Công nghệ - Sản phẩm

PC Windows 10 - nhiều người dùng chung 1 máy

(PCWorldVN) Windows 10 cho phép nhiều người dùng chung một máy tính mà không gây ảnh hưởng đến nhau

Trong văn phòng, việc nhiều người dùng chung một PC nghe có vẻ như là thảm họa. Đồng nghiệp có thể đọc, sửa hay xóa mất tập tin, ứng dụng của nhau; hay ai đó tùy chỉnh hệ thống theo cách mà những người khác không mong muốn. May mắn là Windows 10 cho phép chia sẻ một PC dùng chung cho nhiều người mà không sợ người này làm ảnh hưởng tới dữ liệu, thiết lập riêng của người khác.

Thiết lập tài khoản riêng cho từng người
Về nguyên tắc, bạn sẽ phải tạo tài khoản riêng biệt cho từng người dùng chung máy. Mỗi người với tài khoản riêng có thư mục lưu trữ, ứng dụng Windows, màn hình desktop, thiết lập hệ thống riêng biệt… menu Start cũng có tùy biến riêng.

Một người, với quyền quản trị (admin) của PC Windows, thiết lập và quản lý mọi tài khoản, bao gồm tất cả các thiết lập của hệ thống, mà chỉ tài khoản quyền admin mới có thể truy cập. Tài khoản quyền admin được tạo ra khi Windows mới được cài đặt.

Với quyền quản trị, bạn dễ dàng thiết lập tài khoản người dùng mới. Nhấn Start và chọn Settings > Accounts > Family & other users.

Để thiết lập tài khoản cho một đồng nghiệp, trong phần “Other users” ở nửa bên phải bạn nhấn vào “Add someone else to this PC”. (Bạn cũng có thể thiết lập tài khoản cho các thành viên gia đình trong phần Your family, cho phép bạn thiết lập giới hạn tuổi, hạn chế game được chơi và ứng dụng được phép chạy…).

Bạn sẽ cần nhập vào địa chỉ email của người dùng mới, tốt nhất là tài khoản Microsoft của họ (nếu có), như vậy khi đăng nhập họ có thể sử dụng tất cả những thiết lập riêng sẵn có với Windows, truy cập tới OneDrive của chính họ. 

Tên tài khoản người dùng mới tạo sẽ xuất hiện trên trang thiết lập Account. Nó cũng xuất hiện trong danh sách các tài khoản trên máy khi bạn nhấn vào tên tài khoàn trên đỉnh của menu Start, và cũng có mặt ở màn hình khóa.

Các tập tin và thư mục riêng của từng người dùng sẽ không thể bị truy cập bởi những người dùng khác. Chỉ riêng bạn thấy các ứng dụng Windows do mình cài, và với những người khác cũng vậy.

Tạo tài khoản người dùng nội bộ
Với những người không có tài khoản Microsoft, sau khi nhấn vào Add someone else to this PC như trên, bạn nhấn tiếp “I don’t have this person’s sign-in information”. Sau đó ở đáy màn  hình, nhấn “Add a user without a Microsoft account”.

Bây giờ thì bạn có thể thêm vào tên người dùng cùng mật khẩu. Tên tài khoản người dùng cũng sẽ xuất hiện như cách bạn tạo tài khoản mới sử dụng tài khoản Microsoft như đã làm ở trên.

Tài khoản tạo theo cách này gọi là tài khoản nội bộ (Local Account). Không giống như tài khoản Microsoft, nó sẽ không đồng bộ những thiết lập giữa các thiết bị và không truy cập tới OneDrive. Thêm nữa, khi ai đó dùng tài khoản nội bộ, họ sẽ không thể tải về hay cài đặt ứng dụng từ Windows Store. Người dùng tài khoản nội bộ cũng không thể cài các ứng dụng desktop nếu không nhập đúng mật khẩu của tài khoản administrator.

Chuyển đổi giữa các tài khoản
Rất dễ để chuyển từ tài khoản đang chạy trên máy sang một tài khoản khác. Trong môi trường Windows 10, chỉ việc nhấn Start rồi nhấn tên tài khoản trên đỉnh menu Start, sau đó nhấn vào tên tài khoản tiếp nhận phiên làm việc và nhập mật khẩu xác thực.

Dĩ nhiên là bạn có thể đăng nhập từ màn hình khóa, nơi hiển thị tất cả các tài khoản người dùng trên máy.

Bạn cần nhớ là khi có vài người cùng sử dụng PC bằng những tài khoản riêng thì cho dù đang ở phiên làm việc của ai đó, những tài khoản người dùng khác vẫn chưa thoát ra ngoại trừ đã sign out hoặc PC đã bị khởi động lại. Nói cách khác, tại một thời điểm có thể có vài người đã đăng nhập, dù chỉ một người đang làm việc thực sự với máy.

Để xem những ai đã đăng nhập và chưa thoát ra, nhấn vào tên tài khoản nằm trên cùng của menu Start để hiển thị tất cả các tài khoản trên máy. Nhìn bên dưới mỗi tài khoản, sẽ thấy cụm từ “Signed in” kèm theo những tài khoản chưa thoát ra. Những người dùng tài khoản này có thể đang chạy một vài ứng dụng, hay truy cập tập tin nào đó. Như vậy khi ai đó sử dụng máy trở lại, mọi thứ vẫn đang sẵn sàng, không mất thời gian nạp lại ứng dụng, mở tập tin…

Điều này thực sự hữu ích, nhưng có thể làm phát sinh vấn đề, mất dữ liệu. Khi một PC được khởi động lại hay tắt máy, mọi tài khoản người dùng trên đó tự động thoát ra, xem như chấm dứt phiên làm việc. Vì vậy, nếu ai đó đã đăng nhập và thực hiện một số công việc nhưng chưa lưu lại, nếu máy được chuyển phiên làm việc sang tài khoản người dùng khác, và người này tắt hay khởi động lại máy, người đăng nhập trước đó sẽ bị mất những phần công việc chưa lưu.

Do vậy, điều tốt nhất là nếu bạn không dùng máy nữa thì nên thoát ra trước khi người khác sử dụng máy. Động thái này đơn giản và không mất thời gian, bạn chỉ việc nhấn vào tên ở phần trên của menu Start và nhấn chọn Sign out là xong.

Cho hiện tài khoản quản trị ẩn của Windows 10Windows 10 có một tài khoản gọi là super-administrator ở dạng ẩn. Tài khoản siêu quản trị này lợi hại hơn tài khoản administrator thông thường, khi sử dụng nó bạn sẽ không bị các lưu ý User Account Control (UAC) làm phiền nữa, tiện cho tùy chỉnh Windows hơn.
Nếu bạn muốn hiện tài khoản ẩn này thì làm như sau: Trước tiên bạn cần chắc chắn là đang sử dụng tài khoản Administrator thông thường của mình. Nhấn phải chuột vào nút Start rồi nhấn chọn Command Prompt (Admin) từ menu sổ xuống.
Từ dấu nhắc của cửa sổ lệnh “Administrator: Command Prompt”, bạn gõ: net user administrator /active:yes rồi nhấn phím Enter. Tài khoản quản trị ẩn sẽ xuất hiện tại màn hình đăng nhập Windows 10 và menu Start.
Nếu bạn muốn vô hiệu hóa tài khoản ẩn, thì tại dấu nhắc lệnh, gõ: net user administrator /active:no rồi nhấn phím Enter.

Gán quyền quản trị cho người dùng khác
Khi bạn tạo tài khoản nội bộ, theo mặc định đó là kiểu tài khoản “Standard” có ít quyền hạn hơn, như: không thể cài ứng dụng nếu không có mật khẩu của tài khoản Adminitrator, cũng không truy cập được một số thiết lập cho hệ thống. Nhưng Windows 10 cho phép bạn nâng cấp lên quyền quản trị cho tài khoản kiểu Standard.

Truy cập Start > Settings > Accounts > Other users, nhấn vào tài khoản mà bạn muốn gắn quyền administrator rồi nhấn nút Change account type. Trong hộp Account type bạn chọn Administrator và nhấn nút OK. Bạn có thể đổi lại thành kiểu “Standard” bất cứ khi nào cho tài khoản người dùng theo cách tương tự.

Để xóa bỏ một tài khoản người dùng cũng đơn giản. Bạn truy cập Start > Settings > Accounts > Other users, nhấn vào tên tài khoản muốn xóa bỏ rồi nhấn nút Remove. Màn hình cảnh báo sẽ nhắc bạn khi xóa tài khoản sẽ xóa toàn bộ dữ liệu liên quan, bao gồm các tập tin, thiết lập desktop, các ứng dụng, nhạc… Cũng cần lưu ý rằng bạn chỉ có thể xóa một tài khoản nếu người dùng đã thoát khỏi phiên làm việc trên Windows 10.

PC WORLD VN, 07/2016

PCWorld

cài đặt Windows 10, khai thác Windows 10, Kỳ Hà, nâng cấp Windows 10, thủ thuật Windows 10, Windows Update


      © 2021 FAP
        2,612,665       1,726