Công nghệ - Sản phẩm

Khởi nghiệp công nghệ: Định hướng và phát triển

(PCWorldVN) Sử dụng công nghệ sẽ giúp các bạn trẻ nhanh chóng tạo dựng thành công khi khởi nghiệp, song các vấn đề tài chính, kiến thức và kinh nghiệm vẫn luôn là rào cản.

Xu hướng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam mặc dù không mới, tuy nhiên đây luôn là ưu tiên hàng đầu mà các bạn trẻ hiện nay đang lựa chọn, và dường như công nghệ còn được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác, như một công cụ hỗ trợ hàng đầu để giúp công cuộc khởi nghiệp trở nên thuận lợi hơn.

Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Startup Today diễn ra vào ngày 13/8 tại TP.HCM.

Các chuyên gia tại buổi hội thảo Startup Today.

Hội thảo lần này không chỉ mang đến cái nhìn toàn cảnh khởi nghiệp công nghệ mà còn giúp các bạn trẻ đánh giá lại mô hình hoạt động của mình nhằm kêu gọi các quỹ đầu tư bởi những nguồn lực hỗ trợ cho SME và Startup là khác nhau.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) cho biết, việc định hướng phát triển theo định hướng SME hay Startup là một trong những nội dung quan trọng cho việc hoạch định chính sách về khởi nghiệp của TP.HCM. 

Theo khảo sát, Việt Nam có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp về công nghệ mỗi năm, trong đó bao doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SME) và mô hình Startup. Ngoài ra TP.HCM cũng đã đặt ra mục tiêu 500.000 doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2020.

Cũng tại buổi hội thảo lần này, ông Đinh Bá Tiến - Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng đã mang đến những ví dụ điển hình trong việc phát triển ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp lớn nhằm mang đến cái nhìn toàn cảnh cũng như những phát sinh tiềm ẩn mà không hẳn ai có thể biết. 

Ông Tiến cũng nhấn mạnh rằng, khởi nghiệp công nghệ mang đến nhiều cơ hội nhưng cần phải có đam mê, sáng tạo và nhất là lựa chọn mô hình phù hợp nhu cầu thị trường mà giải pháp, sản phẩm của mình hướng đến.

PCWorld

công ty khởi nghiệp, khởi nghiệp công nghệ, Mắt Bão, Thạch An


      © 2021 FAP
        2,598,958       1,174