Công nghệ - Sản phẩm

Mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học tiên tiến

(PCWorldVN) Sở KHCN TP.HCM đang xây dựng bộ tiêu chí đề xuất về mô hình tổ chức KHCN tiên tiến, hướng đến mục tiêu đạt ít nhất 2 tổ chức loại hình này trên địa bàn Thành phố.

Theo số liệu được Sở KHCN TP.HCM công bố tại Hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức nghiên cứu tiên tiên: Từ lý luận đến thực tiễn” diễn ra hôm 23/9, thì tính đến thời điểm tháng 8/2016, trên toàn địa bàn Thành phố có 227 tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) đăng ký hoạt động, trong đó có 59 tổ chức KHCN công lập, 168 tổ chức KHCN ngoài công lập. Tổng số vốn đăng ký hoạt động KHCN là 700 tỷ đồng. Doanh thu trong 5 năm từ 2011-2015 đặt 2.451,4 tỷ đồng (theo báo cáo gửi về Sở KHCN hằng năm). Các tổ chức KHCN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (58%) và khoa học xã hội nhân văn (29%), các lĩnh vực còn lại chiếm 13%.

Kết quả hoạt động trong 5 năm qua cho thấy, tổ chức KHCN công lập là đầu tàu cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn TP.HCM, một số kết quả nghiên cứu của tổ chức đã góp phần trong việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Các tổ chức KHCN ngoài công lập trực thuộc doanh nghiệp đã và đang triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, gắn kết giữa khoa học và doanh nghiệp, huy động nguồn lực trí thức hỗ trợ các hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả khả quan; Hoạt động đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho thấy có sự đầu tư lớn về kinh phí hoạt động từ cơ sở vật chất, trang thiết bị (đặc biệt là các phòng thí nghiệm trọng điểm) vốn lưu động, thu hút các lực lượng KHCN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia hoạt động KHCN.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Tuy nhiên, đại diện Sở KHCN Thành phố cũng cho rằng, cần phải nhìn nhận, hoạt động của phần lớn các tổ chức KHCN mới chỉ tập trung phát triển mạnh về dịch vụ KHCN, chủ yếu hợp đồng tư vấn, tổ chức thực hiện các khóa bồi dưỡng chuyên môn theo nhu cầu xã hội, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, duy trì đảm bảo được hoạt động của tổ chức; hoạt động chưa gắn liền với nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN TP.HCM nhận định rằng, trong hệ thống các tổ chức KHCN hiện nay tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, vẫn còn thiếu các tổ chức nghiên cứu ứng dụng đủ mạnh về quy mô, tính liên ngành, đội ngũ nhân lực trình độ cao và hạ tầng nghiên cứu hiện đại để có thể cung cấp công nghệ và trợ giúp kỹ thuật tiên tiến, tác động mạnh tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động còn lạc hậu, chưa gắn kết được với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Vì vậy, mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nhưng xét về tính hiệu quả, chúng ta chưa có nhiêu công trình, sản phẩm KHCN mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành đòn bẩy và động lực của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Tiến sĩ Micheal Braun - Đại học Việt Đức trình bày phần tham luận.

Do đó, vẫn theo lời ông Dũng, để đạt được mục tiêu cơ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đến 2020 đạt trình độ KHCN thuộc các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030 một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới thì Việt Nam cần có một lực lượng KHCN mạnh, năng động và hiệu quả, làm đòn bẩy thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

"Việc hình thành các tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến trên thế giới là hết sức cần thiết và cấp bách", ông Dũng nói.

Đại diện Sở KHCN TP.HCM cho biết, thông qua buổi hội thảo này, Sở mong muốn nhận được nhiều thông tin chia sẻ hữu ích từ phía các chuyên gia, nhà khoa học… Căn cứ vào đó, Sở KHCN TP.HCM sẽ xây dựng bộ tiêu chí đề xuất về mô hình tổ chức KHCN tiên tiến nhằm hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu của Thành phố tiếp cận đến tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới xây dựng ít nhất 2 mô hình tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến trên địa bàn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ thông tin về mô hình hoạt động của các tổ chức nghiên cứu khoa học tiên tiến ở trong và ngoài nước, tập trung thảo luận về những yếu tố đầu vào cần có của một tổ chức nghiên cứu, bao gồm cả các nguồn lực và cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước, phương thức quản trị của tổ chức nghiên cứu tiên tiến...

Tổ chức KHCN tiên tiến là một loại hình tổ chức nghiên cứu và phát triển được Nhà nước (hoặc tư nhân) ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại; có khả năng triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ mang tính tiên phong; có khả năng quy tụ và bồi dưỡng cán bộ KHCN trình độ cao theo môi trường trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu thuận lợi; thúc đẩy hoạt động sáng tạo, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ KHCN ở đẳng cấp quốc tế; đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của xã hội và góp phần vào việc phát triển tiềm lực KHCN của quốc gia.
PCWorld

đổi mới sáng tạo, Quỳnh Chi, Sở KHCN TPHCM, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,570,660       575