hiểm của Bảo Việt trong thời gian tới.

Theo ông Brian Seldess, Giám đốc điều hành Audatex khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết với các phương pháp thẩm định thiệt hại một cách khoa học, chính xác, giải pháp Audatex giúp giảm thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam từ hàng tuần, hàng tháng xuống chỉ còn tính bằng giờ. 

Cụ thể hơn, theo ông Brian, thông qua các giải pháp công nghệ đã được kiểm chứng của mình, chúng tôi tin rằng đây sẽ là một nền tảng mới cho quy trình quản lý và chi trả bảo hiểm tại Việt Nam.

"Minh bạch, chính xác và nhanh chóng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và mang về lợi nhận tăng trưởng cao", đại diện Audatex nêu quan điểm, "Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu xe ô tô đang hoạt động, trong khi đó các phương pháp xử lý bồi thường bảo hiểm hiện chủ yếu dùng “sức người” (gặp gỡ trực tiếp để trình bày, mô tả bằng lời), không những vậy, nhân viên bảo hiểm còn phải có kiến thức về sửa chữa xe… và tất cả những điều đó khiến việc mô tả các thiệt hại thiếu cụ thể, chi tiết".

Ông Brian khẳng định phần mềm Audatex lưu giữ cơ sở dữ liệu của 99% mẫu xe ô tô trên thế giới, và kèm theo đó là giải pháp phần mềm sáng tạo của Audatex trong giải quyết bồi thường bảo hiểm sẽ đưa ra các phương pháp đánh giá từng thiệt hại một cách chi tiết, thậm chí từng thiệt hại đều được "lượng hóa" ngay thành tiền.

Hay nói cách khác, giải pháp Audatex giúp việc bồi thường minh bạch và nhanh gọn hơn.

Cũng theo đại diện Audatex, giải pháp của công ty chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, thông qua thiết bị di động cầm tay, cho phép người mua bảo hiểm có thể quản lý và kiểm soát tình trạng xe của mình cũng như mau chóng gửi thông tin bảo hiểm tới đại lý bảo hiểm thay cho cách gặp trực tiếp như trước đây. Cơ quan bảo hiểm sau khi nhận được thông tin từ khách hàng sẽ có ngay phương án bảo hiểm cũng như chi tiết thành phần sửa chữa hoặc thay thế cho khách hàng.

Thông tin này cũng đồng thời được chuyển tới xưởng dịch vụ thực hiện sửa chữa theo bảo hiểm để thẩm định giá trị chi trả bảo hiểm.

Ông Brian tin rằng giao thức mới này được kỳ vọng sẽ thay thế phần lớn cho cách quản lý và chi trả bảo hiểm xe cơ giới ở Việt Nam trong 3 năm tới.

PCWorld

Bằng Linh, bảo hiểm, Hồng Nhân, ứng dụng CNTT


      © 2021 FAP
        2,536,792       150