Công nghệ - Sản phẩm

So sánh ba bộ định tuyến Wi-Fi

(PCWorldVN) Loạt 3 bộ định tuyến không dây phù hợp trong phạm vi gia đình cũng như văn phòng quy mô nhỏ với đầy đủ tính năng thiết yếu, kèm theo đó là khả năng phủ sóng dày và ổn định

Nhỏ gọn

Xét về kiểu dáng, TOTOLINK N200RE là sự lựa chọn hàng đầu cho bài toán bố trí gọn gàng một thiết bị Wi-Fi Router trên bàn làm việc hay kệ sách.

Trong khi đó, Asus RT-N12HP và D-Link DIR-859 sở hữu kiểu dáng có phần hấp dẫn hơn nhờ dàn anten kích thước khủng.

Cụ thể, D-Link DIR-859 trang bị 3 chiếc anten độ lợi 5 dBi, còn Asus RT-N12HP dù chỉ trang bị 2 anten song nhưng lại dài đến 38mm và hỗ trợ độ lợi 9 dBi.

Có cùng độ lợi 5 dBi như anten của D-Link nhưng thiết bị của TOTOLINK trông ngắn hơn, và điểm trừ không đáng có ở 2 thiết bị này là anten không thể tháo rời khỏi thiết bị dù cho phép người dùng chỉnh xoay nhằm định hướng sóng tốt hơn cũng như tập trung hơn cho các khu vực cần kết nối Internet.

Dẫu thế, nhờ khả năng xoay linh hoạt của anten nên xuyên suốt quá trình thử nghiệm 3 router tích hợp điểm truy cập không dây (AP) nói trên thì Test Lab thấy rằng khi treo DIR-859, N200RE hay RT-N12HP lên tường hay áp trần thì sự linh hoạt trong xoay trở của anten lại phát huy tối đa hiệu quả, đặc biệt ở các góc tường chật hẹp.

Riêng với Asus RT-N12HP, 2 chiếc anten trên thiết bị này có khả năng xoay linh hoạt, cũng như có thể được tháo rời khỏi thiết bị trong trường hợp chỉ triển khai RT-N12HP như là một router cho mạng có dây dùng trong gia đình hay văn phòng nhỏ. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của "cặp sừng" giúp Asus RT-N12HP được mệnh danh "dũng sĩ xuyên tường" là việc khó giữ thăng bằng, và Test Lab đã không ít lần chứng kiến Asus RT-N12HP té ngửa khi đặt thiết bị này trên mặt bàn làm việc rồi thực hiện chỉnh hướng xoay của 1 hoặc 2 chiếc anten.

Test Lab nhận thấy thấy rằng thanh giằng giúp cố định 2 anten chưa thực sự phát huy hiệu quả trong nhiều trường hợp bố trí thiết bị.
Về khả năng tản nhiệt, nhìn chung thì cả 3 Wi-Fi Router của Asus, D-Link và TOTOLINK đều được nhà sản xuất bố trí nhiều khe thoáng, giúp đối lưu không khí hiệu quả.

Và sẽ rất thiếu sót nên không nhắc đến sự phá cách của TOTOLINK khi được thiết kế một chiếc nắp dạng bật để "cưỡng bức" tản nhiệt cho N200RE.

Asus RT-N12HP

Hiệu năng cao

Ngoại trừ D-Link DIR-859 hỗ trợ  băng tần kép, hai sản phẩm Asus RT-N12HP và TOTOLINK N200RE đều chạy trên băng tần tiêu chuẩn 2,4GHz.

Cả 3 Wi-Fi Router nói trên đều cung cấp 4 cổng LAN 10/100Mbps (riêng DIR-850 là cổng chuẩn gigabit).

Về khả năng phát sóng không dây, D-Link cho biết DIR-859 hỗ trợ chuẩn AC1750 tương ứng với tốc độ 1.750Mbps (450Mbps + 1.300Mbps) và rõ ràng đây là con số "mơ ước" đối với nhóm người dùng yêu thích xem nội dung HD trực tuyến, chơi game hay chia sẻ kho nội dung giải trí số chuẩn HD giữa các thiết bị trong văn phòng hay gia đình.

Cũng theo D-Link, DIR-859 hỗ trợ 16-25 kết nối từ máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh hay máy tính bảng cũng như các thiết bị mạng khác.

D-Link DIR-850

Trong khi đó, Asus cho biết khi kết hợp với thiết bị hỗ trợ Wi-Fi chuẩn 802.11n thì RT-N12HP có khả năng phủ sóng cho một không gian rộng chừng 200 m2 và cho phép tốc độ truyền nhận dữ liệu trong điều kiện lý tưởng lên đến 300Mbps.

Giống RT-N12HP, sản phẩm TOTOLINK N200RE cũng được thiết kế cho nhu cầu sử dụng tại các văn phòng quy mô nhỏ hay căn hộ, nhà ở nên cung cấp 4 cổng mạng LAN (10/100Mbps) có khả năng tự động nhận dạng cáp thẳng hay cáp chéo; kèm theo đó là khả năng phát sóng Wi-Fi chuẩn 802.11 b/g/n với tốc độ truyền nhận dữ liệu tối đa có thể đạt đến 300Mbps.

Các thử nghiệm tại Test Lab cho thấy Asus RT-N12HP, D-Link DIR-859 và TOTOLINK N200RE đều cho vùng phủ sóng cao, cường độ tín hiệu Wi-Fi ổn định.

Đáng chú ý, dù chỉ trang bị anten độ lợi 5 dBi song TOTOLINK N200RE trong vài phiên “đấu sóng” tay đôi vẫn thể hiện sự ngang ngửa, thậm chí qua mặt “dũng sỹ xuyên tường” Asus RT-N12HP.

Biểu đồ so sánh cường độ tín hiệu sóng không dây giữa Asus RT-N12HP và TOTOLINK N200RE được ứng dụng Wi-Fi Analyzer phân tích.

Dễ cấu hình

Có thể khẳng định, việc dễ dàng cấu hình là điều khiến Test Lab tâm đắc nhất khi có dịp dùng thử 3 sản phẩm nói trên. Asus, D-Link và cả TOTOLINK đều "tiết kiệm lời" trong tài liệu hướng dẫn đi kèm.

Test Lab nhận thấy chỉ sau ít phút tham khảo tài liệu hướng dẫn cài đặt đi kèm, Test Lab đã kết nối thành công TOTOLINK N200RE vào modem cáp quang của nhà mạng FPT, cũng như router nhãn hiệu Cisco cấp đường ra Internet (gắn sau modem cáp quang của nhà mạng VNPT).

Cụ thể, chỉ cần cắm jack nguồn, nối cáp LAN giữa cổng WAN trên N200RE với cổng LAN bất kỳ trên modem hay router cấp đường ra Internet, bật công tắc nguồn và chờ trong vài giây là ngay lập tức xuất hiện một điểm truy cập không dây (gọi đơn giản là mạng Wi-Fi) dẫn thẳng ra Internet mang tên TOTOLINK_N200RE.

Tuy nhiên, mặc định thì mạng Wi-Fi này không được bảo vệ bằng mật khẩu, bất kỳ ai cũng có thể đăng nhập để truy cập Internet, và đây là điểm trừ không đáng có trên TOTOLINK N200RE nếu người dùng chưa kịp cấu hình lại thiết bị.

Dẫu vậy, Test Lab thực sự bị thuyết phục bởi khả năng "lên sóng tức thời" của N200RE, cũng như việc nhà sản xuất mặc định gán địa chỉ IP là 192.168.1.1 và mở tính năng DCHP cho thiết bị để người dùng dễ dàng đăng nhập vào giao diện cấu hình từ máy tính cá nhân.

Thử nghiệm đăng nhập vào giao diện cấu hình của TOTOLINK N200RE từ máy tính cá nhân thông qua cáp mạng LAN và cả kết nối Wi-Fi đều diễn ra trơn tru.

TOTOLINK N200RE

Đáng chú ý, trong vài tình huống, khi phát hiện địa chỉ IP 192.168.1.1 bị trùng với địa chỉ IP của thiết bị cấp nguồn Internet (modem hay router hay AP) thì Test Lab nhận thấy N2100RE sẽ chủ động chuyển sang địa chỉ IP mới là 192.168.0.1.

Sự thông minh này của TOTOLINK N200RE đã giúp quản trị viên cũng như người dùng bỏ qua vấn đề trùng địa chỉ IP vốn có thể gây ra nhiều sự cố liên quan đến kết nối trong một mạng nội bộ trong phạm vi văn phòng hay gia đình. Thực tế cho thấy, để kiểm soát một thiết bị lạ gắn vào mạng nội bộ (có dây lẫn không dây) là khá khó khăn và không phải ai cũng am tường để xử lý vấn đề.

Còn đối với sản phẩm Asus RT-N12HP, việc cấu hình thiết bị cũng không quá tạp dù Test Lab phải thực hiện thêm vài thao tác thiết lập.
Mặc định, Asus RT-N12HP được nhà sản xuất thiết lập chế độ hoạt động là Wireless Router và tạm gán địa chỉ IP ban đầu là 192.168.1.1. Tuy nhiên, Test Lab chưa thực sự hài lòng khi Asus bố trí mục tùy chỉnh các chế độ hoạt động của router ở một nơi khó tìm và hơn nữa là trình đơn này mang một cái tên chẳng mấy liên quan - Administration.

Hơn thế nữa, tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm thiết bị lại quá sơ sài, và hầu như chẳng đề cập đến trình đơn quan trọng này. 
Khác với N200RE, ở lần cấu hình đầu tiên, Asus buộc người dùng phải thực hiện thao tác đổi tên và mật khẩu để kiểm soát thiết bị.
Trong khi đó, mặc định thì D-Link DIR-859 tạo ra một mạng Wi-Fi với tên định danh (SSID) và mật khẩu đăng nhập cho từng băng tần được dán trực tiếp trên thân máy.

Ở trình hướng dẫn D-Link Setup Wizard, ở lần đầu tiên sử dụng, người dùng sẽ được chỉ dẫn cách cấu hình thiết bị thông qua giao diện trực quan cùng diễn giải rõ ràng ở từng mục thông số.

Ví dụ, D-Link cho phép đặt lại tên SSID, mật khẩu cũng như cấu hình phương thức nhận địa chỉ IP từ modem hay router cấp nguồn Internet.

Giao diện mặc định của trình điều khiển TOTOLINK N200RE.

Đủ tính năng

Test Lab thực sự hài lòng với mọi tính năng mà Asus RT-N12HP cung cấp, đặc biệt là Guest Network vốn cho phép quản trị viên chủ động tạo ra một mạng Wi-Fi an toàn (chỉ được kết nối ra Internet, nhưng không kết nối vào mạng nội bộ) và tính năng giám sát truy cập của trẻ em Parental Controls.

Ngoài ra, Test Lab cũng đánh giá cao tính năng quản lý băng thông mà RT-N12HP hỗ trợ khi cho phép thiết lập mức băng thông cho cụ thể từng thiết bị kết nối vào mạng. Asus RT-N12HP cũng cung cấp tùy chọn áp băng thông tối đa cho mọi kết nối Internet thông qua thiết bị này.
Cũng từ giao diện điều khiển hợp nhất này, người dùng có thể nhanh chóng đặt lại địa chỉ IP cho mạng LAN (do Asus RT-N12HP quản lý), giao tiếp với nguồn cấp Internet hay ngõ ra mạng lớp trên (tức cấu hình cổng WAN), và hết sức quan trọng là các thiết lập liên quan đến mạng Wi-Fi, tính năng tường lửa.

Tính năng bổ sung SSID trên N200RE được tích hợp thêm tính năng ép băng thông.

Giống mọi thử nghiệm trước đây đối với dòng sản phẩm Wi-Fi Router tích hợp tính năng Repeater, nhóm thử nghiệm Test Lab cũng tuần tự thực hiện việc cấu hình chế độ Repeater cho Asus RT-N12HP và nhận thấy quá trình cài đặt khá đơn giản, trực quan.

Đáng chú ý, Test Lab đánh giá cao việc Asus RT-N12HP cho phép người dùng sử dụng lại chính mật khẩu đăng nhập mạng Wi-Fi gốc (chỉ thay đổi tên SSID bằng cách thêm vào hậu tố _RPT), hay thủ công tạo ra một SSID mới với tên gọi độc lập. Ngoài ra, ngay trong quá trình cài đặt, thiết bị cho phép thiết lập có hay không việc Asus RT-N12HP sử dụng địa chỉ IP được cấp từ nguồn phát Wi-Fi gốc.

Asus cho phép thiết lập mức băng thông tối đa cho từng thiết bị kết nối vào mạng.

Giống sản phẩm Asus, TOTOLINK N200RE cung cấp 3 chế độ hoạt động chính là Gateway, Repeater Brigde và Repeater WIPS, trong đó chế độ mặc định là Gateway (Asus gọi là Wi-Fi Router).

Bên cạnh các tính năng cơ bản của một router như Firewall và QoS như D-Link DIR-859 và Asus RT-N12HP thì Test Lab nhận thấy TOTOLINK N200RE cũng cung cấp nhiều tùy chọn quản trị cao cấp như chống tấn công DDoS, cấu hình DDNS, lên lịch khởi động lại thiết bị hay tắt Wi-Fi, và không thể thiếu là khả năng sao lưu cũng như khôi phục cấu hình đã cài đặt.

Giao diện chính của trình điều khiển Asus RT-N12HP.

Với tính năng “quản lý băng thông” thì N200RE tuy chưa sánh bằng D-Link hay Asus nhưng lại có phần vượt trội khi cho phép quản trị viên tạo ra một mạng riêng ảo với thiết lập các mức ưu tiên dữ liệu riêng cho IPTV.

Quay trở lại với tính năng Repeater của TOTOLINK N200RE, Test Lab cho rằng về cơ bản thì việc cấu hình tính năng này khá giống khi sử dụng sản phẩm TOTOLINK N9 mà Test Lab từng thử nghiệm hồi cuối tháng 5/2016.

Trình đơn thiết lập các mode hoạt động của Asus RT-N12HP.
Đánh giá:
Asus RT-N12HP: 4,5 sao
D-Link DIR-859: 4 sao
TOTOLINK N200RE: 4,5 sao
 

PC World 06/2016

PCWorld

Access Point, bộ định tuyến, bộ định tuyến không dây, Wi-Fi Router


      © 2021 FAP
        2,619,892       647