Công nghệ - Sản phẩm

GPU của Nvidia không chỉ cho game thủ

PCWorldVN) Chip của Nvidia đang được dùng để dạy máy tính nghĩ như con người, có thể mở ra cho hãng mảng kinh doanh mới.

Chip xử lý đồ họa của Nvidia từ lâu đã là chọn lựa của giới game thủ máy tính, là đối tượng luôn muốn có được những khung hình game như đời thật với những trò chơi nhập vai, hành động, bắn súng. Đến nay, những chip xử lý mạnh mẽ ấy tiếp tục len lỏi vào những lĩnh vực khác, mà những công ty lớn như Alibaba, Facebook, Google và Microsoft đang bắt đầu tận dụng.

Chip đồ họa của Nvidia có trong hệ thống nhận diện giọng nói, có trong phần mềm phát triển gien và có trong cả những chương trình biến các ảnh vệ tinh thành bản đồ chi tiết.

Các nhà nghiên cứu tại DeepMind, là phòng thí nghiệm của Google tại London, sử dụng hàng ngàn bộ xử lý đồ họa K40 của Nvidia, mỗi bộ xử lý này có giá đến 3.000 USD, để chỉ đào tạo cho một máy tính chơi cờ vây.

Một trong những cột mốc đáng nhớ của ngành nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) là năm ngoái, máy tính DeepMind đã thắng kiện tướng cờ vây châu Âu một mạch liền 5 ván đấu. Còn trong tháng 3 này, DeepMind sẽ đấu với một kiện tướng tầm cỡ thế giới.

 

Jen-Hsun Huang, CEO của Nvidia.

Những tiến bộ lớn về AI so với phần mềm thông thường là nó có thể học và cải thiện độ thông minh mà không cần sự trợ giúp của các lập trình viên. Một chương trình AI được thiết kế để chọn ra những xe ô tô từ những hình ảnh bất kỳ, càng nhiều hình ảnh thì khả năng lọc ra xe càng chi tiết. GPU rất phù hợp cho những tác vụ nhận diện theo mẫu kiểu như vậy bởi vì chúng có thể thực hiện hàng ngàn tính toán đơn giản cùng một lúc. Ngược lại, các bộ xử lý trung tâm mà chúng ta thường biết với tên gọi CPU do Intel sản xuất thường thực hiện những tính toán phức tạp hơn rất nhanh, nhưng lại bị hạn chế khi chạy song song nhiều tác vụ.

Ý tưởng sử dụng chip đồ họa cho AI là một điều tuyệt vời trong năm 2012, khi một đội ngũ các nhà nghiên cứu tại đại học Toronto sử dụng GPU của Nvidia để tạo một hệ thống phân loại hình ảnh và nhận được giải thưởng. Đột phá này cũng có phần giúp đỡ của Nvidia về một ngôn ngữ lập trình tên là CUDA, cho phép các nhà phát triển tái định hướng GPU cho mục đích khác, ngoài xử lý đồ họa như trước.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của Nvidia là AMD vẫn chưa có đầu tư tương xứng.

Đại diện Nvidia nói rằng có khoảng 3.500 doanh nghiệp và tổ chức đang sử dụng GPU của họ cho AI và phân tích dữ liệu, mà so với cách nay vài năm con số này chỉ vào khoảng 100.

AI đóng vai trò trong mọi thứ, từ tìm kiếm trên Google cho đến xe tự hành, và đó cũng là điều mà Nvidia lạc quan vào tương lai của họ. Kiến trúc xử lý song song càng ngày càng tỏ ra ưu việt, đặc biệt về lĩnh vực AI

Trung tâm dữ liệu cũng là lĩnh vực mới đối với Nvidia, vì doanh thu hàng năm 5 tỷ USD của hãng đến từ mảng kinh doanh đồ hoạ PC. Trong khi đó, hãng vẫn phát triển cầm chừng trong mảng game máy tính cho dù game thủ liên tục có nhu cầu về cấu hình máy mạnh, nhưng vì thị trường PC nói chung liên tục tuột dốc trong vài năm qua.

Ông Jen-Hsun Huang, CEO của Nvidia, cho biết GPU của họ đang di dời từ phát triển phần mềm sang sản trung tâm dữ liệu quy mô lớn, và điều đó rất thú vị. Một khi doanh nghiệp tìm ra được cách áp dụng AI vào trong kinh doanh thì nhu cầu GPU sẽ tăng rất cao. Dù vậy, chiêu dụ khách hàng từ bỏ dòng bộ xử lý Xeon của Intel là điều cực kỳ khó đối với Nvidia, vì Xeon đang chiếm đến 99% máy chủ trên toàn cầu. 

Nvidia cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh của một số công ty khởi nghiệp khác như Movidius và Nervana, là hai hãng sản xuất chip tối ưu cho AI.

Giám đốc khoa học của Nvidia, Bill Dally, cho rằng vài công ty lớn (không nêu tên) cũng đang tìm cách như vậy nhưng họ không tỏ dấu hiệu cạnh tranh. Còn Nvidia thực sự đặt cược vào chiến lược này, và họ đầu tư từ lâu trước khi thị trường GPU cho AI và phân tích dữ liệu hình thành.

PCWorld

Bùi Lê Duy, card đồ hoạ, chip đồ hoạ, điện toán đám mây, GPU, NVIDIA, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo


      © 2021 FAP
        2,658,910       1,363