Công nghệ - Sản phẩm

Hướng tới hình mẫu của đô thị thông minh

(PCWorldVN) Công viên Phần mềm Quang Trung không chỉ là hình mẫu của nền kinh tế tri thức tại TP.HCM mà còn là mô hình khép kín triển khai ứng dụng CNTT vào quản lý và vận hành đô thị.

Mục tiêu cải cách hành chính
Ngày 26/9/2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã làm việc với TP.HCM về công tác cải cách hành chính (CCHC).

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết trong thời gian qua Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử và triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh” nhằm mục đích tạo ra sự minh bạch và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2020 sẽ thực hiện 100% dịch vụ công cấp độ 4 và liên thông điện tử 100%, đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tăng cường công tác giám sát, đánh giá của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
Cụ thể, Thành phố đã ban hành 17 quyết định, công bố 608 TTHC trên các lĩnh vực. Tất cả các TTHC trên đã được công khai đầy đủ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền giải quyết; công khai tại Cổng thông tin điện tử của Thành phố và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, CCHC là chương trình quan trọng trong 7 chương trình đột phá của Thành phố. Để thực hiện hiệu quả chương trình, Thành phố đang triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh”, trong đó có mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh.

Hệ thống tổng đài tiếp nhận và giải đáp thông tin Thành phố. (minh họa)

Một ví dụ trong việc triển khai CCHC là hệ thống tổng đài tiếp nhận và giải đáp thông tin Thành phố. Trong đó, hình thành 1 trung tâm duy nhất và độc lập, để tiếp nhận và giải đáp thông tin của TP.HCM thông qua các kênh thông tin khác nhau bao gồm thoại, website, email, ứng dụng di động, mạng xã hội, Viber, Zalo… Các chức năng chính được của hệ thống này bao gồm:

• Tiếp nhận những phản ánh của người dân đến Lãnh đạo Thành phố.
• Tiếp nhận và xử lý thông tin về sự cố hạ tầng kỹ thuật.
• Tiếp nhận và giải đáp các thông tin liên quan đến dịch vụ hành chính công.
• Tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến các đường dây nóng 

Hệ thống tổng đài tiếp nhận và giải đáp thông tin Thành phố dự kiến sẽ qua 4 giai đoạn triển khai. Trong đó giai đoạn đầu tiên là vận hành tổng đài Contact center để tiếp nhận và giải đáp các thông tin liên quan đến thủ tục dịch vụ hành chính công. Tổng đài sẽ tiếp nhận và giải đáp các thủ tục liên quan đến Sở Kế hoạch đầu tư và thủ tục đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM. Sau đó, tổng đài sẽ mở rộng tiếp nhận và giải đáp các thủ tục hành chính công khác trên địa bàn TP.HCM. Rồi từ đó triển khai các giai đoạn sau từ việc tích hợp với cổng thông tin dịch vụ công cho đến tích hợp các tổng đài hiện hành để tạo thành 1 tổng đài duy nhất của thành phố. Và cuối cùng là giai đoạn bổ sung các dịch vụ công mở rộng theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố;

Hiện tại, hệ thống tổng đài tiếp nhận và giải đáp thông tin Thành phố đang được quản lý bởi tổng công ty Điện lực TP.HCM, dư kiến hệ thống này sẽ chuyển giao cho công ty MTV Công viên phần mềm Quang Trung hoàn thiện và triển khai.

Ứng dụng CNTT vào quản lý và vận hành đô thị
Sau hơn 15 năm hoạt động, tính đến nay, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) đã thu hút 120 doanh nghiệp CNTT, 33 nhà đầu tư và hơn 18.000 nhân viên, 69 doanh nghiệp trong nước, 51 doanh nghiệp nước ngoài với 4 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Số doanh nghiệp và nhân viên này cùng hoạt động trên khuôn viên hơn 40 ha đất. Trước đây, mô hình QTSC ra đời trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi các bài học phát triển công viên phần mềm ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Theo thời gian, mô hình công viên phần mềm vẫn còn đó nhưng hạ tầng cũng như cũng như nhu cầu thị trường phát triển đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn quốc tế hơn nữa để đáp ứng vói xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa.

Kỷ niệm 15 năm thành lập QTSC.

Để đáp ứng sự bùng nổ “dân số” cũng như doanh nghiệp ngay trong QTSC, ban lãnh đạo của công viên này đã cùng với hãng công nghệ trên địa bàn cùng hợp tác với nhau để tạo ra cuộc cách mạng trong cải cách hành chính, quản lý dựa trên nền tảng kĩ thuật số.  Sự hợp tác đã giúp QTSC biến mình như một thành phố thông minh thu nhỏ. Mặc dù những giải pháp mà QTSC đang sử dụng chưa bao gồm hết những vấn đề của một thành phố thực thụ nhưng những nỗ lực đó đang cần được ghi nhận.

Ngoài ra những ứng dụng, phần mềm quản lý đô thị được sử dụng tại QTSC còn hướng đến mục đích là góp phần vào việc phục vụ 7 chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2015-2020. QTSC đã từng được bí thư TP.HCM Đinh La Thăng cũng đề xuất đưa ra các sản phẩm – dịch vụ đáp ứng nhu cầu bức thiết của thành phố như: triển khai chính quyền điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong y tế, giáo dục – đào tạo, giảm ùn tắc giao thông, đô thị, ô nhiễm môi trường, chống ngập, chống tội phạm...

7 chương trình đột phá của TP.HCM trong nhiệm kỳ 2015 - 2020
  • Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
  • Chương trình cải cách hành chính
  • Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP
  • Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông
  • Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
  • Chương trình giảm ô nhiễm môi trường
  • Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, và điều này cũng đưa Thành phố đứng trước những thách thức lớn liên quan đến công tác quản lý nguồn tri thức, quản lý môi trường, quản lý năng lượng, quản lý hệ thống giao thông… Lẽ đó, để hướng đến xây dựng một thành phố thông minh, TP.HCM xác định những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên triển khai hệ thống quản lý thông minh như giao thông, y tế, môi trường và năng lượng.

Công viên Phần mềm Quang Trung đã ký kết bản ghi nhớ với Công ty Linagora (Pháp) và Công ty Hanel DTT về hợp tác phát triển chính phủ điện tử và phần mềm nguồn mở cho TP.HCM tại UBND TP.HCM hồi đầu tháng 9/2015. Trong đó, thỏa thuận hợp tác phát triển dịch vụ chính phủ điện tử trên nền tảng chính phủ điện tử nguồn mở (OEP). OEP cung cấp kiến trúc dữ liệu theo các quy định của Chính phủ Việt Nam trong từng lĩnh vực nghiệp vụ, với các ứng dụng như: dịch vụ công trực tuyến, hệ thống điều hành và quản lý thông tin trực tuyến, dữ liệu lớn của các đơn vị nhà nước trong quản lý dân cư, y tế, xây dựng, giao thông, văn hóa xã hội...

Cũng giống như TP.HCM, QTSC cũng có những nhu cầu tương tự nhất là trong việc chỉnh trang và phát triển “đô thị” của mình. Để đáp ứng trực quan trong vấn đề quản lý, QTSC đã cùng đối tác của mình đã đưa ra giải pháp hệ thống thông tin GIS tập trung.

Giải pháp GIS của QTSC sử dụng hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu DBMS có khả năng quản lý nhiều lớp dữ liệu từ giao thông cho đến điện, nước hay khu chung cư, cao ốc… Ngoài ra, nếu sử dụng trong môi trường lớn hơn như phục vụ cho toàn thành phố thì hệ thống này còn trang bị khả năng mở rộng thêm các lớp dữ liệu cần quản lý. Hiện tại hệ thống đang được triển khai thực tế tại QTSC với chức năng khai thác là phân tích và mô hình hóa, trực quan hóa dữ liệu trên nền bản đồ; tìm kiếm, báo cáo, thống kê nhiều lớp dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định cho bộ phận quản lý.  Hệ thống này còn là nguồn cung cấp thông tin đến những thành viên của QTSC đặc biệt là từ những thông báo cơ bản như sự cố mất điện hay đơn giản là tìm kiếm địa chỉ…

Cũng trong việc phát triển phần mềm phục vụ cho việc chỉnh trang và phát triển “đô thị” QTSC, ban lãnh đạo quản lý cũng dựa vào phục vụ an ninh đô thị. Trong đó tính năng yêu cầu đặt ra là quản lý dân cư và giám sát địa bàn; truy vết đối tượng phạm tội; xử phạt nguội khi vi phạm giao thông vừa ứng dụng trong khuôn viên và sẵn sàng đáp ứng nếu TP.HCM có nhu cầu triền khai.

Việc thu thập dữ liệu cho giải pháp an ninh đô thị được thu thập nguồn từ hệ thống quản lý và giám sát địa bàn và nguồn dữ liệu nâng cao như lịch sử phạm tội, số xe thường sử dụng, địa bàn hoạt động, nhóm tội phạm, ảnh mặt chất lượng… Ngoài ra, tại các chốt trọng điểm, giao lộ còn lắp đặt hệ thống LPR camera phát hiện và chụp ảnh lại những người ra vào cũng như tham gia các hoạt động tại QTSC.

Hệ thống LPR camera sử dụng công nghệ nhận khuôn mặt và biển số xe là công nghệ tiên tiến, cho kết quả nhận dạng tức thì thông qua sử lý hình ảnh camera. Những camera này thể gắn cố định hay trên xe di động – tăng cường khả năng theo dõi và tác nghiệp tức thời. Tuy nhiên mô hình này chỉ ứng dụng mức độ hạn chế vì cần con người và đòi hỏi thiết bị mang tính chuyên dụng (chịu được rung, lắc, nhiệt độ cao, mưa, độ ẩm, …).

Tại QTSC, hàng loạt dự án đang được triển khai như hệ thống quản lý giao thông, hệ thống quản lý và giám sát môi trường hay hệ thống nông nghiệp công nghệ cao (Smart Agri). Đây đều là những dự án đã hoàn thiện có thể triển khai ngay ứng dụng vào thực tế cho TP.HCM, phục vụ cho 7 chương trình đột phá của Thành phố.

GIS là gì?
Hệ thông tin địa lý (GIS – Geographic Information System) là một tập hợp có tổ chức, bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm máy tính, dữ liệu địa lý và con người, được thiết kế nhằm mục đích nắm bắt, lưu trữ, cập nhật, điều khiển, phân tích, và hiển thị tất cả các dạng thông tin liên quan đến vị trí địa lý.
Các thành phần của GIS bao gồm:
  • Phần cứng: bao gồm máy tính và các thiết bị ngoại vi.
  • Phần mềm: có thể chia thành 3 nhóm (quản trị đồ họa, quản trị bản đồ và quản trị phân tích không gian).
  • Dữ liệu: bao gồm dữ liệu bản đồ và dữ liệu thuộc tính (dữ liệu phi không gian). Bản đồ miêu tả vị trí địa lý của đối tượng trên bề mặt thực tế. Dữ liệu thuộc tính miêu tả các thông tin liên quan đến đối tượng, có thể là định lượng hay định tính.
  • Phương pháp: phần quan trọng nhằm đảm bảo sự hoạt động liên tục và hiệu quả của hệ thống phục vụ cho mục đích của người sử dụng.
  • Con người: thành phần con người tham gia vào mọi hoạt động của hệ thống GIS (từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu, việc tìm kiếm, phân tích dữ liệu …). Có 2 nhóm người quan trọng là người sử dụng và người quản lý GIS.

Thách thức và khó khăn
Một trong những khó khắn chính trong việc triển khai phần mềm ứng dụng quản lý đô thị hay cải cách hành chính tại thành phố là mặt tài chính. Trên thực tế tại QTSC, hệ thống thông tin GIS tập trung  hay hệ thống quản lý giao thông, hệ thống quản lý và giám sát môi trường của đơn vị này hiện chỉ mới triển khai ở giai đoạn nền tảng chứ chưa thực sự đi vào hoạt động chi tiết. Việc đầu tư vào thiết bị cảm biến để đặt tại các vị trí trọng điểm là gánh nặng tài chính mà không doanh nghiệp nào có thể tự đầu tư.

Ví dụ, hệ thống quản lý và giám sát môi trường mà QTSC đang triển khai sử dụng thiết bị cảm biến trong mạng lưới, bao gồm mạng lưới quan trắc môi trường, mạng lưới quan trắc tài nguyên nước, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn…  Đi cùng với khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn là tính phức tạp trong việc triển khai, tiếp cận để giải quyết các vấn đề quản lý đô thị hay quản lý giao thông.

Một trong những điều kiện cần của phần mềm quản lý giao thông đang được triển khai thí điểm tại QTSC để có thể ứng dụng cho Thành phố là tất cả các loại hình giao thông công cộng phải kết nối với nhau và cập nhật liên tục hiện trạng của phương tiện như vị trí xe theo thời gian thực; lộ trình, các điểm dừng đỗ, tình trạng hiện thời về sức chứa… Hay như tất cả các điểm dừng dỗ, lộ trình xe… phải được số hóa lên lớp thông tin giao thông công cộng trên bản đồ số. Những điều kiện này cần có sự tham gia của rất nhiều ban ngành liên quan dến quản lý đô thị.
Bên cạnh vấn đề về tài chính cũng như thủ tục hành chính thì cam kết và sự ủng hộ của lãnh đạo là yếu tố quan trọng. Bởi trên thực tế những giải pháp CNTT vẫn đơn thuần chỉ là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý và điều hành. Cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo Thành phố, việc triển khai các dự án cũng rất cần chuyên gia giỏi trong vận hành hệ thống tại cơ quan nhà nước.

PC WORLD VN, 10/2016
 

PCWorld

công viên phần mềm, đô thị thông minh, QTSC, thành phố thông minh


      © 2021 FAP
        2,539,614       904