Công nghệ - Sản phẩm

Thu hút làn sóng đầu tư CNTT từ Hàn Quốc

(PCWorldVN) CNTT tại Việt Nam hiện trong giai đoạn vươn mình phát triển mạnh mẽ cũng như hội nhập sâu rộng, mở ra cơ hội thu hút các tập đoàn nước ngoài trên toàn thế giới, trong đó có Hàn Quốc.

Hệ sinh thái CNTT

Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.

Thực tế, trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và phục hồi chậm nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Theo thống kê, CNTT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đạt 16% (2015) và đứng trong Top 5 nước có sự phát triển CNTT nhanh nhất thế giới. Doanh thu ngành CNTT năm 2015 ước đạt 42 tỷ USD, giá trị gia tăng đạt trên 11 tỷ USD. Năm 2014, Liên Hiệp Quốc xếp hạng Việt Nam ở vị trí 99 trên thế giới (tăng 6 bậc so với năm 2005), đứng thứ 5 trong khối ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử.

Năm 2015, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam xếp vị trí thứ 85/143 quốc gia về chỉ số sẵn sàng kết nối. Mặc dù có những kết quả nhất định, ứng dụng CNTT chủ yếu theo chiều rộng, chưa thực sự phát huy hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.

Những năm qua, Việt Nam đã có sự hợp tác với nhiều quốc gia có nền CNTT phát triển, trong đó có Hàn Quốc, nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp mũi nhọn này. Hai nước đã có những trao đổi về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và chính phủ điện tử cho đến giải pháp xây dựng mô hình thành phố thông minh (smart city) dựa trên kinh nghiệm triển khai của Hàn Quốc.

Buổi hội thảo và triễn lãm K-Solution Fair 2016, được chủ trì bởi Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc (Korea IT Cooperation Center) và Cơ quan xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA) diễn ra hôm 26/9/2016 cũng là dịp đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các công ty CNTT tại Việt Nam và Hàn Quốc. Tại buổi hội thảo, PCWorld Việt Nam đã có buổi trao đổi với đại diện cơ quan xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA) và các doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự sự kiện.

Hội thảo K-Solution Fair 2016.

Khi bàn về hệ sinh thái CNTT, tiến sĩ Lee Choong Hyun - Giám đốc Khu vực Trung tâm Hợp tác CNTT Hàn Quốc đã chia sẻ về những sáng kiến cũng như hành động của chính phủ Hàn Quốc trong việc xây dựng, thúc đẩy hệ sinh thái CNTT.

Trong đó ông chỉ ra 7 yếu tố quan trọng đối với hệ sinh thái CNTT, không chỉ ở Hàn Quốc hay Việt Nam. Yếu tố đầu tiên luôn là con người, đầu tư vào yếu tố con người là điều không một quốc gia nào có thể bỏ qua. Tiếp theo đó là việc chính phủ xây dựng nền tảng mở cho phép nhiều bên cùng tham gia sáng tạo, các doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng phát triển các dịch vụ sản phẩm. Nhằm xây dựng và thúc đẩy hệ sinh thái CNTT, chính phủ còn đưa ra các quy định chế tài trong đó tập trung vào giảm rào cản chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp CNTT, đây là yêu tố thứ 3 cho việc xây dựng hệ sinh thái CNTT. Ngoài chính sách, việc đầu tư và hạ tầng CNTT phải có định hướng sử dụng. Không chỉ đầu tư vào hệ thống thiết bị, chính phủ cũng cần có những quy hoạch về khu vực phát triển CNTT. Ví dụ như gần sát ngay Seoul là những vường ươm công nghệ nhằm hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp.

Kế tiếp đó là việc chính phủ phải thúc đẩy, phát triển và mở rộng các dịch vụ hướng tới thị trường toàn cầu thông qua việc hợp tác với các hãng công nghệ toàn cầu. Cùng với phát triển công nghệ và kinh doanh, tinh thần doanh nghiệp và sự hưởng ứng của người dùng trong nước là những yếu tố nền tảng không thể bỏ qua.

Doanh nghiệp CNTT Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam

Sự kiện K-Solution Fair 2016 có hơn 20 đơn vị tham dự triển lãm đến từ Hàn Quốc mang tới những giải pháp công nghệ tiên tiến từ bảo mật thông tin, hệ thống ngăn chặn phần mềm độc hại cho đến những giải pháp dành cho chính phủ, doanh nghiệp lớn như giải pháp Government 3.0 hay quản trị quan hệ khách hàng. Trao đổi với phóng viên PC World Vietnam, ông David Kim giám đốc điều hành TmaxSoft Singapore cho biết hãng phần mềm này đang hướng tới thị trường Việt Nam như đích đến mới trong sự phát triển của mình.

Từ trái qua phải :  Richard Kim - CEO AhnLab; Lee Choong Hyun - CEO NIPA, David Kim - CEO TmaxSoft

TmaxSoft đã vươn ra khỏi Hàn Quốc và tiến vào thị trường các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Cũng giống như các doanh nghiệp mới vào thị trường Việt Nam, TmaxSoft gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy cơ hội phát triển. Ông David Kim cho biết, khi đến với Việt Nam thì TmaxSoft phải xây dựng, phát triển thương hiệu từ đầu để để tạo ra được sự nhận thức của người dùng. TmaxSoft còn phải cạnh tranh với các tập đoàn toàn cầu đang chiếm lĩnh thị trường phần mềm Việt Nam như Oracle hay EMC.

TmaxSoft đạt được những thành công đáng chú ý với các gói đa giải pháp như JEUS (một máy chủ ứng dụng web), TIBERO RDBMS (một giải pháp quản trị dữ liệu), ProFrame (một khung ứng dụng), và OpenFrame (giải pháp mainframe rehosting). TmaxSoft hiện đang hướng tới mục tiêu trở thành một tập đoàn phần mềm toàn cầu theo định hướng công nghệ chuyên biệt.
 

Cũng theo ông Kim, tại Việt Nam đang có tình trạng độc quyền trong việc cung cấp giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp. Khách hàng luôn phải trả những khoản tiền rất lớn để đầu tư nền tảng, để rồi sau đó không có nhiều lựa chọn cho những lần nâng cấp hay bổ sung tính năng mới cho các phần mềm này.

Những giải pháp toàn diện dành cho doanh nghiệp của TmaxSoft có thể tiết kiệm được cho khách hàng từ 60-70% chi phí so với trước đây. Ngoài chi phí ra, TmaxSoft còn xây dựng phần mềm doanh nghiệp dựa trên sự am hiểu khách hàng, mang đến những lựa chọn tối ưu với chi phó hợp lý.

Cũng giống như TmaxSoft, hãng bảo mật AhnLab trước đây gặp một số khó khăn khi tham gia thị trường Việt Nam. AhnLab có công ty mẹ đặt tại Hàn Quốc nên gặp những trở ngại về địa lý cũng như khác biệt văn hóa. 

Hiện nay Công ty Cổ phần Quốc tế World Star JSC (WSI) là nhà phân phối cho AhnLab tại Việt Nam đã giúp giải quyết bài toán này. WSI được thành lập với mục đích cung cấp các phụ kiện viễn thông được sản xuất tại Hàn Quốc, hiện đang làm việc chủ yếu với EVNTelecom tại Việt Nam. Đồng thời, công ty còn cung cấp dịch vụ tư vấn bản địa hóa cho các công ty Hàn Quốc mong muốn mở rộng kinh doanh. WSI hợp tác cùng AhnLab dưới danh nghĩa nhà phân phối độc quyền cho AhnLab tại Việt Nam từ tháng 5/2009.

Chia sẻ với PCWorld Việt Nam, ông Richard Kim - giám đốc điều hành WSI cho biết, hiện tại AhnLab đã phát triển với quy mô toàn cầu vì thế hãng bảo mật này có thể mang đến nhiều giải pháp phù hợp với từng khu vực. Và tại Việt Nam thì cũng với WSI, AhnLab đặt trụ sở chính tại Hà Nội nhằm mang đến cho khách hàng bản địa những dịch vụ cũng như khả năng bảo hành bảo trì tốt nhất.

Tại Việt Nam, ngoài trở ngại về ý thức an ninh bảo mật đang kém thì các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục hành chính nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục. Qua thực tế hợp tác của AhnLab với các doanh nghiệp Việt Nam, hãng bảo mật này thường mất hơn 1 năm rưỡi để cùng với đối tác đưa các giải pháp mới đi vào hoạt động. Trong khi đó, cũng những giải pháp đó nhưng tại các nước như Hàn Quốc thì chỉ mất khoảng 2 tuần – 1 tháng để đi vào hoạt động.

Được biết, AhnLab là công ty về an ninh bảo mật, cung cấp các giải pháp bảo vệ toàn diện cho hệ thống mạng, các giao dịch và các dịch vụ thiết yếu. AhnLab mang đến các giải pháp ngăn chặn hiểm họa tốt nhất cho mạng tốc độ cao thông qua việc kết hợp phân tích đám mây với các nguồn lực máy chủ và điểm cuối. AhnLab MDS là giải pháp phòng vệ mã độc độc quyền dành cho doanh nghiệp, bao gồm các phân tích cục bộ và phân tích dựa trên nền tảng đám mây nhằm ngăn chặn các tấn công chủ đích công nghệ cao từ trong tổ chức. Có hơn 25.000 tập đoàn trên thế giới sử dụng giải pháp của AhnLab nhằm duy trì an ninh bảo mật cho hoạt động kinh doanh.

PCWorld

Hàn Quốc, K-Solution Fair 2016


      © 2021 FAP
        2,567,695       1,259